WTO giữa “ngã ba đường” lựa chọn lãnh đạo

(BKTO)- Các quốc gia thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hiện vẫn bất đồng về việc lựa chọn một nhà lãnh đạo tạm quyền trong vài tháng, thay thế Tổng Giám đốc Roberto Azevedo vừa từ chức.



                
   

Trụ sở tổ chức WTO - Nguồn: sưu tầm.

   

Chưa đạt được đồng thuận

Tổng Giám đốc đương nhiệm WTO Roberto Azevedo sẽ từ nhiệm ngày 31/8/2020 (sớm hơn 1 năm so với thời hạn kết thúc nhiệm kỳ) và quy trình bổ nhiệm tân tổng giám đốc còn kéo dài ít nhất đến tháng 11/2020 và có thể sang đến năm 2021. Trong bối cảnh đó, việc bổ nhiệm quyền Tổng Giám đốc WTO đã được Chủ tịch Đại hội đồng WTO David Walker tham vấn các nước thành viên và trao đổi tại cuộc họp Đại hội đồng WTO ngày 31/7/2020. Tuy nhiên, các quốc gia thành viên WTO đã không thể đưa ra một lựa chọn thống nhất về chỉ định 1 trong 4 phó tổng giám đốc đương nhiệm làm nhà lãnh đạo tạm quyền của thể chế này.

WTO hiện có 4 phó tổng giám đốc, gồm ông Yonov Frederick Agah (người Nigeria), ông Karl Brauner (người Đức), ông Dịch Tiểu Chuẩn (người Trung Quốc) và ông Alan Wolff (người Mỹ). Theo quy định của WTO, các nước thành viên có thể bầu chọn 1 trong 4 phó tổng giám đốc giữ chức tổng giám đốc tạm quyền cho đến khi chọn ra được một người đứng đầu chính thức.

Theo nguồn tin từ WTO, các thành viên cơ bản nhất trí chọn 1 trong 2 phó tổng giám đốc là ông Karl Brauner và ông Alan Wolf nhưng còn nhiều ý kiến khác biệt. Mỹ thể hiện sự ủng hộ ông Wolf vì ông có đầy đủ năng lực, hơn nữa Mỹ chưa từng giữ chức Tổng Giám đốc WTO, trong khi châu Âu đã có 3 Tổng Giám đốc WTO. Ông Wolf được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc năm 2017, giám sát các bộ phận của WTO bao gồm nông nghiệp, môi trường, gia nhập và công nghệ thông tin. Trong khi đó, EU ủng hộ ông Brauner vì ông có thâm niên hơn. Ông Brauner nắm vị trí Phó Tổng Giám đốc gần 7 năm, phụ trách hai bộ phận pháp lý (về quy tắc và các vấn đề pháp lý, trong đó có việc giải quyết tranh chấp) và bộ phận hành chính, ngân sách, nhân sự. Điều này thuận cho việc ông Brauner có thể được bổ nhiệm vị trí quyền tổng giám đốc, đặc biệt là nếu chính quyền Tổng thống Donald Trump yêu cầu thay đổi ngân sách năm 2021 của WTO như đã làm hồi năm 2019.

Vai trò của quyền Tổng Giám đốc WTO là phục vụ chức năng hành chính để bảo đảm tổ chức hoạt động bình thường trong thời gian trống vị trí Tổng Giám đốc. Hiện có 8 ứng cử viên tham gia tranh "ghế nóng" của thể chế này, trong đó có nhiều gương mặt khá quen thuộc trên trường quốc tế như cựu Bộ trưởng Thương mại Anh Liam Fox, cựu Bộ trưởng Kinh tế Saudi Arabia Mohammed al-Tuwaijri, cựu Phó Tổng Giám đốc WTO người Mexico Jesus Seade Kuri hay Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yoo Myung-hee.

Kể từ khi thành lập vào năm 1995, WTO đã có 3 Tổng Giám đốc là người châu Âu, trong khi châu Đại Dương, châu Á và Nam Mỹ - mỗi châu lục từng có 1 người đảm nhận cương vị này. Mỗi nhiệm kỳ kéo dài 4 năm và ứng cử viên đắc cử phải nhận được sự ủng hộ đa số của 164 nước thành viên WTO qua mỗi lần bình chọn.

Trong bối cảnh môi trường địa chính trị-kinh tế thế giới nhiều biến động hiện nay, tiến trình đề cử, lựa chọn ứng viên Tổng Giám đốc WTO sẽ thể hiện rõ sự cạnh tranh ảnh hưởng nước lớn và các ứng viên sẽ cần tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).

Trọng trách nặng nề của lãnh đạo mới

Ông Roberto Azevedo (người Brazil) rời WTO giữa lúc thể chế này đang đối mặt với một loạt cuộc khủng hoảng nghiêm trọng như căng thăng thương mại Mỹ-Trung leo thang, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và kinh tế thế giới suy giảm do đại dịch COVID-19. Theo nhận định của giới phân tích, nhà lãnh đạo mới của tổ chức này phải gánh vác trách nhiệm rất lớn như khôi phục lại các cuộc đàm phán thương mại hiện đang gặp bế tắc, lên kế hoạch về hội nghị cấp bộ trưởng trong năm 2021, cải thiện quan hệ với Mỹ, cập nhật các quy tắc thương mại toàn cầu đã lỗi thời sau 25 năm tồn tại...

Các ý kiến nhìn chung đều cho rằng tân Tổng Giám đốc WTO không chỉ phải có nhiều kinh nghiệm về thương mại quốc tế mà còn phải có uy tín chính trị, chính trực, có cam kết đa phương thực sự, cân bằng được quan hệ với các nhóm nước, tôn trọng nhiều quan điểm khác nhau và nhận được sự tôn trọng của tất cả các thành viên WTO. Giới chuyên gia dự báo quá trình lựa chọn ứng viên Tổng Giám đốc WTO lần này sẽ chứng kiến sự tham gia của nhiều ứng viên; sự ủng hộ của Mỹ và Trung Quốc được cho là mang yếu tố quyết định.

Giới chuyên gia cũng cho rằng dù ai chiến thắng trong cuộc đua này sẽ phải "thừa hưởng" một tổ chức quốc tế đang đối mặt với nhiều vấn đề nội tại có từ trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức này hiện nay là cập nhật, nâng cấp hệ thống quy tắc WTO, từ đó xử lý những khác biệt của hai mô hình kinh tế dựa trên nhà nước (tiêu biểu Trung Quốc) và kinh tế dựa trên thị trường (tiêu biểu là Mỹ).

WTO hiện đang phải đối mặt với ba vấn đề căn bản. Thứ nhất, thể chế này đã không hoạt động hiệu quả để giải quyết các tranh chấp cũng như nỗ lực cải tổ. Kể từ khi thành lập năm 1995, WTO chưa có bất kỳ một vòng đàm phán thương mại toàn diện mới nào, một phần bởi các quy tắc của WTO đòi hỏi sự đồng thuận để thông qua các thỏa thuận. Ngoài ra, WTO cũng thất bại trong việc giải quyết các hành xử thương mại bất công. Thứ hai, các quy tắc WTO không bao hàm các lĩnh vực thương mại số, các dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới và nhiều dịch vụ như hàng không thương mại. Những quy tắc này đã không giải quyết được vấn đề trợ cấp của các nước đang phát triển. Thứ ba, từ thời Chính quyền của Tổng thống George W. Bush, Mỹ đã luôn cho rằng cơ quan phúc thẩm WTO đã hoạt động vượt quá thẩm quyền của mình. Đó là giải quyết các trường hợp cụ thể bằng cách sử dụng các quy tắc được thương lượng bởi các quốc gia thành viên. Cơ quan này thậm chí gần đây còn lên tiếng đòi hỏi quyền yêu cầu làm sáng tỏ khi các quốc gia được phép khẳng định lợi ích an ninh quốc gia để hạn chế đầu tư và thương mại.

WTO đóng vai trò không thể thay thế trong việc cải thiện triển vọng kinh tế của các quốc gia và đời sống người dân trên toàn thế giới. Các thành viên WTO ngày nay thừa nhận sự cần thiết phải cải tổ tổ chức này trong thế kỷ 21. Và để khôi phục WTO, điều kiện tiên quyết chính là ý chí chính trị, sự quyết tâm và tính linh hoạt của các quốc gia thành viên.
Theo TTXVN
Cùng chuyên mục
WTO giữa “ngã ba đường” lựa chọn lãnh đạo