Xác định trọng điểm phát triển du lịch Việt Nam để đầu tư

(BKTO) – Trong bối cảnh ngành du lịch đang chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh, thách thức đến mục tiêu tăng trưởng và phát triển của ngành, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các DN cần phải mạnh mẽ cơ cấu lại thị trường, sản phẩm du lịch cũng như xác định đúng trọng tâm, trọng điểm để đầu tư, khôi phục và phát triển ngành du lịch sau đại dịch.



Đây là một trong những vấn đề quan trọng được các đại biểu, chuyên gia du lịch tập trung thảo luận tại Hội nghị trực tuyến định hướng, góp ý dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức mới đây.

Xác định trọng tâm phát triển du lịch trong và sau đại dịch

Nhằm chủ trương phát triển ngành “công nghiệp không khói” trong giai đoạn mới, thời gian qua, Bộ VH,TT&DL đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đang xây dựng Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 (Chương trình hành động); từng bước cụ thể hoá việc thực hiện các mục tiêu, định hướng, giải pháp phát triển du lịch đã được đề ra tại Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030. Kết quả thực hiện các Chương trình, Chiến lược nói trên sẽ góp phần đưa ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.

Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch bệnh với tác động khó lường ảnh hưởng đến toàn cầu đã kéo lùi toàn bộ nỗ lực của ngành du lịch thế giới cũng như trong nước.

“Trước khi dịch bệnh xảy ra, ngành du lịch đã đạt được những thành tựu vượt bậc, từng bước tiếp cận mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Năm 2019, du lịch đã có đóng góp quan trọng vào nền kinh tế; đạt 9,2 % GDP” - đại diện Tổng cục Du lịch cho biết.
                
   

Ngành du lịch cần cơ cấu lại thị trường, trong đó chú trọng hơn đến thị trường khách du lịch trong nước. Ảnh: N.LỘC

   

Do đó, Bộ VH,TT&DL cho rằng, vấn đề đặt ra là phải xây dựng Chương trình hành động như thế nào để ngành du lịch vừa có thể vượt khó, vừa phát triển lâu dài trong tương lai. Trong đó, xác định các nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên phát triển du lịch trong 5 năm 2021 – 2025 để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, định hướng phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2025 phù hợp với tình hình thực tiễn.

Một trong những giải pháp được Bộ VH,TT&DL đề cập để tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch, đó là đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển du lịch đang được đặt lên hàng đầu, việc ứng dụng công nghệ bước đầu đã giúp ngành du lịch vượt qua khó khăn. Ngành du lịch cần hình thành một bộ dữ liệu đủ lớn trên cơ sở đó, các DN sẽ khai thác, liên kết phần mềm, tạo ra những sản phẩm số hoá phục vụ du lịch.

Cơ cấu lại thị trường du lịch, chú trọng thị trường nội địa

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở Du lịch các địa phương: TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Kiên Giang đã góp ý về nguồn lực thực hiện hiệu quả Chương trình hành động, chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng giao thông tại các khu vực động lực phát triển du lịch; công tác quản lý nhà nước về du lịch tại địa phương trọng điểm du lịch để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; hợp tác công tư trong huy động nguồn lực đầu tư phát triển du lịch ở địa phương; công tác xúc tiến quảng bá và kích cầu thị trường du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới...
                
   

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nguyễn Chiêm

   

Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong Chương trình hành động lần này, Bộ đã đề ra những giải pháp mang tính chất căn cơ nhằm khắc phục hậu quả do Covid-19 gây ra, hỗ trợ DN du lịch phục hồi, phát triển trong bối cảnh bình thường mới. Bên cạnh đó, định hướng phát triển du lịch sẽ có sự thay đổi trong nhận thức và tiếp cận, cơ cấu lại thị trường du lịch, tính toán và cân bằng thị trường. “Đã có một thời, chúng ta chỉ chú trọng đến phát triển thị trường quốc tế mà chưa quan tâm nhiều đến thị trường nội địa. Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, thị trường nội địa với gần 100 triệu dân lại là cứu cánh của ngành du lịch” - Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh.

Vì thế, theo Bộ trưởng, tại Chương trình hành động sắp tới, cần hướng tới một thị trường có tính cân bằng và bền vững, có trọng tâm trọng điểm, có ưu tiên và lộ trình phát triển. Trong quá trình đó, chúng ta không quá phụ thuộc vào thị trường nào, không đong đếm số lượng khách mà tính toán khả năng chi tiêu của khách và đóng góp bao nhiêu cho nền kinh tế đất nước.

Hệ thống sản phẩm du lịch cũng cần được cơ cấu lại, xây dựng sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm. Phấn đấu để mỗi tỉnh, thành phố phải có được một sản phẩm đặt trưng, đặc sắc. “Chúng ta phải đặt câu hỏi và so sánh trong nông nghiệp có sản phẩm OCOP (mỗi xã 1 sản phẩm), vậy tại sao trong Chương trình hành động du lịch không đặt ra mục tiêu mỗi tỉnh, thành có 1 sản phẩm du lịch đặc sắc, tiêu biểu, từ đó kết nối với nhau sẽ tạo ra chuỗi liên kết, nâng cao giá trị” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng gợi mở.

Ông cũng cho rằng, liên quan đến cơ sở hạ tầng du lịch, nếu chỉ trông chờ vào NSNN chắc chắn sẽ rất khó khăn, không hiện thực. Vì vậy, cần làm tốt công tác quy hoạch các khu du lịch quốc gia, các điểm du lịch, từ đó kêu gọi đầu tư. Tiếp cận theo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ “những gì DN làm tốt thì để DN làm, Nhà nước chỉ cần làm tốt vai trò quản lý” - Bộ trưởng lưu ý và nêu định hướng mục tiêu quản lý nhà nước về văn hoá và du lịch là hướng đến vai trò kiến tạo, là “bà đỡ” cho các DN, cộng đồng xây dựng văn hóa, du lịch, sẽ không làm thay như trước đây.

NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Xác định trọng điểm phát triển du lịch Việt Nam để đầu tư