Nhận định về tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2020 tại Nam Bộ, ông Phùng Tiến Dũng - Trưởng Phòng Dự báo thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia) cho biết, do ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, mùa khô năm 2019-2020, khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long được dự báo sẽ thiếu nước trầm trọng, khả năng cao xâm nhập mặn sẽ gia tăng. Ngành chức năng đánh giá, tình hình xâm nhập mặn ở khu vực này sẽ đến sớm, với mức độ khốc liệt.
Khô hạn làm nhiều diện tích lúa bị thiệt hại ở Đồng bằng sông Cửu Long- Ảnh: dangcongsan.vn |
Xâm nhập mặn năm nay xảy ra sớm và nghiêm trọng hơn so với trung bình nhiều năm. Ngay từ giữa tháng 12/2019 đã xuất hiện xâm nhập mặn cao đột biến ở nhiều cửa sông (ranh mặn 4 gam/lít ở sông Hàm Luông, cao nhất đến 57 km, cao hơn năm cùng kỳ năm 2015 là 17 km). Theo tính toán của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, dự báo mức độ, phạm vi xâm nhập mặn 4 gam/lít tại các cửa sông sẽ sâu hơn trung bình nhiều năm và kỷ lục năm 2016.
Cụ thể, sông Vàm Cỏ Đông, phạm vi xâm nhập 100 km, sâu hơn trung bình nhiều năm 40 km, sâu hơn năm 2016 là 3 km. Phạm vi xâm nhập vùng Sông Vàm Cỏ Tây là 110 km, sâu hơn trung bình nhiều năm 52 km, sâu hơn năm 2016 là 5 km. Vùng các cửa sông Cửu Long, phạm vi ảnh hưởng ở từng cửa sông từ 55-80 km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 23-49 km, sâu hơn năm 2016 từ 3-7 km. Vùng biển Tây (sông Cái Lớn) bị mặn xâm nhập 70 km, sâu hơn trung bình nhiều năm 30 km, sâu hơn năm 2016 là 5 km.
Mùa mưa năm 2019 tại lưu vực sông Mêkong xuất hiện muộn so với trung bình nhiều năm. Tổng thời gian mưa ngắn, lượng mưa khoảng 1.240 mm, thấp hơn các năm trước 8%. Dòng chảy về đồng bằng sông Cửu Long từ đầu mùa khô đến nay giảm nhanh, hiện đang xuống ở mức rất thấp so với trung bình nhiều năm. Mực nước bình quân tại trạm Kratie (Campuchia) từ đầu tháng 11 đến nay thấp hơn gần 2,33 m so với các năm trước.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nguy cơ xâm nhập mặn ảnh hưởng đến 74/137 huyện, thị xã thuộc 10/13 tỉnh trong khu vực (trừ Đồng Tháp, An Giang và thành phố Cần Thơ). Những hiện tượng này đã tác động rất lớn đến sản xuất, sinh hoạt của người dân và ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế-xã hội của nhiều địa phương trong vùng, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp. Nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp sẽ có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước và nhiễm mặn.
Theo nhận định của các chuyên gia khí tượng thủy văn, năm nay hiện tượng El Nino trở lại khu vực, lượng nước mưa khá thấp. Tiếp đó là chuỗi các đập thủy điện ở thượng nguồn đều đồng loạt tích nước vào hồ chứa, lượng nước xả về hạ lưu rất ít. Nếu các tỉnh đầu nguồn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục chạy theo làm lúa vụ 3 (vụ thu đông) sẽ làm các vùng ven biển khan hiếm nước hơn. Theo đó, nước mặn sẽ theo thủy triều lấn sâu hơn vào đất liền và có nhiều nguy cơ nhiễm mặn cả những vùng nước ngọt trước đây như TP. Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long và sẽ mở rộng ra các tỉnh còn lại.
Do trời nắng hạn liên tục làm cho mực nước trong các sông, rạch vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau xuống rất thấp. Nguy cơ thiếu nước tưới, xâm nhập mặn ảnh hưởng năng suất vụ lúa đông xuân là rất lớn. Hiện, tỉnh Cà Mau có khoảng 36.000 ha đất chuyên canh lúa. Trong đó, tập trung phần lớn tại vùng ngọt hóa của huyện Trần Văn Thời. Việc xuống giống vụ mùa đông xuân năm nay rất thuận lợi nhưng do mùa mưa kết thúc sớm nên bà con đang đối diện nguy cơ thiếu nước.
Mực nước trên các sông, rạch trong vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau đang rút nhanh, so với cùng kỳ năm 2018 đã xuống thấp hơn khoảng 0,5 m. Nhất là vùng ngọt hóa của huyện Trần Văn Thời nằm giáp biển nên tình hình mặn xâm nhập được dự báo diễn biến phức tạp. Dự báo cao điểm vào tháng 1/2020 có những nơi xâm nhập mặn có thể vào tới 100 km. Do đó các tỉnh, thành phố khu vực này cần sớm có biện pháp chủ động phòng chống hạn hán ở Đồng bằng sông Cửu Long đang có nguy cơ gay gắt, thậm chí ở mức khốc liệt.
Cùng với việc sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng do xâm nhập mặn thì nguồn nước sinh hoạt cho người dân cũng có nguy cơ bị thiếu hụt. Theo dự báo, có khoảng 136.000 ha diện tích cây ăn quả bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn; 120.800 hộ thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt là tại Bến Tre với khoảng 36.800 hộ, Long An 32.400 hộ và Sóc Trăng 24.400 hộ.
Khẩn trương tiến hành thực hiện các giải pháp cấp bách
Trước tình hình nêu trên, các địa phương trong khu vực đang tích cực bố trí cơ cấu mùa vụ hợp lý, nhằm hạn chế ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Đặc biệt, ưu tiên sử dụng các giống lúa thơm, chất lượng cao, ngắn ngày, nhóm giống chịu mặn, để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả...
UBND tỉnh Bến Tre đã có công văn chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống, ứng phó xâm nhập mặn như đắp đập ngăn mặn cục bộ, kiên quyết không để người dân sản xuất ở những vùng thiếu nước, theo dõi chặt chẽ diễn biến xâm nhập mặn để có giải pháp xử lý kịp thời...
Ông Võ Kim Thuần - Chi Cục trưởng Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh Long An cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã phối hợp các địa phương tuyên truyền, phổ biến thông tin đến người dân nâng cao ý thức về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn; khuyến cáo người dân thực hiện đúng lịch thời vụ đã ban hành và sử dụng nguồn nước tưới tiết kiệm, hợp lý. Ðồng thời, đẩy nhanh tiến độ duy tu, sửa chữa và nạo vét các công trình thủy lợi cấp thiết để trữ nước; tổ chức trục vớt, diệt lục bình trên tuyến sông, kênh, rạch để khơi thông dòng chảy, phục vụ tốt cho sản xuất.
Ông Huỳnh Ngọc Vân - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, trước những dự báo về tình trạng xâm nhập mặn sẽ có tác động đến sản xuất của người dân, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai nhiều biện pháp nhằm phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020 với việc vận hành hệ thống cống, tích trữ nước ngọt, ngăn mặn; quản lý chặt chẽ nguồn nước, chống rò rỉ, thất thoát nguồn nước ngọt. Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại tỉnh Cà Mau không chỉ ảnh hưởng đến người trồng lúa mà nhiều mô hình khác nằm trong vùng ngọt hóa như trồng hoa màu, cây ăn trái, chăn nuôi gia súc, gia cầm… cũng được cảnh báo đối mặt khó khăn.
Trước tình hình trên, UBND Cà Mau đã ban hành kế hoạch phòng chống, trong đó nêu rõ, cơ quan chức năng triển khai các giải pháp hạn chế tình trạng nước mặn rò rỉ vào vùng ngọt, ngoài ra, phải thường xuyên theo dõi độ mặn để có khuyến cáo và xử lý kịp thời. Về phía người dân, cần chủ động phòng chống, có giải pháp sử dụng tiết kiệm nguồn nước tưới, nhằm giảm bớt thiệt hại do hạn mặn gây ra
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khuyến khích người dân tự tính toán lượng nước cần thiết chia theo đầu người ở mỗi gia đình để chủ động trữ nước ngọt dùng qua mùa khô hạn.
Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang khẩn trương đẩy mạnh thay đổi cơ cấu sản xuất, ổn định đời sống người dân vùng bị ảnh hưởng. Trong cơ cấu nông nghiệp trước đây là lúa - thủy sản - cây ăn quả, thì theo định hướng hiện nay là thủy sản - cây ăn quả - lúa. Tổng cục Khí tượng Thủy văn đang nghiên cứu bổ sung thêm mạng lưới trạm quan trắc dòng chảy và quan trắc mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là ưu tiên lắp đặt các thiết bị tự động để có số liệu quan trắc kịp thời, đầy đủ. Tập trung phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo hạn hán, xâm nhập mặn; thực hiện nội dung xây dựng hệ thống giám sát nguồn nước dự báo, cảnh báo hạn hán và xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng tiến hành nghiên cứu, áp dụng các thành tựu khoa học vào công tác dự báo, cảnh báo hạn hán, xâm nhập mặn; tăng cường nghiên cứu những vấn đề quy mô lớn, quy mô toàn cầu có liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến diễn biến thời tiết và khí hậu Việt Nam. Việc trữ nước trong mùa mưa lũ để dùng trong mùa cạn cũng được các địa phương quan tâm, cụ thể bằng việc tiến hành trữ nước ở quy mô lớn để dùng cho sản xuất toàn đồng bằng; quy mô trung bình như ở các kênh rạch và khu vực trũng tự nhiên để dùng cho mục đích địa phương và quy mô hộ gia đình.
AN CHI (Tổng hợp)