Xanh hóa ngành dệt may đáp ứng yêu cầu hiện tại và xu thế tương lai

(BKTO) - Theo các chuyên gia trong lĩnh vực dệt may, yêu cầu về sản xuất xanh đã được đề cập từ lâu nhưng đã trở thành vấn đề cấp bách từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam cam kết mạnh mẽ sẽ giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26, xu thế xanh hóa ngành dệt may để đáp ứng yêu cầu hiện tại và xu thế tương lai càng được các doanh nghiệp chú trọng.

15.jpeg
Năm 2024, ngành dệt may phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD. Ảnh minh họa

Ngành xuất khẩu chủ lực, cần thích ứng với tình hình mới

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng dệt may đã đạt 5,2 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước và đứng thứ 4 trong các nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất của cả nước.

Con số này được đánh giá là khả quan, tiếp nối những nỗ lực để đạt được thành công nhất định trong năm 2023 với kim ngạch xuất khẩu đạt 40,3 tỷ USD. Ngành dệt may Việt Nam đang phấn đấu cả năm 2024 sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD - ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết.

Nhìn lại năm 2023 có thể thấy rõ các doanh nghiệp dệt may đã phải ứng phó với vô vàn khó khăn, thách thức đến từ áp lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và ngoài nước, áp lực về giá, về chi phí, áp lực về thời gian giao hàng ngắn… và đảm bảo việc làm cho người lao động. Để vượt qua khó khăn, ngành dệt may đã định hướng cho các doanh nghiệp cần tăng cường liên kết trong chuỗi; đa dạng hoá thị trường, khách hàng, mặt hàng; đặc biệt là dần chuyển đổi theo hướng xanh hóa, phát triển bền vững...

Xu thế hiện đại này đến từ đòi hỏi của các thị trường, khách hàng, đối tác nước ngoài khi mà rất nhiều nhà nhập khẩu từ các thị trường lớn, những thương hiệu thời trang hàng đầu EU đã tiên phong cam kết phát triển bền vững, tập trung sản xuất xanh và phát triển các sản phẩm xanh… Nhiều nước tại thị trường EU đã yêu cầu sản phẩm dệt may phải có tuổi thọ lâu dài, có thể tái chế, tái sử dụng được để giảm tiêu thụ tài nguyên, giảm gây hiệu ứng nhà kính, giảm sử dụng nước và hoá chất độc hại. Cùng với đó, các thị trường nhập khẩu dệt may lớn trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản… cũng đang dần nâng cấp yêu cầu với các nhà sản xuất, xuất khẩu dệt may.

Yêu cầu xanh hóa cũng đã và đang được đặt ra từ chính nhu cầu phát triển của ngành dệt may trong nước. Bởi Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Để cụ thể hóa Chiến lược này, cần phải có những giải pháp cụ thể phát triển ngành công nghiệp dệt may. Trong khi đó, tại COP26, Chính phủ đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, vì vậy, các doanh nghiệp dệt may không thể đứng ngoài xu hướng hiện đại, xanh hóa. “Xanh hóa được xác định là yếu tố mang tính chiến lược với ngành dệt may Việt Nam, không doanh nghiệp nào có thể đứng ngoài cuộc” - ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh.

Cần hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp

Theo chia sẻ của ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, Tổng công ty đã dần chuyển dịch sang sản xuất xanh từ 5 năm trở lại đây, bắt đầu từ đầu tư thiết bị tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tái tạo như điện mặt trời… Đối với nguồn nguyên liệu và sản phẩm đầu ra, May 10 đang ký thỏa thuận với các nhà cung ứng nguyên vật liệu trong nước và quốc tế với mục tiêu tăng tỷ trọng sử dụng sợi tái chế trong sản phẩm, tăng sử dụng sợi hữu cơ đối với những sản phẩm mới để có thể đáp ứng yêu cầu về xanh hóa.

Từ phía Tập đoàn Dệt may Việt Nam, ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Tập đoàn - cho biết, chiến lược xanh hóa đã được Tập đoàn đưa ra từ 10 năm trước. Đến nay, nhiều nhà máy đã lắp đặt được các hệ thống điện áp mái, sản xuất sản phẩm từ năng lượng mặt trời. Chỉ riêng trong năm 2023, các nhà máy đã sản xuất ra hơn 25 triệu kWh điện năng lượng mặt trời. Với mục tiêu giảm dần ô nhiễm, nhiều doanh nghiệp dệt may đã chuyển đổi lò đốt hơi sử dụng nguyên liệu hóa thạch sang lò hơi điện, giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường, đáp ứng các tiêu chuẩn về ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp), tập trung các chỉ tiêu xanh, sản xuất sạch và nguyên liệu, sản phẩm tuần hoàn. Đồng thời, các doanh nghiệp dệt may cũng liên tục cập nhật những yêu cầu về thuế biến đổi carbon, phát triển bền vững, thẩm định chuỗi cung ứng... để bám sát xu hướng xanh hóa của các thị trường tiêu thụ lớn, kiên định với mục tiêu ngày càng tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng dệt may của thế giới, trở thành đối tác ưu tiên của các nhà sản xuất, phân phối lớn.

Ông Vũ Đức Giang nhận định, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã thích ứng rất nhanh với xu thế xanh hoá sản xuất. Các doanh nghiệp đã linh hoạt, nhanh nhạy cơ cấu lại dây chuyền sản xuất, công nghệ, mô hình để chuyển đổi từ sản xuất hàng dệt may có tính chuyên môn hoá cao sang các mặt hàng sản xuất nhanh, đơn hàng nhỏ, có sự cạnh tranh cao về giá, chất lượng, thời gian giao hàng…

Tuy nhiên, theo khuyến nghị của các chuyên gia trong nước và quốc tế, Chính phủ phải đồng hành cùng doanh nghiệp để xây dựng chiến lược xanh hoá, đầu tư các nhà máy có hạ tầng đạt chuẩn đánh giá của các nhãn hàng như: Môi trường làm việc, nước thải, khí thải, phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo. Hơn nữa, nhằm khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ theo cam kết COP26, cần phải có Quỹ tài nguyên môi trường hỗ trợ doanh nghiệp phát triển xanh, vay lãi suất chỉ từ 0-2%/năm…

Nhấn mạnh đề xuất của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, ông Vũ Đức Giang nêu rõ, để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, Chính phủ cần quy hoạch cụ thể, rõ ràng hơn, trong đó có vấn đề quy hoạch cho những địa phương nào thu hút đầu tư vào lĩnh vực dệt, nhuộm “xanh”… - những khâu đầu vào quan trọng của ngành dệt may./.

Theo Chiến lược phát triển dệt may bền vững và tuần hoàn mà EU công bố tháng 3/2022, nguồn thải từ dệt may là nguồn thải lớn nhất, nếu áp dụng biện pháp xử lý thông thường là đốt, chôn lấp như hiện nay thì chi phí là rẻ nhất nhưng gây ảnh hưởng xấu tới môi trường. Thậm chí, một số loại sản phẩm sử dụng sợi tổng hợp không thể tiêu hủy hết dù chôn lấp hàng trăm năm, do vậy, yêu cầu EU đặt ra là phải tái chế được hoàn toàn.

Cùng chuyên mục
Xanh hóa ngành dệt may đáp ứng yêu cầu hiện tại và xu thế tương lai