Xây dựng chiến lược điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá

Ngày 07/11/ 2024 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp cùng Tổ chức Vital Strategies tổ chức hội thảo “Xây dựng chiến lược điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam”

Hội thảo là diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia y tế, kinh tế và đại diện các tổ chức trong và ngoài nước cùng thảo luận, đánh giá tác động của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp nhằm tối ưu hóa chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt, hướng tới giảm thiểu tỷ lệ sử dụng thuốc lá đồng thời tạo ra nguồn tài chính hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, TS Trần Thị Hồng Minh- Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế TW cho biết, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao nhất trên thế giới. Theo thống kê từ Bộ Y tế, Việt Nam xếp hạng thứ 15 về mức độ tiêu thụ thuốc lá với khoảng 15,3 triệu người hút thuốc trực tiếp. Đồng thời, hàng triệu người khác cũng phải chịu ảnh hưởng từ khói thuốc thụ động, trong đó trẻ em và phụ nữ là những nhóm dễ bị tổn thương nhất.

hoi-thao-3.jpg
Quang cảnh Hội thảo

Tác động của việc sử dụng thuốc lá không chỉ dừng lại ở sức khỏe cộng đồng mà còn gây ra gánh nặng lớn cho hệ thống y tế quốc gia. Mỗi năm, có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá, và nếu không có các biện pháp kiểm soát hiệu quả, con số này dự kiến sẽ tăng lên 70.000 vào năm 2030. Do đó, vấn đề giảm thiểu tỷ lệ sử dụng thuốc lá tại Việt Nam trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối diện với các thách thức về sức khỏe do thuốc lá, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá đã được xác định là một công cụ quan trọng nhằm kiểm soát tỷ lệ sử dụng các mặt hàng này. Chính phủ Việt Nam đã và đang áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá nhằm tăng giá sản phẩm, từ đó hạn chế nhu cầu sử dụng.

Thuế tiêu thụ đặc biệt không chỉ đóng vai trò trong việc kiềm chế tỷ lệ tiêu dùng mà còn tạo ra một nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả của chính sách này, cần có sự đánh giá và phân tích toàn diện về tác động vi mô của thuế đối với người tiêu dùng và các nhóm dân cư khác nhau.

Theo TS Trần Thị Hồng Minh, thiết lập được mỗi liên hệ giữa thu thuế từ thuốc lá đối với phát triển kinh tế - xã hội nói chung và các kênh tác động kinh tế vĩ mô nói riêng là một hướng đi quan trọng. Riêng việc sử dung khoản chi ngân sách nhà nước cho các chương trình Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) từ gia tăng thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá có thể giúp đưa ra những cân nhắc đa chiều hơn đối với các đề xuất về thuế, đặc biệt là thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá.

Báo cáo tại Hội thảo, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban- Ban Nghiên cứu tổng hợp Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế TW cho biết, thuế thuốc lá ở Việt Nam còn tương đối thấp so với các nước ASEAN và trung bình thế giới. Qua kinh nghiệm từ Hàn Quốc và Philippine, việc tăng thuế TTĐT là một chiến lược then chốt và hiệu quả để giảm tiêu thụ thuốc lá, đặc biệt là đối với người có thu nhập thấp và trẻ em. Đồng thời thu ngân sách từ thuế TTĐB có thể giúp Chính phủ cải thiện nguồn thu ngân sách nói chung và từ đó có thể gia tăng đầu tư vào lĩnh vực khác.

Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất, Việt Nam cần nghiên cứu để chuyển sang áp dụng cơ chế thuế TTĐB hỗn hợp đối với thuốc lá. Việt Nam cần rà soát và nâng cao năng lực để đánh giá định lượng, ở cả cấp vi mô và vĩ mô, đối với các đề xuất chính sách đối với thuế TTĐB đối với thuốc lá Nghiên cứu, đề xuất sửa quy định của Luật Ngân sách Nhà nước theo hướng cho phép gắn một số khoản thu thuế TTĐB đặc thù (như thuế TTĐB với thuốc lá) với một số chương trình, hoạt động chi từ nguồn NSNN để phục vụ các SDG; Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và thực thi các chương trình, hoạt động hữu hiệu hướng tới thực hiện các SDG, sử dụng nguồn thu từ thuế TTĐB đối với thuốc lá….

Chia sẻ tại Hội thảo, bà Phan Thị Hải- Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá cho biết, tại Việt Nam, theo ước tính số tiền bỏ ra mua thuốc lá lên đến 49.000 tỷ VNĐ/năm (từ nguồn dữ liệu của nghiên cứu PGATS 2020). Tuy nhiên chi phí khám chữa bệnh, tổn thất năng suất lao động do mắc bệnh và tử vong sớm bởi hút thuốc lá là 108.000 tỷ đồng chiếm 1,14% GDP. Chi phí này cao gấp 5 lần so với nguồn thu từ thuế thuốc lá mang lại.

hoi-thao-1.jpg
Bà Phan Thị Hải- Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá

Theo ThS Phan Thị Hải, việc hút thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong thanh thiếu niên đang gia tăng như một “nạn dịch” mà hoàn toàn chúng ta có thể ngăn ngừa được. Hiện thuế tiêu thụ đặc biệt trên giá bán lẻ sản phẩm thuốc lá của Việt Nam chỉ chiếm 38,8%, thấp hơn nhiều so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới thấp là 70-75% giá bán lẻ.

Do đó, việc tăng thuế thuốc lá sẽ làm giảm đáng kể việc tiếp cận thuốc lá, trước hết là trong thanh thiếu niên và người nghèo, bên cạnh đó việc tăng thuế thuốc lá cũng làm giảm tỷ lệ tử vong và tổn thất sức khỏe.

Tại Hội thảo tập, các đại biểu còn tập trung thảo luận về các giải pháp xây dựng và điều chỉnh chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, nhằm tạo ra sự liên kết giữa nguồn thu thuế và các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Các nội dung chính bao gồm: (1) đánh giá tình hình sử dụng thuốc lá tại Việt Nam và các hệ lụy đối với xã hội và kinh tế; (2) so sánh chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt của một số quốc gia và bài học cho Việt Nam; (3) phân tích các kịch bản điều chỉnh thuế và khả năng sử dụng nguồn thu cho các chương trình phát triển bền vững; và (4) thảo luận về các phương án triển khai, giám sát và đánh giá hiệu quả chính sách thuế.

Các chuyên gia và đại diện từ các tổ chức trong và ngoài nước đã chia sẻ quan điểm, đóng góp ý kiến để xây dựng, hoàn thiện những đề xuất chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá có căn cứ khoa học và phù hợp với bối cảnh của Việt Nam./.

Cùng chuyên mục
Xây dựng chiến lược điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá