Bình Định: Huy động nguồn lực để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới

(BKTO) - Với quyết tâm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, bên cạnh việc ưu tiên ngân sách để đáp ứng các tiêu chí đề ra, Bình Định đã huy động hiệu quả các nguồn lực để hỗ trợ phát triển nông thôn, bao gồm các chính sách tín dụng ưu đãi cho người dân vùng sâu, vùng xa.

4.11.-nong-thon-moi.jpg
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và diện mạo nông thôn của Bình Định. Ảnh: ST

Theo Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Định, đến nay, Bình Định có 113 xã tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Trong đó, có 91 xã hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới; 24 xã được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Có 6 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới (đạt tỷ lệ 54,54%).

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh đã tập trung nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, trong giai đoạn 2023-2024, vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư đến 159/159 xã, phường, thị trấn; 1.116/1.116 thôn, làng, khu phố; giúp gần 82.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn để sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đồng thời, thu hút, tạo việc làm cho gần 34.000 lao động (364 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); tạo điều kiện cho gần 7.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 52.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; 853 hộ gia đình tại vùng khó khăn vay vốn sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập nhằm cải thiện cuộc sống từng bước vươn lên thoát nghèo…

Tính đến ngày 31/10/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 7.037 tỷ đồng, tăng 445 tỷ đồng (tăng 6,8%) so với thời điểm ngày 31/12/2023. Tổng doanh số cho vay trong 2 năm 2023 và năm 2024 đạt 4.199 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 2.719 tỷ đồng.

Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt 7.017 tỷ đồng, tăng 433 tỷ đồng so với thời điểm ngày 31/12/2023 (tăng 6,6%), với hơn 107.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ, tăng hơn 1.000 hộ so với cuối năm 2023.

Bên cạnh đó, Bình Định cũng thúc đẩy nâng cao giá trị sản phẩm OCOP bằng cách ứng dụng công nghệ, quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử để mở rộng thị trường. Chính quyền các cấp tạo điều kiện kết nối các chính sách tín dụng nhằm hỗ trợ hợp tác xã phát triển sản phẩm OCOP bền vững hơn…

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và diện mạo nông thôn của Bình Định. Trong đó, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đã được đầu tư đồng bộ, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng, môi trường nông thôn được cải thiện theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp. Đặc biệt, hệ thống chính trị tại địa phương ngày càng vững mạnh, đảm bảo an ninh và trật tự xã hội./.

Cùng chuyên mục
Bình Định: Huy động nguồn lực để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới