Theo thông tin của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam, toàn tỉnh hiện có 54 trường THPT, phổ thông dân tộc nội trú với hơn 48.600 học sinh, trong đó huyện miền núi cao có 2 trường, đồng bằng từ 3-5 trường.
Hiện nay, thực trạng cơ sở vật chất các trường THPT trên địa bàn tỉnh là yếu nhất, mới có 18% đạt chuẩn, trong khi toàn hệ thống giáo dục là 61%. Số trường quá niên hạn sử dụng, xuống cấp, không đủ diện tích khá nhiều.
Từ thực trạng trên, Đề án chuẩn hóa cơ sở vật chất các trường THPT trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2025-2030 xác định đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ. Mục tiêu đến năm 2030, toàn bộ các trường THPT tỉnh Quảng Nam được xây dựng kiên cố; các khối phòng học tập, hỗ trợ học tập, phụ trợ, thể thao, hạ tầng kỹ thuật… đạt chuẩn mức độ 1, 2.
Theo Đề án, giai đoạn 2025-2030, Quảng Nam tập trung sửa chữa, bảo dưỡng, nâng cấp cơ sở vật chất 51 trường, đề xuất xây mới 2 trường THPT ở vùng đông và khu vực trung tâm thị xã Điện Bàn. Tổng vốn triển khai Đề án trên 1.328 tỷ đồng.
Trong đó, vốn ngân sách trung ương và tỉnh hơn 1.249 tỷ đồng, ngân sách địa phương khoảng 79 tỷ đồng. Riêng trong năm 2025, tỉnh tiến hành sửa chữa, bảo dưỡng, nâng cấp 45 trường với kinh phí 66,455 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam chiều 06/11, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, trong năm 2025, cần đầu tư sửa chữa, nâng cấp các trường THPT đảm bảo chất lượng, phù hợp với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ có bước chuẩn bị để bố trí vốn phù hợp, đồng bộ trong đầu tư cơ sở vật chất.
Đồng thời, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hoàn chỉnh Đề án, điều chỉnh danh mục đầu tư, khả năng cân đối về tài chính, ngân sách phù hợp theo các giai đoạn đầu tư; đảm bảo hợp lý, đáp ứng đầy đủ các quy định trước khi trình kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh./.
Đề án chuẩn hóa cơ sở vật chất các trường THPT nhằm tạo môi trường giáo dục đồng đều giữa các địa bàn; tạo điều kiện tiếp cận giáo dục cho học sinh THPT ở các vùng kinh tế - xã hội khó khăn; khắc phục khoảng cách chênh lệch về điều kiện cơ sở vật chất giữa vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với miền xuôi. Đồng thời, đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ, đạt chuẩn mức độ 1 theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo; đẩy mạnh xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục.