Xây dựng đội ngũ doanh nhân "gánh" sứ mệnh làm cho đất nước hùng cường

(BKTO) - Sau gần bốn thập kỷ đổi mới, đội ngũ doanh nhân đã hoàn thành sứ mệnh đưa đất nước “thoát nghèo”. Tuy nhiên, yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới đòi hỏi cần tiếp tục xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, đủ năng lực ngang tầm khu vực và thế giới để có thể đóng góp tích cực, hiệu quả vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

xay-dung-doi-ngu.jpg
Các doanh nghiệp có nhiều đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Ảnh minh họa

Đội ngũ doanh nhân góp phần làm thay đổi diện mạo đất nước

Chia sẻ về sự phát triển của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời gian qua, GS,TS. Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - cho biết, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986 với công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo được coi là dấu mốc đầu tiên “hồi sinh” đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong tình hình mới. Tiếp đó, năm 1990 với sự ra đời của Luật Doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân chính thức tham gia đóng góp vào sự nghiệp phát triển của đất nước. Đồng hành cùng những thăng trầm phát triển của đất nước, sự hồi sinh và phát triển của đội ngũ doanh nhân không chỉ là thành quả quan trọng của công cuộc đổi mới mà thực sự đã và đang góp phần làm thay đổi diện mạo đất nước.

Theo GS,TS. Lê Văn Lợi, hiện nay, đội ngũ doanh nhân Việt Nam không ngừng phát triển cả về số lượng, chất lượng và trở thành lực lượng nòng cốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước, có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Tổ quốc trên nhiều phương diện. Theo các số liệu thống kê, cả nước hiện có gần 1 triệu doanh nghiệp tư nhân, hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Khu vực này đang đóng góp trên 60% tổng sản phẩm trong nước, 70% nguồn thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 30% lao động. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của các doanh nghiệp cũng là sự lớn mạnh của đội ngũ doanh nhân. Hiện Việt Nam có tới hàng triệu doanh nhân. Với lực lượng đông đảo, đội ngũ doanh nhân đã phát huy tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm với xã hội, từng bước nâng cao uy tín, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Đặc biệt, trong cộng đồng doanh nhân, Việt Nam đã có một số doanh nhân lọt vào top “tỷ phú USD toàn cầu”.

Mặc dù có sứ mệnh to lớn và có những đóng góp không nhỏ vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước qua từng thời kỳ, tuy nhiên, theo PGS,TS. Trần Minh Tuấn - Học viện Chính trị khu vực II, cũng phải thừa nhận đội ngũ doanh nhân Việt Nam còn nhiều hạn chế về kiến thức, sự am hiểu pháp luật và năng lực kinh doanh, kinh nghiệm quản lý, khả năng cạnh tranh và hội nhập. Một bộ phận không nhỏ doanh nhân chưa được đào tạo bài bản, chưa có bề dày kinh nghiệm thương trường; thiếu tầm nhìn chiến lược dài hạn, thiếu tính liên kết, hợp tác bền vững để tạo sức mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm. “Mặc dù về tỷ lệ doanh nghiệp, doanh nhân trên dân số, Việt Nam không thua kém các nền kinh tế khác trong khu vực. Tuy nhiên, nếu xét về chất lượng, chúng ta chưa đạt chuẩn mực trung bình trong tương quan so sánh với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ mới, vẫn thiếu vắng những doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng sâu, rộng trong nước và quốc tế” - PGS,TS. Trần Minh Tuấn nhấn mạnh.

Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nhân phát triển và cống hiến

Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra mục tiêu, đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Từ hành trình “thoát nghèo” tới hành trình “vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình” và trở nên hùng cường, thịnh vượng đòi hỏi những cố gắng, nỗ lực của toàn nền kinh tế, trong đó đội ngũ doanh nhân - những người chèo lái “con thuyền” doanh nghiệp đóng vai trò chủ công. Đất nước đang đặt trọn niềm tin vào đội ngũ doanh nhân sẽ tiếp tục hoàn thành sứ mệnh làm cho đất nước hùng cường trong những thập niên phát triển sắp tới.

Để hiện thực hóa khát vọng đó, PGS,TS. Lê Văn Chiến - Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và chính sách công (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) - cho rằng, trước hết, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân phát triển và cống hiến. Theo đó, cần xây dựng khuôn khổ pháp luật ổn định, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, nhất là trong tiếp cận nguồn lực về đất đai, tài chính, công nghệ. Đồng thời, cần có các cơ chế, chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo; hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển các mô hình, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mới để mở rộng không gian phát triển cho doanh nhân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần có chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nhân, doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu, có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, cần ban hành một chiến lược về phát triển đội ngũ doanh nhân quốc gia, ngành, địa phương, để khơi thông và phát huy tối đa vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới.

Từ góc độ một doanh nhân, TS. Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái - chia sẻ, gần bốn thập kỷ đổi mới, đội ngũ doanh nhân Việt Nam - những người “lính thời bình” đã đoàn kết, luôn “cháy” trong mình khát vọng vươn lên không ngừng để hoàn thành sứ mệnh góp phần đưa đất nước thoát nghèo và giờ đây đội ngũ doanh nhân lại được giao trọng trách đưa đất nước trở nên hùng cường. Để thực hiện thành công sứ mệnh cao cả này, đội ngũ doanh nhân phải trau dồi để có trí tuệ, bản lĩnh; tư duy độc đáo, khác biệt; tầm nhìn chiến lược và khát vọng vươn lên. Đồng thời, cần coi trọng phát huy nội lực, đổi mới sáng tạo, lấy ứng dụng khoa học công nghệ làm nền tảng, sức mạnh để nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu./.

Ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Nghị quyết đã đặt ra mục tiêu đến năm 2045, phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín khu vực và quốc tế; một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Cùng chuyên mục
Xây dựng đội ngũ doanh nhân "gánh" sứ mệnh làm cho đất nước hùng cường