Xây dựng Kế hoạch kiểm soát chất lượng kiểm toán đảm bảo bao quát, thường xuyên, tiếp tục hoàn thiện văn bản chuyên môn, nghiệp vụ

(BKTO) KTNN vừa ban hành Định hướng Kế hoạch kiểm soát chất lượng kiểm toán (KSCLKT) và xây dựng các văn bản chuyên môn, nghiệp vụ năm 2021.



Theo đó, nhằm đảm bảo việc tuân thủ và áp dụng thống nhất Luật KTNN và các quy định pháp luật có liên quan; phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm, hạn chế trong tổ chức thực hiện các cuộc kiểm toán; đảm bảo chất lượng báo cáo kiểm toán và tính hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động của KTNN; góp phần giữ gìn kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã giao nhiệm vụ cho Vụ Chế độ và KSCLKT:

Xây dựng Kế hoạch KSCLKT năm 2021 theo hướng bao quát tất cả các cuộc kiểm toán trong năm một cách thường xuyên, liên tục và xuyên suốt các cuộc kiểm toán; lựa chọn các cuộc kiểm soát trực tiếp, đột xuất, kiểm soát hồ sơ sau phải dựa trên đánh giá trọng yếu rủi ro, tính chất phức tạp trong tổ chức, thực hiện các đoàn kiểm toán; phối hợp với Thanh tra KTNN để tránh chồng chéo về mặt thời gian.

Đa dạng hóa hình thức và phương pháp kiểm soát, trong đó: tăng cường kiểm soát công tác tổ chức kiểm soát của KTT từ 4 - 5 đơn vị và kiểm soát đột xuất 8 - 10 cuộc kiểm toán; chọn mẫu kiểm soát trực tiếp từ 6 - 8 cuộc; kiểm soát hồ sơ sau từ 3 - 4 cuộc; theo dõi, giám sát với tất cả các cuộc kiểm toán theo kế hoạch.

Kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm dựa trên đánh giá trọng yếu, rủi ro: kiểm sóat việc thực hiện các trọng tâm, trọng yếu; tuân thủ quy trình, quy chế, hồ sơ mẫu; phát hiện các trường hợp KTV bỏ sót kết quả kiểm toán; kiểm soát việc thu thập bằng chứng; chú trọng đến các vấn đề nhạy cảm như đầu tư, đối chiếu thuế.

Định kỳ đánh giá báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch KSCLKT để báo cáo lãnh đạo KTNN chấn chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu quản lý hoạt động kiểm toán của KTNN.

Duy trì Phiếu trao đổi công việc giữa các cuộc kiểm toán khi có phát hiện những hạn chế hoặc qua giám sát các cuộc kiểm toán để đoàn kiểm toán chấn chỉnh kịp thời.

Theo dõi và đánh giá chất chất lượng đoàn, tổ và thành viên đoàn kiểm toán; tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến tích cực cho cán bộ, KTV trong từng đơn vị và toàn Ngành.

         
Năm 2020, công tác KSCLKT đã bám sát mục tiêu, nội dung và phương pháp. Vụ Chế độ và KSCLKT đã triển khai các hoạt động kiểm soát theo đúng kế hoạch, phù hợp với tiến độ các đợt kiểm toán; áp dụng đầy đủ 5 hình thức kiểm soát. Công tác KSCLKT thực hiện cho cả quá trình kiểm toán, đảm bảo kịp thời, ngày càng đi vào thực chất, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm. Công tác đánh giá chất lượng thành viên đoàn, tổ kiểm toán được gắn với đánh giá công chức, nâng lương, luân chuyển, bổ nhiệm. Nhờ đó, kết quả kiểm toán tăng lên rõ rệt, kiến nghị kiểm toán ngày càng có chất lượng, kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động kiểm toán được giữ vững.
KTNN các chuyên ngành và khu vực có nhiệm vụ thực hiện kiểm soát trực tiếp và kiểm soát đột xuất trong suốt quá trình kiểm toán; soát xét hồ sơ kiểm toán từ giai đoạn xét duyệt dự thảo báo cáo đến khi phát hành và lưu trữ báo cáo kiểm toán; duy trì việc ghi chép nhật ký kiểm toán, đính kèm các bằng chứng kiểm toán và thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ; nâng cao vai trò và trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị, trưởng đoàn, tổ trưởng tổ kiểm toán.

Đối với công tác xây dựng các văn bản chuyên môn, nghiệp vụ, KTNN tiếp tục rà soát sửa đổi Quy trình kiểm toán hoạt động theo hướng phù hợp với Luật và Chuẩn mực KTNN; rà soát, đánh giá sự phù hợp giữa Chuẩn mực KTNN Việt Nam với chuẩn mực quốc tế và thực tiễn kiểm toán; thẩm định đề cương kiểm toán các chuyên đề trong năm 2021; rà soát, sửa đổi các hướng dẫn, quy trình phù hợp với Chuẩn mực và Luật KTNN.

Để hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm về KSCLKT và nâng cao chất lượng trong công tác xây dựng các văn bản chuyên môn, nghiệp vụ, Định hướng Kế hoạch cũng xác định 9 nhóm giải pháp thực hiện.Trong đó, nổi bật là các giải pháp: Phối hợp với Thanh tra và KTNN chuyên ngành, khu vực để xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch KSCLKT đảm bảo hiệu quả, tránh chồng chéo, đạt chất lượng; đổi mới phương pháp KSCLKT; tổ chức học tập, trao đổi rút kinh nghiệm; giám sát, theo dõi, nắm bắt thông tin, chủ động nghiên cứu đề xuất các cuộc kiểm toán đột xuất; phân công cụ thể lãnh đạo Vụ phụ trách soạn thảo từng văn bản, thường xuyên đôn đốc các bộ phận, đưa tiêu chí hoàn thành tiến độ, chất lượng soạn thảo văn bản vào đánh giá thi đua cuối năm.../.
         
Năm 2020, hệ thống văn bản hướng dẫn nghiệp vụ kiểm toán đã được xây dựng đầy đủ, phù hợp với Chuẩn mực và Luật KTNN, đảm bảo đúng tiến độ đề ra, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực hiệu quả hoạt động kiểm toán.
THÙY LÊ
Cùng chuyên mục
Xây dựng Kế hoạch kiểm soát chất lượng kiểm toán đảm bảo bao quát, thường xuyên, tiếp tục hoàn thiện văn bản chuyên môn, nghiệp vụ