Xóa nợ đọng thuế cần thận trọng để không tạo tiền lệ xấu

(BKTO) - Cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp, tiền phạt chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, giải thể, không còn sản xuất kinh doanh và không còn khả năng nộp NSNN (gọi chung là nợ đọng thuế) tại phiên họp chiều 13/3, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, việc xem xét xóa nợ thuế cần thận trọng, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, không để chính sách bị lợi dụng.



Dự kiến xóa nợ đọng thuế hơn 27,7 nghìn tỷ đồng

Báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thực hiện quy định của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính đã tổ chức bộ phận quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế từ trung ương đến địa phương, cơ quan quản lý thuế đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp thu hồi nợ đọng thuế.
                
   

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình tại Phiên họp- Ảnh: quochoi.vn

   
Theo đó số thu hồi nợ đọng tăng dần qua các năm, năm sau luôn cao hơn năm trước, bình quân từ 2011-2017 thu đạt 81% số nợ có khả năng thu hồi, tốc độ tăng bình quân 16,3%/năm. Tỷ trọng tổng nợ trên tổng thu nội địa đã giảm mạnh từ 12,2% năm 2014, đến năm 2017 giảm xuống ở mức 7,6% và tính đến cuối năm 2018 giảm xuống chỉ còn 7%.

Tuy nhiên tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao. Tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 31/12/2017 là 78.466 tỷ đồng, giảm 2,8% (2.261 tỷ đồng) so với thời điểm ngày 31/12/2016. Trong đó, cơ quan Thuế quản lý là 73.145 tỷ đồng; cơ quan Hải quan quản lý 5.320 tỷ đồng, trong đó tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi là 3.834 tỷ đồng, chiếm 72% tổng nợ của toàn cơ quan Hải quan quản lý.

Để giải quyết toàn diện nợ đọng, Chính phủ thấy cần thiết phải xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ đọng thuế. Tổng số tiền dự kiến được xóa nợ và không tính tiền chậm nộp của việc ban hành Nghị quyết khoảng 27.753 tỷ đồng.

Tờ trình của Chính phủ cũng nêu rõ các trường hợp được không tính tiền chậm nộp, được xoá nợ tiền chậm nộp hoặc tiền phạt nộp chậm... Theo đó, xóa nợ tiền chậm nộp hoặc tiền phạt chậm nộp còn nợ đến trước ngày 1/1/2019 và không tính tiền chậm nộp phát sinh kể từ ngày 1/1/2019 đến ngày Luật Quản lý thuế (sửa đổi) có hiệu lực thi hành của người nộp thuế gặp thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ, bị bệnh hiểm nghèo hoặc trường hợp bất khả kháng khác.

Các trường hợp không tính tiền chậm nộp có: chủ DN tư nhân, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu và người nộp thuế là cá nhân đã chết hoặc được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền phạt....

Rà soát thận trọng để tránh lạm dụng chính sách

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cơ bản nhất trí về sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết, song một số quy định cụ thể trong Dự thảo Nghị quyết khiến cơ quan thẩm tra còn băn khoăn.
                
   

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra- Ảnh: quochoi.vn

   
Chẳng hạn, Dự thảo nghị quyết quy định không tính tiền chậm nộp với "người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh...". Cơ quan thẩm tra cho rằng, quy định này sẽ có kẽ hở cho người nộp thuế lợi dụng, bỏ địa điểm kinh doanh đã đăng ký và chuyển trụ sở sang địa điểm kinh doanh ở địa bàn khác hoặc có thể thành lập pháp nhân mới ở địa chỉ khác để trốn thuế. “Trong trường hợp rủi ro, bị cơ quan nhà nước phát hiện sau nhiều năm và đề nghị truy thu số thuế nợ vẫn chỉ bằng số thuế khi bỏ địa chỉ kinh doanh. Do đó, đề nghị cần cân nhắc việc xóa nợ thuế hoặc miễn thu tiền chậm nộp đối với các đối tượng này”- Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu rõ.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị cần xử lý tiền nợ thuế đối với các DNNN, vì hiện nay đang trong tiến trình cổ phần hóa, sắp xếp lại các DNNN. Đồng thời, đề nghị Chính phủ bổ sung bảng biểu, số liệu về tình hình nợ thuế, cụ thể phân loại theo hình thức sở hữu (hộ cá thể, DN tư nhân, DNNN, DN FDI…); theo thẩm quyền xóa nợ thuế (Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục thuế, Tổng cục Hải quan; Chủ tịch UBND cấp tỉnh); theo đối tượng xóa nợ (tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp…).

Đánh giá khái quát, thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, đây là Nghị quyết đặc thù, nhạy cảm, với các chính sách được ban hành chưa được quy định trong Luật Quản lý thuế hiện hành, có phạm vi rộng, tác động khá lớn đến nguồn thu NSNN, sự công bằng giữa các đối tượng, tâm lý của người nộp thuế và tính nghiêm minh của pháp luật về thuế. Do đó, cần rà soát, nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, thận trọng.

Quan điểm trên của cơ quan thẩm tra được đa số ý kiến trong UBTVQH tán thành. Các ý kiến cho rằng, Dự thảo Nghị quyết chỉ được thông qua khi đảm bảo tính công khai, minh bạch, công bằng và ngăn chặn các đối tượng cố tình chây ì, trốn thuế, lợi dụng chính sách.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, hiện nay có tình trạng đăng ký nhanh nhưng bỏ kinh doanh dễ dàng, không làm thủ tục bỏ địa chỉ kinh doanh, một cách rất tùy tiện. “Hiện nay có hơn 620 nghìn người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh, bỏ địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan thuế với số tiền nợ đọng là 21.846 tỷ đồng. Những trường hợp này có xóa không, trong khi số tiền nợ không phải là nhỏ? Nếu chúng ta cứ theo cách này thì sẽ thành tiền lệ”- Phó Chủ tịch Quốc hội lo ngại.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị: Phải công khai, minh bạch, thận trọng trong việc xóa nợ thuế để đảm bảo công bằng, tránh trường hợp người chây ỳ thì được xóa nợ còn người chấp hành nghiêm túc thì bị phạt.

Đồng tình quan điểm phải cân nhắc hết sức thận trọng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, cần làm rõ tại sao xóa nợ, tiêu chí nào để được xoá nợ để tránh lợi dụng lách luật, không nộp thuế để được xóa nợ.

Chủ tịch Quốc tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị rà soát lại chặt chẽ không để việc xóa nợ thuế bị lợi dụng và trở thành tiền lệ xấu để trốn thuế.
                
   

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận nội dung thảo luận- Ảnh: quochoi.vn

   
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ: Việc xóa nợ thuế, tiền phạt chậm nộp phải xem xét thận trọng, nghiêm túc, công bằng, công khai, đúng pháp luật, tránh gây ra các hệ lụy liên quan liên quan đến các chính sách khác như chính sách tín dụng… đồng thời để tránh lạm dụng, lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trốn thuế.

Trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại phiên họp, UBTVQH thống nhất, sau khi Quốc hội thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi) vào Kỳ họp thứ 7 tới, Chính phủ sẽ căn cứ vào Luật đã thông qua và tình hình thực tế, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Tài chính- Ngân sách và ý kiến của UBTVQH để rà soát, cân nhắc, bổ sung Dự thảo Nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 8.

UBTVQH cũng đề nghị Chính phủ cần đánh giá, chỉ rõ trách nhiệm của người nộp thuế, trách nhiệm của người quản lý thu thuế, trách nhiệm của chính quyền liên quan đến công tác quản lý thu thuế làm bài học để giảm tỷ lệ nợ đọng thuế ở mức thấp nhất, tăng cường công tác quản lý thuế, làm cho Luật Quản lý thuế đi vào cuộc sống.

N. HỒNG
Cùng chuyên mục
Xóa nợ đọng thuế cần thận trọng để không tạo tiền lệ xấu