Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Văn Chung |
Tỷ giá trong kiểm soát
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá đồng USD tháng 8/2023 tăng 0,57% so với tháng trước, nhưng vẫn giảm 1,16% so với tháng 12/2022 và chỉ tăng nhẹ 1,43% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng của tỷ giá theo đó thậm chí tăng thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - hiện cũng đang có tốc độ tăng khá thấp. Cụ thể, chỉ số CPI tháng 8/2023 tăng 0,88% so với tháng trước và tăng 2,02% so với tháng 12/2022. So với cùng kỳ năm trước, CPI tăng 2,96%.
Một trong những yếu tố giúp nguồn cung ngoại tệ dồi dào thời gian qua là diễn biến xuất nhập khẩu luôn trong trạng thái thặng dư trong suốt giai đoạn từ đầu năm đến nay. Trong tháng 8/2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 60,92 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước và giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 435,23 tỷ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 8/2023 xuất siêu 3,82 tỷ USD, tính chung 8 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước xuất siêu 20,19 tỷ USD, giá trị xuất siêu trong 8 tháng đầu năm 2023 theo đó cao gấp gần 4 lần so với mức xuất siêu 5,26 tỷ USD cùng kỳ năm trước.
Tín dụng tăng chậm giúp lãi suất giảm thêm Theo Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 7, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 4,6%, giảm đáng kể so với cùng thời điểm năm 2022 (9,54%), điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp đang rất hạn chế. |
Trong khi đó, một số quan điểm phân tích gần đây cho thấy, diễn biến xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam có thể sẽ thuận lợi hơn trong thời gian tới. Ông Michael Kokalari - Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường thuộc VinaCapital - cho biết, trong năm 2023, yếu tố có ảnh hưởng tiêu cực nhất đối với tăng trưởng GDP của Việt Nam là sự sụt giảm nhu cầu của thị trường quốc tế đối với các sản phẩm "Made in Vietnam".
Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu rõ ràng cho thấy xuất khẩu của Việt Nam nhiều khả năng sẽ phục hồi vào quý IV do chu kỳ hàng tồn kho tại Mỹ đã chạm đáy và do nhiều tập đoàn đa quốc gia đang tăng tốc dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam.
Yếu tố thuận lợi cho lãi suất tiếp tục giảm
Với diễn biến này, ông Michael Kokalari cũng đưa ra dự báo cho giai đoạn tiếp theo khi cho rằng, hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm sau (trở lại mức tăng trưởng 8-9% đối với ngành sản xuất). Điều này sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP phục hồi từ dưới 5% trong năm 2023 lên 6,5% trong năm 2024. Trong đó, các biện pháp của Chính phủ gần đây nhằm hỗ trợ nền kinh tế, bao gồm cắt giảm lãi suất điều hành cũng sẽ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế năm sau.
Ở góc độ thị trường quốc tế, một trong những yếu tố có thể ảnh hưởng tỷ giá là diễn biến chung của đồng USD so với rổ các đồng tiền lớn trên thế giới. Thời gian gần đây, chỉ số đo lường USD index có thời điểm tăng nhưng vẫn thấp hơn so với đỉnh điểm cuối năm ngoái. Trong khi đó, việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng đã được báo trước và đã có sự lan tỏa vào cung cầu thị trường ngoại hối quốc tế.
Các dự báo gần đây cho rằng khả năng cao FED đã đi đến chặng cuối của chu kỳ tăng lãi suất. Nếu FED tăng lãi suất một lần cuối trong tháng tới và sau đó đi vào giai đoạn giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thì USD sẽ mất giá sau khi đã đạt đến đỉnh điểm.
Với diễn biến tỷ giá diễn ra theo kịch bản thuận lợi, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục có dư địa để giảm lãi suất thấp hơn bởi các quan điểm chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước thời gian qua vẫn đặt kỳ vọng lãi suất sẽ cần tiếp tục giảm thêm trong thời gian tới để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
Theo đó, tỷ giá nếu vẫn duy trì ổn định thì yếu tố này sẽ không còn là “vật cản” cho mục tiêu giảm lãi suất bởi theo đánh giá của TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, yếu tố đáng quan tâm nhất cho lộ trình giảm lãi suất chính là tỷ giá.
Bởi lẽ, tỷ giá nếu tăng thì Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ lại phải cân nhắc chính sách tiền tệ để ổn định tỷ giá. Trong khi đó, tỷ giá và lãi suất thường xung đột nhau, chẳng hạn để ổn định hạ nhiệt tỷ giá thì nhiều trường hợp các ngân hàng trung ương sẽ phải tăng lãi suất.
Trở lại diễn biến của lãi suất, Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm đã 4 lần giảm lãi suất điều hành và lãi suất huy động đã giảm mạnh, lãi suất cho vay theo đó có thể giảm sau khi các khoản tiền gửi lãi suất cao mà các ngân hàng huy động cuối năm 2022 đến hạn./.