Bộ Công Thương đánh giá, thời gian qua, công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp (CCN) trên phạm vi cả nước được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và các quy định pháp luật có liên quan.
Nhìn chung các địa phương thực hiện nghiêm túc, theo trình tự, quy định của pháp luật. Việc phát triển CCN đã khẳng định vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp (đặc biệt là tại khu vực nông thôn), tạo việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận lao động trên địa bàn, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước “ly nông bất ly hương” và xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, qua theo dõi của Bộ Công Thương cho thấy, một số địa phương vẫn còn có bất cập, hạn chế như: Chưa tổ chức thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý CCN, tiến độ xây dựng và thực hiện quy hoạch chậm, thiếu những giải pháp mạnh, khả thi trong đầu tư phát triển các CCN trên địa bàn...
Để tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, phát triển CCN; đảm bảo quy hoạch, phát triển CCN bền vững, trật tự, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, kịp thời tháo gỡ những bất cập phát sinh trong thực tiễn, vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 về quản lý, phát triển CCN (thay thế Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2024.
Để triển khai, chấp hành đầy đủ, nghiêm túc quy định của pháp luật, nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển CCN, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện nghiêm công tác quản lý, phát triển CCN theo quy định tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP và pháp luật liên quan trong thời gian Nghị định số 32/2024/NĐ-CP chưa có hiệu lực thi hành.
Về Phương án phát triển CCN thuộc Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn, đối với các địa phương có Quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt, đề nghị phối hợp với cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đối với các địa phương có Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, đề nghị rà soát lại Phương án phát triển CCN trong kỳ quy hoạch đảm bảo đầy đủ thông tin đối với từng CCN; đảm bảo tính khả thi, đồng bộ, thống nhất và không chồng lấn với các quy hoạch khác trên địa bàn. Trường hợp Phương án phát triển CCN thuộc Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt không đủ thông tin theo quy định hoặc chồng lấn với các quy hoạch khác trên địa bàn, UBND cấp tỉnh chỉ đạo xử lý hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Đồng thời, các địa phương cần xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Phương án phát triển CCN giai đoạn 2021-2030 đảm bảo khả thi; đủ quỹ đất để thành lập, đầu tư phát triển CCN có trong danh mục theo tiến độ quy hoạch đã được phê duyệt.
Đối với các CCN rút khỏi quy hoạch, phải có giải pháp quản lý, kế hoạch chuyển đổi khả thi, phù hợp quy định của pháp luật liên quan; trong đó, lưu ý quản lý chặt chẽ về môi trường, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Các địa phương cần chỉ đạo xúc tiến đầu tư, thu hút, lựa chọn các doanh nghiệp có đủ năng lực, kinh nghiệm làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN. Định hướng, ưu tiên xúc tiến các doanh nghiệp/dự án đầu tư thứ cấp có cùng ngành nghề, có khả năng liên kết hỗ trợ nhau vào cùng một CCN; các ngành công nghiệp theo định hướng Quy hoạch tỉnh có công nghệ cao, sạch, tiêu tốn ít năng lượng, mang lại giá trị gia tăng cao, phát triển bền vững vào CCN.
Thường xuyên rà soát tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật (trong đó lưu ý CCN phải có hạ tầng bảo vệ môi trường theo quy định), thu hút đầu tư vào các CCN trên địa bàn để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát huy hiệu quả; xử lý dứt điểm các CCN, dự án trong CCN gây ô nhiễm môi trường, sử dụng đất không hiệu quả, không đúng mục đích, chậm tiến độ…/.