Xuân về trên những công trình dầu khí biển

(BKTO) - Trước thềm năm mới, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã dành thời gian kiểm tra tình hình, thăm hỏi, động viên cán bộ công nhân viên ở những công trình dầu khí biển.



Mang tình cảm, niềm tin, hơi ấm của đất liền

Vừa qua, các đoàn công tác của lãnh đạo Tập đoàn đã đến thăm, kiểm tra những công trình biển quan trọng: giàn khai thác Hải Thạch - Mộc Tinh, giàn Đại Hùng 01, giàn Xử lý trung tâm Sao Vàng - CPP, Tàu FSO Golden Star và giàn Chim Sáo.
                
   

Người lao động Dầu khí vẫn hăng say làm việc trên các công trình biển - Nguồn: PVN

   

Đây là những công trình biển quan trọng bậc nhất bởi giàn Hải Thạch - Mộc Tinh và Đại Hùng 01 được xem như kỳ tích của ngành Dầu khí Việt Nam; Giàn Sao Vàng - CPP là giàn có quy mô lớn nhất nước cho đến thời điểm hiện tại và đây cũng chính là mùa xuân đầu tiên của giàn, cũng như với tàu FSO Golden Star trên biển Việt Nam. Đối với mỏ Chim Sáo, đây là mỏ có lịch sử lâu đời nhất ở Việt Nam và cũng là mỏ có vị trí cách bờ xa nhất về phía Nam so với tất cả các mỏ khác…

Cho đến thời điểm này, Dự án Biển Đông 01 khai thác khí và condensate ở mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh vẫn được coi là “con gà đẻ trứng vàng”, là nơi thể hiện cho ý chí và khát vọng chinh phục của người lao động Dầu khí. Tổng kết năm 2020, Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC) đã đạt được những thành tích ấn tượng, ghi thêm những dấu son mới trong hành trình gần 12 năm xây dựng và phát triển.

         
Tính đến ngày 21/6/2020, BIENDONG POC đạt 25 triệu giờ công lao động tuyệt đối an toàn; ngày 27/8/2020, hoàn thành 100% sản lượng khai thác condensate, về đích sớm 126 ngày so với kế hoạch đặt ra; ngày 20/11/2020, thực hiện an toàn và thành công 100 chuyến xuất bán condensate; ngày 27/12/2020, đạt 3.000 ngày vận hành an toàn, không có tai nạn sự cố gây mất giờ công lao động.
Đối với Đại Hùng 01, đây là giàn khoan nửa nổi, nửa chìm duy nhất, cũng là một trong những giàn có tuổi thọ cao nhất ở Việt Nam. Tất cả các công việc từ quản lý, vận hành khai thác đến các hoạt động sản xuất khác trên giàn đều hoàn toàn do người Việt Nam thực hiện.
                
   

Người lao động Dầu khí đổi ca tại mỏ Đại Hùng - Nguồn: PVN

   

Để có được sản lượng 8.000 thùng/ngày như hiện nay, đội ngũ cán bộ, kỹ thuật của Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí Việt Nam (PVEP) đã phải áp dụng rất nhiều những giải pháp kỹ thuật mới. Việc giàn Đại Hùng 01 khai thác đến ngày hôm nay được các chuyên gia nước ngoài đánh giá rất cao bởi khả năng vận hành rất giỏi của người Việt Nam, đặc biệt là ý thức “giữ tốt, dùng bền”.

Trong những ngày này, không khí Tết đã bắt đầu hiện diện trên những giàn khoan, nhưng không khí làm việc vẫn khẩn trương như mọi ngày. Trong phòng điều khiển hay bên ngoài giàn, ai nấy đều miệt mài tập trung vào công việc. Máy móc vận hành khai thác đều đặn trên các giàn, dòng khí liên tục được đưa về bờ và những chuyến xuất hàng condensate vẫn tiếp diễn.

Chia sẻ tình cảm với người lao động phải đón Tết xa nhà, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng đã biểu dương, đánh giá cao tinh thần làm việc hăng say, nhiệt huyết và nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ cán bộ công nhân viên.

Đến với những công trình dầu khí trọng điểm

Giàn xử lý trung tâm Sao Vàng - CPP là một phần của Dự án Phát triển mỏ Sao Vàng - Đại Nguyệt. Đây là công trình trọng điểm của ngành Dầu khí trong lĩnh vực cơ khí dầu khí. Ngày 16/11/2020, dòng khí đầu tiên từ mỏ Sao Vàng đã về điểm tiếp nhận khí vào bờ tại thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
                
   

Giàn Sao Vàng - CPP - Nguồn: PVN

   

Theo tính toán, với sản lượng mỗi năm khoảng 1,5 tỉ m³ khí, 2,8 triệu thùng dầu thô và condensate, nguồn khí Sao Vàng - Đại Nguyệt sẽ đóng góp một nguồn thu đáng kể cho NSNN, bảo đảm các cam kết của Petrovietnam cấp khí cho sản xuất điện (chiếm khoảng 22% sản lượng điện cả nước) và cho các hộ tiêu thụ tại khu vực Đông Nam Bộ.

FSO Golden Star là tàu dầu Yasa Golden Horn được hoán cải tại Nhà máy Đóng tàu MMHE, Malaysia. Hành trình khai sinh FSO Golden Star đầy thử thách với PTSC/PPS khi rơi đúng vào lúc cao điểm của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, vượt qua mọi khó khăn, trung tuần tháng 11/2020, kho nổi FSO Golden Star đã chính thức đón dòng condensate đầu tiên, đánh dấu mốc son quan trọng trong chuỗi Dự án Sao Vàng - Đại Nguyệt.

Giàn Sao Vàng - CPP, tàu FSO Golden Star đã được thi công, lắp đặt và đi vào hoạt động trong giai đoạn đặc biệt khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, tập thể CBCNV trên hai công trình đã nỗ lực quên mình, hoàn thành tốt các mốc tiến độ đề ra, bảo đảm an toàn tuyệt đối trong thời gian qua.

Chuyến thăm đối với hai công trình này còn đặc biệt ý nghĩa vì đây là mùa xuân đầu tiên của CBCNV làm việc trên giàn Sao Vàng - CPP và cả tàu FSO Golden Star. Đây cũng là một trong những chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo Petrovietnam trên hai công trình này kể từ khi đi vào vận hành năm 2020.

Vừa qua, Petrovietnam cũng đã tổ chức đoàn công tác đến thăm, làm việc, động viên tập thể kỹ sư, người lao động tại giàn Chim Sáo. Khai thác dầu ở mỏ Chim Sáo là liên danh gồm 4 nhà thầu, trong đó PVEP chiếm 15%. Năm 2020, tổng sản lượng khai thác đạt 4,77 triệu thùng dầu; xuất bán 249 chuyến dầu trong năm và đạt mốc 4 năm liên tục hoạt động an toàn. Hiệu suất làm việc trong năm đạt 99,9%.

Để đạt được thành công trên là sự nỗ lực rất lớn của tập thể những người lao động trên giàn đã không quản ngại khó khăn, vất vả, ngày đêm đối diện với “đầu sóng ngọn gió”, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, hoàn thành các chỉ tiêu được giao…

Có thể khẳng định, mỗi cán bộ, người lao động Dầu khí khi làm nhiệm vụ trên các công trình dầu khí biển đều mang niềm vinh dự, tự hào, không chỉ “Tìm dầu làm giàu cho Tổ quốc”, mà còn như những “chiến sĩ” ngày đêm canh giữ vùng biển quê hương, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

QUỲNH ANH
Cùng chuyên mục
Xuân về trên những công trình dầu khí biển