Yêu cầu tốc độ làm thay đổicục diện thị trường
Bên cạnh tổng cầu giảm, khó khăn lớn hơn đối với ngành dệt may là xu thế kinh doanh ngắn hạn, phòng thủ trước các diễn biến khó lường về chính sách thương mại quốc tế, đơn hàng đặt ngắn hạn, khó tối ưu kế hoạch và chi phí dẫn tới hiệu quả suy giảm dù vẫn có tăng trưởng về doanh thu.
Dẫn kết quả của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Tập đoàn - cho biết, sau một năm vượt qua khó khăn, tổng doanh thu của Vinatex ước đạt 49.200 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 2,9 tỷ USD; lợi nhuận trước thuế đạt 1.394 tỷ đồng. Tuy mức tăng trưởng, lợi nhuận thấp hơn năm 2018 nhưng kết quả sản xuất kinh doanh của Vinatex năm 2019 vẫn đứng thứ hai trong chuỗi 5 năm 2015-2019 và cao hơn trung bình 3 năm 2015-2017 gần 20%.
Với Tổng công ty May 10 - một DN tiêu biểu của ngành dệt may phía Bắc, ông Thân Đức Việt (Tổng Giám đốc) cho biết, tổng doanh thu của May 10 năm 2019 đạt 3.380 tỷ đồng, tăng 5,55% so với kế hoạch năm và tăng 11,76% so với năm 2018. Lợi nhuận của Tổng công ty đạt 81,5 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch và tăng 22,8% so với năm 2018.
Trong vai trò Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh, ngay từ cuối năm 2018, ngành dệt may đã nhìn nhận năm 2019 sẽ có rất nhiều khó khăn, nhưng những dự báo đó vẫn chưa bằng những khó khăn mà ngành dệt may đã trải qua trên thực tế: đơn giá giảm, đơn hàng thiếu cục bộ, thời gian giao hàng gấp hơn, đòi hỏi của khách hàng với người sản xuất ngày càng khắc nghiệt.
Từ thời điểm này trở đi, đơn hàng sẽ có xu thế càng ngày càng ngắn, tốc độ giao hàng càng ngày càng ngắn. Chiến lược giúp các thương hiệu thời trang lớn như Uniqlo và Zara giành chiến thắng trong thời gian qua là đáp ứng yêu cầu của khách hàng với thời gian nhanh nhất thế giới. Chưa có một tập đoàn sản xuất dệt may nào trên thế giới có thể đáp ứng tốc độ chào hàng 10.000 bộ mẫu mới/năm như Zara; có khả năng đưa ra một mẫu mới cho khách hàng trong 6 tuần (trung bình cả thế giới là 5 tháng); tồn kho toàn cầu dưới 1 tháng (trung bình của thế giới là 4 tháng)... Vì thế, Uniqlo và Zara đã trở thành 2 DN giàu nhất thế giới trong ngành dệt may.
“Thường lệ này sẽ là áp lực mới đối với ngành dệt may Việt Nam, vì thế không có hy vọng là lượng đơn hàng trong năm 2020-2021 sẽ thật dồi dào, tổ chức sản xuất thật thuận lợi, thời gian giao hàng không gấp. Điều đó sẽ không xảy ra nữa!” - ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh và khuyến nghị các DN phải chấp nhận “cuộc chơi” mới này khi mà thế giới đòi hỏi tốc độ và DN phải đáp ứng.
Kèm theo nhiềuthách thức lớn
Theo lãnh đạo Hiệp hội Dệt may, muốn trụ vững trong khó khăn, các DN cần tập trung cao độ vào giá trị cốt lõi, vào những khâu tạo giá trị cho DN, quyết tâm sàng lọc, đánh giá, tìm hiểu để đưa ra được hệ thống giá trị tốt nhất, ngắn nhất, tiết kiệm nhất của DN.
Bởi ngoài các yêu cầu về giá, chất lượng, tiến độ, nhiều yêu cầu mới được các nhà mua hàng lớn đặt ra như là rào cản để sàng lọc và tái cấu trúc hệ thống cung ứng toàn cầu. Cụ thể là các tiêu chí về môi trường, sản xuất xanh, tiết kiệm nguồn tài nguyên không tái tạo được, cùng với đó là các yêu cầu về quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan. Với các đặc trưng mới của chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, chỉ có các DN tham gia chính thức vào chuỗi, được DN đầu chuỗi đánh giá mới có khả năng có được đơn hàng sản xuất ổn định, giá cả hợp lý nhất do được san sẻ lợi nhuận từ các khâu có tỷ lệ cao như thiết kế, phân phối sang cho khu vực sản xuất.
Đơn cử, năm 2019 là năm toàn ngành sợi khó khăn do đơn giá xuất khẩu đi Trung Quốc giảm trên 15%, trong khi bông, xơ chỉ giảm 5%, các đơn vị không trong chuỗi cung ứng mà xuất cho các công ty thương mại đều thua lỗ trung bình 6 - 8 tỷ 1 năm cho 10.000 cọc sợi thì các nhà máy sợi nằm trong chuỗi cung ứng sản xuất vải, may mặc và phân phối vẫn duy trì lợi nhuận 1% doanh thu, thấp hơn các năm trước (3 - 3,5% doanh thu) nhưng không thua lỗ. Có thể nói, trở thành thành viên của chuỗi cung ứng toàn cầu và cạnh tranh để duy trì được vị trí đó là nhiệm vụ bắt buộc để DN có thể phát triển bền vững - ông Trường nêu rõ.
Từ các đặc điểm mới của thị trường dệt may thế giới, chuỗi cung ứng toàn cầu và các đặc điểm riêng của Việt Nam, ngành dệt may đã xác định các mục tiêu cụ thể của năm 2020 và kế hoạch 5 năm 2020-2025. Theo đó, mục tiêu trung hạn là duy trì tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 5 năm tới ở mức 6%, riêng năm 2020, mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu từ 41,5 - 42 tỷ USD và đến năm 2025 đạt 55 - 60 tỷ USD nhưng số lượng lao động duy trì ở mức như hiện nay (2,5 triệu lao động), năng suất lao động trên đầu người tăng 150%. Đồng thời thực hiện chiến lược xanh hoá ngành dệt may Việt Nam; nâng cao chất lượng môi trường làm việc và thu nhập cho người lao động; ứng dụng có hiệu quả các thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.