Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 53,01 tỷ USD năm 2023
Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong cuộc họp thông báo kết quả công tác phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn năm 2023; nhiệm vụ, giải pháp phát triển năm 2024 cho thấy: Năm 2023, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là về thị trường xuất khẩu lâm sản và thủy sản, tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp ước đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây.
Cụ thể, năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 53,01 tỷ USD, thặng dư thương mại toàn ngành đạt trên 11 tỷ USD.
Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Sản lượng lúa đạt 43,4 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2022, sản lượng thịt hơi các loại đạt 7,6 triệu tấn, tăng 3,5%; sản lượng thủy sản 9,3 triệu tấn, tăng 2,9%.
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 53 tỷ USD, thặng dư thương mại toàn ngành đạt trên 11 tỷ USD (mức cao nhất trong những năm gần đây và chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước). Trong đó một số mặt hàng xuất khẩu tăng cao kỷ lục như: hàng rau quả tăng trên 70% và gạo tăng trên 36%, gạo ST25 lần thứ 2 đạt giải quán quân, ngon nhất thế giới.
Năm 2023 ghi nhận 6 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD gồm: hàng rau quả đạt 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%; gạo 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%; hạt điều 3,63 tỷ USD, tăng 17,6%; cà phê 4,18 tỷ USD, tăng 3,1%; tôm 3,38 tỷ USD, giảm 21,7%; gỗ và sản phẩm gỗ 13,37 tỷ USD, giảm 16,5%. Đáng chú ý, một số mặt hàng xuất khẩu tăng cao kỷ lục như: Hàng rau quả đạt 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%, gạo đạt 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%.
Hướng xuất khẩu trọng tâm sang thị trường Trung Quốc
Năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, dự báo nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như: giá vật tư nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn ở mức cao, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; mưa lũ diễn biến bất thường, nắng nóng gay gắt hơn, nguy cơ hạn hán, thiểu nước nặng nề do tác động của El Nino...; đặc biệt là tác động từ xung đột, bất ổn của thế giới.
Tuy khó khăn, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,0 - 3,5%; trong đó, tốc độ giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt tăng 2,0 - 2,2%; chăn nuôi là 4,0 - 5,0%; thuỷ sản là 3,7 - 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 54 - 55 tỷ USD.
Trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 53,01 tỷ USD năm 2023, Trung Quốc vẫn đứng vị trí số 1, đạt 12,2 tỷ USD, chiếm 23%; Hoa Kỳ đạt 10,9 tỷ USD, chiếm 21% thị phần; Nhật Bản 3,9 tỷ USD chiếm 7%; Hàn Quốc 2,1 tỷ USD và Philippines 2,1 tỷ USD cùng chiếm 4%; EU và các thị trường khác là 21,75 tỷ USD chiếm 41%.
Năm 2023 cũng là một năm thắng lợi đối với ngành hàng rau quả với con số 5,69 tỷ USD, tăng 69,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiềm năng lợi thế của ngành hàng rau quả là rất lớn, nhất là mặt hàng sầu riêng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cho biết, năm 2023 ghi nhận điểm sáng của xuất khẩu sầu riêng với kim ngạch đạt trên 2,2 tỷ USD. Hiện, diện tích sầu riêng đạt 112 nghìn ha với sản lượng 840 nghìn tấn, nhưng chúng ta mới thu hoạch ở diện tích trên 60 nghìn ha, còn lại 51 nghìn ha sắp tới sẽ được thu hoạch. Với sầu riêng đông lạnh nếu được ký Nghị định thư với Trung Quốc, giá trị xuất khẩu sầu riêng sẽ tăng.
Về tiềm năng xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định: Trong năm tới, sẽ có nhiều giải pháp về hạ tầng được giải quyết như cửa khẩu thông minh, đường sắt, đường bộ kết nối với Trung Quốc. Cộng với các biện pháp về kiểm dịch được thống nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc, cắt giảm được thủ tục hành chính, làm rõ được mã số vùng trồng, mã số đóng gói... thì sản lượng xuất khẩu rau quả sẽ còn tiềm năng, lợi thế tăng trưởng hơn nữa trong năm 2024.
Như vậy, có thể dựa vào một số căn cứ trên cơ cấu xuất khẩu nông lâm thủy sản trong năm 2023, căn cứ vào thị trường, cơ cấu sản xuất để năm 2024 có thể tiếp tục phát huy được tiềm năng, lợi thế của các thị trường và sớm đạt mục tiêu 54 - 55 tỷ USD - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết.
Riêng với thị trường Trung Quốc, với dân số trên 1,4 tỷ dân, cùng các Nghị định thư được ký kết, Việt Nam sẽ có nhưng lợi thế về xuất khẩu. Bên cạnh đó, hạ tầng thương mại sẽ giúp trao đổi giao thương 2 chiều thuận lợi hơn; công tác kiểm dịch động vật và thực vật sẽ cắt giảm thủ tục hành chính để đảm bảo thủ tục nhanh hơn và chính xác hơn.
Việt Nam có các mặt hàng xuất khẩu tiềm năng lợi thế, ví dụ như dừa với 194 nghìn ha, sản lượng 1,9 triệu tấn sắp được ký Nghị định thư; 7 doanh nghiệp đã được xuất khẩu yến sang thị trường Trung Quốc với sản lượng trên 200 tấn. Và khi tất cả các cơ cấu lĩnh vực ngành hàng như lâm sản, thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt,... cùng được phát huy một cách đồng bộ, quy mô xuất khẩu cùng giá trị xuất khẩu năm 2024 sẽ cao hơn so với năm 2023./.