Xuất nhập khẩu nỗ lực phục hồi, có tạo đà bứt phá cho năm 2024?

(BKTO) - Hoạt động xuất nhập khẩu năm 2023 của Việt Nam không đạt được như kỳ vọng. Tuy nhiên, điểm sáng được ghi nhận là cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư kỷ lục ước đạt 28 tỷ USD, gấp 2,3 lần năm 2022. Tăng trưởng xuất khẩu đã dương trở lại, nhiều ngành hàng trở lại đường đua, giữ vững vị thế, tạo đà bứt phá cho năm 2024…

12.jpg
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2023 ước đạt 327,5 tỷ USD. Ảnh minh họa

Hội nhập quốc tế mang lại cơ hội cho xuất khẩu

Số liệu thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2023 ước đạt 683 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 4,4%; nhập khẩu giảm 8,9%. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 355,5 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 95,55 tỷ USD, giảm 0,3%, chiếm 26,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 259,95 tỷ USD, giảm 5,8%, chiếm 73,1%. Có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66%).

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2023 ước đạt 327,5 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 117,29 tỷ USD, giảm 7,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 210,21 tỷ USD, giảm 9,8%. Có 44 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,4% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 4 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 46,8%).

Đến hết năm 2023, Việt Nam đã đàm phán, ký kết và thực thi 19 FTA với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới; trong đó, 16 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ kín các châu lục, chiếm gần 90% GDP toàn cầu, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực về tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế, tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu và cải thiện cán cân thương mại từ thâm hụt sang thặng dư.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương đánh giá, kết quả trên vẫn được đánh giá là khả quan trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2023 tiếp tục gặp nhiều khó khăn, lạm phát mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt; nhu cầu hàng hóa thế giới và một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, ASEAN, Nhật Bản sụt giảm. Thương mại và đầu tư toàn cầu tiếp tục thu hẹp; hàng rào bảo hộ, phòng vệ thương mại gia tăng đã khiến nhiều quốc gia tăng trưởng chậm lại. Theo IMF, tăng trưởng thương mại thế giới đạt khoảng 0,9% trong năm 2023, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 4,9% của giai đoạn 2000-2019.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, hoạt động xuất nhập khẩu năm 2023 có sự hỗ trợ rất lớn từ hội nhập kinh tế quốc tế. Trong năm qua, Việt Nam đã đẩy mạnh các hoạt động đàm phán, ký kết mới và nâng cấp các hiệp định thương mại tự do (FTA), các thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại với các đối tác lớn, tiềm năng, giúp các doanh nghiệp trong nước khai thác, tận dụng hiệu quả các FTA mà Việt Nam là thành viên để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và sản phẩm xuất khẩu, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Bà Nguyễn Thị Hương cũng nhấn mạnh, hội nhập kinh tế quốc tế đã giúp Việt Nam tăng cường hợp tác thương mại với nhiều quốc gia hơn và trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn khi liên tục giữ vị trí nhóm đầu trong kim ngạch xuất khẩu của thế giới. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm qua mặc dù chưa phục hồi mạnh, nhưng mức suy giảm đã được thu hẹp đáng kể, sẽ là tiền đề hướng đến sự khởi sắc trong năm 2024.

Cơ hội phục hồi và bứt phá

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng chung nhận định, xuất nhập khẩu năm 2024 sẽ có nhiều cơ hội để phục hồi và tăng trưởng khi vấn đề hàng tồn kho tại nhiều quốc gia đang dần được khắc phục. Cùng với đó, việc tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh đàm phán, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ đem lại lợi thế cạnh tranh hơn cho hàng xuất khẩu trong thời gian tới.

Đặc biệt là những tín hiệu khả quan hơn đã xuất hiện từ những tháng vừa qua. Trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, tổng cầu thế giới sụt giảm, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam mặc dù chưa đạt được mức tăng trưởng của năm trước, nhưng mức suy giảm đã được thu hẹp đáng kể và từ tháng 9/2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đã tăng trưởng dương. Trong đó, tháng 9 tăng 2,8%; tháng 10 và tháng 11 cùng tăng 6,3%; tháng 12 ước tính tăng cao 12,7%.

Cùng với đó, xuất khẩu của nhóm hàng nông sản, lâm sản tiếp tục được đặt nhiều kỳ vọng. Năm 2023 đã được đánh giá là thành công của ngành nông nghiệp Việt Nam với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 28,15 tỷ USD, tăng 12,9% so với năm 2022 và là nhóm hàng duy nhất tăng trưởng dương trong số 4 nhóm hàng xuất khẩu chính. Trong cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản, lâm sản chiếm tỷ trọng 7,9%, tăng 0,8 điểm phần trăm so với năm trước.

Các chuyên gia cũng chỉ rõ, nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện tiếp tục phục hồi. Mặc dù trong 9 tháng năm 2023, xuất khẩu nhóm hàng này giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước, nhưng từ tháng 10, kim ngạch đã tăng trở lại với mức tăng nhẹ 0,7%. Kết thúc năm, kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử, máy tính và linh kiện ước đạt 57,3 tỷ USD, tăng 3,3% so với năm 2022, chiếm tỷ trọng 16,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, tiếp tục là nhóm hàng dẫn đầu trong xuất khẩu và đến cuối năm đạt mức tăng trưởng dương.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hương, hoạt động xuất nhập khẩu năm 2024 vẫn phải đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định. Xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn, nhiều nước có các biện pháp đưa đầu tư về trong nước, dựng nên các rào cản thương mại để bảo vệ, thúc đẩy sản xuất trong nước. Trong khi đó, nhìn vào những thay đổi của thị trường, việc chuyển đổi sang sản xuất xanh không còn là lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc, là mệnh lệnh của thị trường. Vì vậy, cùng với yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng, xanh hóa và phát triển bền vững là những tiêu chí cạnh tranh mà các thị trường lớn như: Mỹ, EU, Nhật Bản… yêu cầu ở các nhà cung cấp và các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam muốn tồn tại thì phải vượt qua bài toán này./.

Cùng chuyên mục
Xuất nhập khẩu nỗ lực phục hồi, có tạo đà bứt phá cho năm 2024?