Mục tiêu của Đề án là xác định được định hướng quan trọng, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá nhằm xây dựng Quảng Ninh trở thành điểm đến du lịch hàng đầu cả nước, là trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế có thương hiệu mạnh trên toàn cầu.
Đánh giá về tiềm năng, hiện trạng của du lịch Quảng Ninh hiện nay, Đề án nêu rõ: Quảng Ninh về cơ bản đã đáp ứng được một phần của trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế. Trong đó, có 2 điều kiện đã đáp ứng được là về vị trí địa lý, địa kinh tế, chính trị, đối ngoại thuận lợi cho việc kết nối khu vực và quốc tế; môi trường chính trị - xã hội, an ninh đảm bảo an toàn cho khách du lịch và người dân địa phương.
Năm 2023, ngành Du lịch Quảng Ninh đã hoàn thành vượt mức kế hoạch. Tổng khách du lịch ước đạt 15.560.000 lượt (đạt 134% so với cùng kỳ), trong đó khách quốc tế khoảng 2.150.000 lượt. Tổng thu du lịch dự kiến 33.610 tỷ đồng (đạt 149%).
Ba điều kiện cơ bản đã đáp ứng được là giao thông phát triển hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, có khả năng kết nối giao thông đến nhiều điểm đến quốc tế, đặc biệt là kết nối hàng không; đóng góp của du lịch vào GRDP chiếm tối thiểu 10%; bảo vệ môi trường tự nhiên gắn với phát triển bền vững kinh tế xã hội.
Các điều kiện về cơ chế chính sách, phạm vi, điểm đến, hạ tầng lưu trú…, Quảng Ninh mới chỉ đáp ứng được một phần.
Riêng đối với yêu cầu Quảng Ninh là nơi gặp gỡ, gửi khách của các thương hiệu du lịch lớn trên thế giới, các công ty đa quốc gia về du lịch hoặc có liên quan đến du lịch để phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối với thế giới vẫn chưa đáp ứng được.
Đề án đưa ra 12 điều kiện cần thiết, 5 nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhóm giải pháp cần thực hiện để Quảng Ninh có thể trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế.
Theo đó, cần nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi chính sách; ưu tiên đẩy mạnh thu hút đầu tư du lịch; liên kết hợp tác phát triển du lịch; phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; phát triển thị trường, xúc tiến quảng bá điểm đến và marketing toàn diện; xây dựng, định vị thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến; nâng cao sức chứa và khả năng phục vụ khách du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp; tạo dựng môi trường điểm đến văn minh, đồng bộ; giải pháp chuyển đổi số để đẩy nhanh tốc độ đáp ứng điều kiện; bảo vệ, nâng cao chất lượng môi trường và phát triển bền vững; thích ứng linh hoạt, an toàn của ngành du lịch.
Tổng kinh phí thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo Đề án dự kiến khoảng 432.825 tỷ đồng (giai đoạn 2024 - 2030). Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước khoảng 20.370 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa, tư nhân khoảng 412.455 tỷ đồng.
Lộ trình phát triển đề xuất theo 2 giai đoạn: 2024-2030 và 2031-2045.
Ông Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nhận định, về cơ bản, Đề án đã khẳng định được vai trò, vị trí của tỉnh Quảng Ninh, tiềm năng lợi thế và các điều kiện tiên quyết để trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế.
Để Đề án mang tính khả thi cao, ông Hà Văn Siêu cho rằng, trong quá trình hoàn thiện Đề án, Sở Du lịch Quảng Ninh cần bám sát quy hoạch của tỉnh Quảng Ninh, của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Đồng thời, phải xác định được nguồn lực, cơ chế ưu tiên cũng như phân tích được điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức, từ đó, đề ra được các giải pháp cụ thể, sắc nét hơn.../.