Các chương trình XTTM đã hỗ trợ 14.499 gian hàng tại các Hội chợ triển lãm trong và ngoài nước.Ảnh: TS
XTTM theo 3 mục tiêu
Tính riêng năm 2015, Bộ Công Thương đã phê duyệt 236 đề án Xúc tiến thương mại quốc gia, hỗ trợ trên 70 đơn vị chủ trì với tổng kinh phí gần 114 tỷ đồng (bao gồm 14 tỷ đồng kinh phí XTTM quốc gia các năm trước chuyển sang). Đáng chú ý, nhiều đề án thuộc chương trình XTTM quốc gia được phê duyệt tổ chức tại khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo nhằm đóng góp tích cực và hưởng ứng sâu rộng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đồng thời góp phần phát triển thị trường trong nước.
Tổng kết công tác XTTM trong năm qua, ông Tạ Hoàng Linh - Phó Cục trưởng Cục XTTM (Bộ Công Thương) cho biết, các đơn vị chủ trì đã hoàn thành việc thực hiện đề án, 100% kinh phí được bố trí đã được sử dụng hết. Các chương trình XTTM đã hỗ trợ 8.850 lượt DN, 14.499 gian hàng tại các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, 213.300 giao dịch và ký kết được nhiều hợp đồng kinh tế có tổng trị giá trên 858 triệu USD và khoảng 637,8 tỷ đồng, thu hút trên 3 triệu lượt khách tham quan giao dịch và mua sắm. Thông qua Chương trình XTTM quốc gia năm 2015, các hiệp hội ngành hàng, tổ chức XTTM đã hỗ trợ DN xuất khẩu tiếp cận, mở rộng thị trường tại các thị trường trọng điểm, thị trường mới nhiều tiềm năng.
Nhìn lại cả giai đoạn 2011-2015, các hoạt động XTTM quốc gia đã thu hút hơn 30.000 lượt DN tham gia, các DN đã trực tiếp giao dịch và ký kết hợp đồng với tổng trị giá hợp đồng xuất khẩu hàng hóa và doanh số bán hàng đạt gần 6,3 tỷ USD và trên 2.000 tỷ đồng.
Với 3 mục tiêu chính: XTTM định hướng xuất khẩu, XTTM thị trường trong nước và XTTM miền núi, biên giới, hải đảo, Chương trình XTTM quốc gia đã thực sự hỗ trợ tích cực, hiệu quả việc xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm, thủy sản tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm. Đồng thời, chương trình cũng chú trọng đẩy mạnh hoạt động XTTM đối với các sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh như ngành Dệt may, Da giày, Công nghệ thông tin, Điện, Điện tử, Dược, Đồ gỗ, Thủ công mỹ nghệ, Thép… Với sự hỗ trợ từ Chương trình XTTM quốc gia, sự hiện diện của sản phẩm xuất khẩu Việt Nam tại các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc ngày càng mở rộng. Đồng thời, Chương trình đã hỗ trợ DN trở lại các thị trường Liên bang Nga, các nước Đông Âu, tăng cường hoạt động tại thị trường Myanmar, Lào, các nước Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latinh…
Cần đầu tư mạnh hơn cho XTTM
Năm 2016, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định phê duyệt 177 đề án XTTM quốc gia của 67 đơn vị chủ trì với tổng kinh phí 90 tỷ đồng. Chương trình bao gồm các hoạt động XTTM thiết thực, khả thi, có kế hoạch triển khai ngay từ đầu năm nhằm mở rộng thị trường, mặt hàng xuất khẩu, trong đó chú trọng đến các thị trường Việt Nam đã ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) giúp DN từng bước phát triển thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng trong từng sản phẩm, phát triển sản phẩm mới, tiến tới xuất khẩu giá trị cao và bền vững, đồng thời tiếp tục quan tâm phát triển thị trường nội địa, nông thôn, miền núi, biên giới, các địa phương còn khó khăn…
Ông Đỗ Thắng Hải cho rằng, đứng trước những đòi hỏi của giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế mới và thời kỳ phát triển mới về chất của nền kinh tế, đòi hỏi phải có sự quan tâm, đầu tư cho công tác XTTM ngày càng cao. Các nền kinh tế phát triển cũng như đang phát triển trên thế giới từ lâu đã đầu tư mạnh mẽ cho mạng lưới các cơ quan XTTM trong và ngoài nước để triển khai rầm rộ các hoạt động XTTM với mục tiêu lâu dài nhằm hỗ trợ DN trong bối cảnh kinh tế quốc tế ngày càng “phẳng” và cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay. Trong khi đó, đầu tư cho XTTM của nước ta còn nhiều hạn chế. Đơn cử, kinh phí dành cho Chương trình XTTM quốc gia của Việt Nam tính trên kim ngạch xuất khẩu chỉ bằng 0,003% (so với mức trung bình của thế giới là 0,11%, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới). Tính theo tỷ lệ phần trăm chỉ tương đương 1/30 tỷ lệ trung bình của toàn thế giới, bằng 1/4 so với Bangladesh, bằng 1/10 so với Thái Lan.
Kinh phí cho Chương trình XTTM quốc gia năm 2016 thấp hơn so với năm 2015, ông Hải chia sẻ, Bộ Công Thương gặp rất nhiều khó khăn trong việc phê duyệt chương trình. Nhiều đề án tốt, có tính khả thi cao và thiết thực phục vụ trực tiếp trong việc đẩy mạnh xuất khẩu và an sinh xã hội nhưng do không có kinh phí, nên không được đưa vào phê duyệt thực hiện.
Theo ông Tạ Hoàng Linh, để công tác XTTM đạt hiệu quả cao và mang lại cơ hội tốt cho các DN thì ngoài những hỗ trợ của nhà nước, các DN cần cố gắng nâng cao chất lượng sản phẩm, hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cho hàng hóa của mình, xây dựng và phát triển thương hiệu, chủ động, tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Các DN cũng cần xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên trách có kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về XTTM để có thể tham gia chủ động và hiệu quả vào các chương trình XTTM do nhà nước hỗ trợ.