Tỉ trọng cho vay vốn của lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ vẫn còn khiêm tốn. Ảnh: TK
Cùng với các lĩnh vực: nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, ứng dụng công nghệ cao DN nhỏ và vừa những năm gần đây, CNHT thuộc top 5 lĩnh vực được NHNN ưu tiên cho vay vốn. Chủ trương này nhằm hướng dòng vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) đi vào đúng khu vực sản xuất, kinh doanh, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Theo báo cáo của NHNN, năm 2015, tăng trưởng tín dụng đã đạt 18%, vượt mục tiêu đề ra từ đầu năm; trong đó cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển đổi theo hướng tích cực, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực ưu tiên như: cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 11%; lĩnh vực DN ứng dụng công nghệ cao tăng 45,13%; cho vay lĩnh vực CNHT tăng 9,72%, DN nhỏ và vừa tăng 6,13%. Điều này cho thấy, CNHT luôn nằm trong chủ trương được ưu tiên, hỗ trợ về nguồn vốn của ngân hàng. Tuy nhiên, nếu so với các lĩnh vực ưu tiên khác, tỉ trọng cho vay đối với CNHT vẫn còn khiêm tốn.
Mặc dù các DN đầu tư phát triển CNHT thuộc đối tượng được ưu tiên vay vốn ngân hàng nhưng trên thực tế, nhiều DN, nhất là những DN nhỏ và vừa vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi do không có tài sản thế chấp. Từ thực tế này, ông Hirotaka Yasuzumi - Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) khuyến nghị: Trong bối cảnh ngành CNHT của Việt Nam chưa có nền tảng vững chắc, Chính phủ cần có thêm những chính sách hỗ trợ kịp thời, đặc biệt cơ chế cho vay vốn đối với các DN nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực này cần được quan tâm hơn nữa.
Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức được ký kết vào ngày 04/02 vừa qua. Theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (Đại học Kinh tế quốc dân): các cam kết chặt chẽ trong TPP mà trực tiếp là quy định hàm lượng xuất xứ hay hàm lượng nội địa hóa ít nhất 60% để được hưởng ưu đãi thuế quan của các quốc gia thành viên trở thành lợi thế kết nối theo chiều sâu giữa các nền kinh tế. TPP là điều kiện cần để các quốc gia thành viên có khả năng trở thành khâu dẫn đầu trong chuỗi giá trị. Do đó, việc phát triển CNHT để tận dụng được lợi thế ưu đãi về thuế là cần thiết. Cùng với đó, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, nếu không có những chính sách hỗ trợ kịp thời đối với CNHT, tạo điều kiện cho những DN vừa và nhỏ Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất của tập đoàn đa quốc gia, lợi thế về thuế suất từ TPP cũng như các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) khác có nguy cơ chỉ dành cho DN nước ngoài. Trước cơ hội lớn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Nguyễn Văn Vũ - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam đã bày tỏ nguyện vọng của đông đảo DN: Nhà nước cần có thêm những chính sách hỗ trợ vốn một cách hợp lý để DN an tâm đầu tư và có điều kiện thay đổi công nghệ. Vốn ngân hàng và lãi suất là vấn đề cần được lưu tâm.
Trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết một loạt các FTA, gần nhất là TPP, Thông tư 01/2016/TT-NHNN mà NHNN ban hành chính là sự cụ thể hóa Nghị định số111/2015/NĐ-CP của Chính phủ, góp phần tiếp tục khơi thông nguồn vốn tín dụng cho ngành CNHT. Theo đó, các tổ chức, cá nhân đầu tư dự án sản xuất sản phẩm CNHT thuộc Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển theo quy định tại Điều 11, Nghị định 111/2015/NĐ-CP được các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay ưu đãi. TCTD, ngân hàng nước ngoài áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam đối với phần vốn vay ngắn hạn phục vụ cho dự án sản xuất sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển. Lãi suất không vượt quá mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế do Thống đốc NHNN quyết định trong từng thời kỳ. Bên cạnh đó, DN nhỏ và vừa khi vay vốn của các TCTD trên cơ sở bảo lãnh của các tổ chức bảo lãnh tín dụng cho các DN nhỏ và vừa theo quy định để đầu tư dự án sản xuất sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển còn được các TCTD xem xét cho vay tối đa 70% vốn đầu tư khi đáp ứng các điều kiện theo quy định. Tổ chức bảo lãnh cho vay DN nhỏ và vừa bao gồm Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
Tiếp cận nguồn vốn ngân hàng là nhu cầu cần thiết của các DN sản xuất các sản phẩm CNHT. Cơ chế vay vốn ưu đãi trên được kỳ vọng sẽ tạo thêm cơ hội thuận lợi cho DN trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, tăng cường tiềm lực tài chính, từ đó đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường để hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế.