Thông tin tại Hội nghị trực tuyến của Bộ LĐ-TB&XH cho biết, làn sóng dịch bệnh thứ tư khiến nhiều lao động tại các địa phươngrơi vào tình trạng thất nghiệp -Nguồn: molisa.gov.vn |
Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội và thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, ngày 14/7.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết, làn sóng dịch Covid-19 thứ tư bùng phát từ cuối tháng Tư đã ảnh hưởng đến đà khôi phục việc làm và cải thiện thu nhập của người lao động.
Theo Bộ trưởng, cùng với đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, Covid-19 còn khiến nguy cơ đứt gãy chuỗi nguồn lao động trở nên hiện hữu. Sự bùng phát lần thứ tư của dịch Covid-19 đã đẩy 1,8 triệu người lao động trên phạm vi cả nước vào tình trạng không có việc làm. Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Đợt dịch này đã xâm nhập và tác động vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung một lượng lớn lao động. Một số ngành như: giao thông vận tải, hàng không, du lịch, khách sạn... bị ảnh hưởng và chịu tác động mạnh mẽ hơn.
Thống kê cho thấy, đợt dịch lần thứ tư đã khiến 130 nghìn lao động của tỉnh Bắc Giang bị dừng hoạt động trong đợt 4. Sau hơn 1 tháng, tới nay, mới có 80 nghìn đã đi làm trở lại.
Tại khu vực phía Nam, trong 2 tuần qua, nhiều tỉnh, thành như: TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương... bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt, TP. HCM có tới 1,6 triệu lao động, Bình Dương có 1,2 triệu, Đồng Nai có 1 triệu lao động bị tác động lớn. Tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, nhận bảo hiểm thất nghiệp gia tăng và nguy cơ không dừng ở đây.
Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cho biết thêm, trong quý II/2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm: người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…
Như vậy, so với quý I/2021, dịch Covid-19 đã làm tăng thêm 3,7 triệu lao động rơi vào tình trạng bị ảnh hưởng tiêu cực.
Tính chung 6 tháng đầu năm, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị là 3,7%, tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng trên 65%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ khoảng 26%.
Ước 6 tháng đầu năm, tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH đạt trên 34%, tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt khoảng 28%.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, 412.733 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, bằng 79,8% so với cùng kỳ năm 2020; 380.636 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, bằng 84,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, 912.886 lượt người được tư vấn giới thiệu việc làm, tăng 59,1% so với cùng kỳ năm trước và 10.651 người được hỗ trợ học nghề, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH đã kịp thời có Công điện về tăng cường quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Công điện đề nghị các tỉnh, thành phố rà soát toàn bộ các cơ sở, DN đang sử dụng lao động là người nước ngoài tại địa phương; không để lọt lao động nhập cảnh trái phép trong cơ sở, DN; kiểm tra, chấn chỉnh việc cấp giấy phép cho lao động nước ngoài làm việc tại địa phương.
Cùng với đó, Bộ LĐ-TBXH đã đề xuất tiếp tục thực hiện việc giảm mức thu, nộp phí xác minh giấy tờ, tài liệu theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân trong nước, lệ phí cấp giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, thời gian thực hiện đến hết ngày 31/12/2021.
Với những chỉ đạo trên, 6 tháng đầu năm 2021, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 40.602 lao động, đạt 45,11% kế hoạch./.