Bổ sung thêm nơi được công bố nghiên cứu khoa học
Liên quan đến Thông tư 18 quy định về đào tạo trình độ tiến sĩ, một số ý kiến cho rằng Quy chế mới hạ thấp chuẩn đầu vào, đầu ra đối với cả người hướng dẫn và nghiên cứu sinh. Đặc biệt, liên quan đến quy định về công bố nghiên cứu khoa học, trong bối cảnh thực trạng giáo dục trong nước còn nhiều bất cập, quy định có bài đăng báo quốc tế đối với trình độ tiến sĩ vẫn giữ vai trò quan trọng, giống như bộ lọc giúp đảm bảo chất lượng của người được xét công nhận trình độ này.
Việc đào tạo tiến sĩ phải hướng đến thực chất, nâng cao chất lượng, vì đây chính là đội ngũ tinh hoa củađất nước. Ảnh: Báo Chính phủ |
Theo GS.TSKH Ngô Việt Trung - nguyên Viện trưởng Viện Toán học, tiến sĩ là bằng cấp học thuật cao nhất, là lực lượng chủ chốt trong các cơ sở đào tạo và nghiên cứu. Khi xem xét đào tạo tiến sĩ ở bất kỳ một đại học nào tại các nước đang phát triển như Việt Nam, người ta thường chỉ hỏi một câu là luận án cần bao nhiêu công bố quốc tế thì được bảo vệ, vì công bố quốc tế chính là sự đánh giá khách quan nhất đối với chất lượng luận án khi trình độ khoa học của nước đó chưa cao, chưa tự thẩm định được chất lượng nghiên cứu. Vì vậy, các nước đang phát triển thường quy định luận án tiến sĩ phải có công bố quốc tế trong những tạp chí quốc tế.
Quy chế đào tạo tiến sĩ trongThông tư số 08quy định luận án tiến sĩ phải công bố 2 bài báo trong đó có 1 bài đăng trên tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus hoặc 2 bài báo ở nước ngoài. Quy chế mới ban hành theo Thông tư số 18 bổ sung việc công nhận bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín trong nước. Như vậy, người được xét công nhận trình độ tiến sĩ có thể lựa chọn công bố nghiên cứu trên tạp chí khoa học nước ngoài hoặc trong nước. |
Quy chế cũ có quy định công nhận các báo cáo bằng tiếng nước ngoài trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện hoặc bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện, chưa xem xét cụ thể mức độ uy tín của hội nghị hay hội thảo. Quy chế 18 đã quy định cụ thể hơn về những ấn phẩm được Hội đồng Giáo sư nhà nước đánh giá, và các hội nghị khoa học cũng phải thuộc danh mục WoS/Scopus.
Mặt khác, hiện nay, các tạp chí khoa học trong nước đã có nhiều đầu tư về nguồn lực và chuyên môn, đã có sự thay đổi nhiều về chất. Không chỉ là diễn đàn khoa học, đây còn là nơi công bố các nghiên cứu, tư vấn chính sách… có ý nghĩa thực tiễn với Việt Nam, được thành lập và hoạt động dưới sự cho phép và quản lý của các cơ quan chức năng.
Trên thực tiễn, chất lượng của nhiều tạp chí ngày càng tăng, dần hướng tới các chuẩn quốc tế. Những đóng góp của hệ thống ấn bản phẩm khoa học trong nước xứng đáng được nhìn nhận đánh giá khách quan và công bằng hơn.
Yêu cầu học thật, nghiên cứu thật
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Quy chế lần này là một quy chế khung, bao gồm các quy định, các mức cơ bản để đảm bảo chất lượng đào tạo tối thiểu của một tiến sĩ. Quy chế tiếp tục đẩy mạnh tự chủ đại học theo Luật Giáo dục đại học, với tinh thần giao nhiều quyền (kèm theo cả trách nhiệm giải trình) về đào tạo hơn cho cơ sở đào tạo.
Trên cơ sở các tiêu chuẩn khung này, cơ sở đào tạo căn cứ vào mục tiêu, năng lực đào tạo mà đưa ra những quy định, yêu cầu bằng hoặc cao hơn cho việc đào tạo tiến sĩ của mình, đồng thời, công bố công khai minh bạch để cơ quan quản lý, xã hội và người học biết và giám sát, thực hiện.
Cách hiểu của một bộ phận hiện nay là chưa đúng tinh thần của Thông tư 18. Việc mặc định bài đăng báo quốc tế tốt hơn bài đăng tạp chí trong nước là một định kiến cần được nhìn nhận lại. |
Theo TS. Văn Đình Ưng (Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam), các cơ sở đào tạo cần ý thức rõ đào tạo tiến sĩ là bậc đào tạo cao nhất trong giáo dục đại học, là đào tạo tinh hoa cho đất nước. Do đó, việc đào tạo phải chuẩn từ chất lượng đầu vào, đảm bảo cơ chế có sàng lọc trong quá trình đào tạo và đạt chuẩn chất lượng đầu ra, cũng như phải có tính hội nhập trong bối cảnh quốc tế hóa hiện nay. Từ nhận thức đúng đắn, các cơ sở đào tạo cần nâng cao trách nhiệm trong việc đào tạo, vừa để xây dựng uy tín cho cơ sở đào tạo, vừa thể hiện trách nhiệm đóng góp cho đất nước. Bộ GD&ĐT và các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường giám sát đối với công tác này.
Đề cập đến vấn đề công bố bài đăng, GS,TSKH. Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học&Đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, nơi công bố rất quan trọng nhưng mới chỉ là hình thức. Điều quan trọng là chất lượng bên trong của công bố mới có ý nghĩa quyết định. Đối với nghiên cứu Việt Nam thì bài đăng trên tạp chí nước ngoài không hẳn đã có chất lượng cao hơn đăng trên tạp chí trong nước. Tuy nhiên, để thay đổi cách nghĩ bấy lâu nay, các tạp chí khoa học trong nước cũng cần khẳng định được uy tín thông qua việc nâng cao chất lượng bài đăng, quy trình xét chọn, xuất bản, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh với tạp chí nước ngoài.