3 lý do để kiểm toán toàn diện các dự án PPP

(BKTO) - Trong bối cảnh nguồn NSNN hiện nay còn hạn hẹp, việc thu hút nguồn vốn theo hình thức đối tác công - tư (PPP) sẽ tạo động lực quan trọng cho đầu tư phát triển. Vì vậy, hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho thực hiện các dự án PPP là rất cần thiết. Trong đó, chức năng, nhiệm vụ của KTNN cần được cụ thể hóa hơn nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường quản lý nhà nước đối với các dự án PPP.



Ảnh: Minh Thúy
Chưa có quy định cụ thể về kiểm toán toàn diện đối với dự án PPP

Với địa vị pháp lý đã được Hiến định, KTNN có vị trí, vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung cũng như quá trình kiểm tra, kiểm soát việc điều hành, quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công nói riêng; bảo đảm tính công khai, minh bạch và phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Trong những năm qua, KTNN đã chú trọng kiểm toán các lĩnh vực có nhiều rủi ro, được dư luận quan tâm và lĩnh vực cần tăng cường quản lý nhà nước. Qua kiểm toán, KTNN đã phát hiện sai phạm, xử lý tài chính hàng chục nghìn tỷ đồng. Riêng năm 2019, KTNN đã kiểm toán và xác định giảm thời gian thu phí của 7 dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) là 54 năm 6 tháng. Cũng qua kiểm toán dự án PPP, KTNN đã phát hiện sai phạm, kiến nghị khắc phục bất cập, sửa đổi, bổ sung quy định về đầu tư PPP, góp phần hoàn thiện thể chế.

Tại Quảng Ninh, UBND tỉnh đã đề nghị KTNN khu vực VI kiểm toán các dự án lớn đầu tư theo hình thức PPP, qua đó giúp địa phương có thêm cơ sở thực hiện đúng pháp luật về thủ tục đầu tư và tăng cường quản lý các dự án đầu tư PPP trên địa bàn.

Tuy nhiên, đến nay, quy định cụ thể về kiểm toán toàn diện đối với dự án PPP vẫn chưa có. Hiện, vẫn có quan điểm KTNN là cơ quan kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, do vậy, đối với dự án PPP, KTNN chỉ kiểm toán phần vốn, tài sản công. Còn kiểm toán lĩnh vực đầu tư vốn tư nhân có liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả sử dụng và tạo lập nên tài sản công, sản phẩm công lại chưa được quy định rõ... Trong khi đó, phần tài sản do tư nhân đầu tư tạo nên sản phẩm công có ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống người dân.

Cần quy định cụ thể chức năng, trách nhiệm của KTNN về kiểm toán dự án PPP

Để nâng cao vai trò của KTNN trong việc kiểm toán dự án PPP, Chính phủ, các cơ quan liên quan sớm hoàn thiện Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (Dự thảo Luật PPP) để trình Quốc hội xem xét, ban hành; hoàn thiện các quy định về đầu tư theo hình thức PPP nhằm tạo hành lang pháp lý, nâng cao chất lượng các công trình đầu tư theo hình thức PPP, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, DN và nhân dân trong việc quản lý, đầu tư, vận hành, khai thác và sử dụng các công trình này.

Dự thảo Luật PPP và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan cần quy định cụ thể chức năng, trách nhiệm của KTNN về kiểm toán dự án PPP. Đặc biệt, nhằm tăng cường chức năng giám sát, hạn chế thất thoát, lãng phí, trách nhiệm của KTNN trong suốt quá trình đầu tư dự án PPP phải được cụ thể hóa theo hướng: KTNN chủ động kiểm toán từng phần, từng giai đoạn, từ khâu chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, thực hiện dự án cho đến khi dự án hoàn thành thay vì chỉ kiểm toán dự án đã hoàn thành như hiện nay.

Việc kiểm toán toàn diện dự án PPP là cần thiết. Bởi, thứ nhất, Hiến pháp năm 2013 quy định KTNN thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; Điều 3, Luật KTNN quy định: Tài chính công bao gồm: NSNN; đơn vị cung cấp dịch vụ, hàng hóa công; phần vốn nhà nước tại các DN... Tài sản công bao gồm: đất đai; tài sản công được giao cho các DN quản lý và sử dụng; tài sản thuộc kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích công cộng và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý…

Thứ hai, về bản chất, dự án PPP là hoạt động đầu tư nhà nước để thu hút nguồn lực, là dự án huy động vốn tư nhân đầu tư công trình công chứ không phải đầu tư công trình tư nhân; nhiều công trình xây dựng trên đất công. Nhà nước thực hiện đầu tư qua hợp đồng PPP với nhà đầu tư, Nhà nước không trực tiếp trả kinh phí cho nhà đầu tư mà cho phép nhà đầu tư, DN thu phí với mức thu và thời hạn thu theo quy định hoặc trả bằng giá trị quyền sử dụng đất. Do đó, nếu KTNN không kiểm toán chi phí đầu tư và kiểm toán toàn diện dự án PPP thì không thể xác định được mức thu phí, thời gian thu phí, giá đất được sử dụng để thanh toán cho nhà đầu tư.

Thứ ba, kết quả kiểm toán cho thấy nhiều dự án PPP tiềm ẩn rủi ro, thất thoát, lãng phí; một số nguồn thu, chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện chưa được hướng dẫn quản lý tốt, một số dự án không được kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước dẫn đến sai sót tại các khâu; nhà đầu tư được tự lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế, thi công, giám sát nên không đảm bảo tính khách quan. Trong khi đó, công tác quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý chưa được thực hiện thường xuyên, đầy đủ. Kết quả kiểm toán nêu trên là minh chứng khách quan cho vai trò không thể thiếu của KTNN trong việc kiểm toán toàn diện các dự án PPP nhằm góp phần tăng cường tính minh bạch, hạn chế thất thoát, lãng phí, giảm bớt gánh nặng cho người dân, DN và tạo niềm tin cho nhân dân…
(Lược ghi tham luận của bà ĐỖ THỊ LAN - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh - tại Hội thảo “Dự án PPP và vai trò của KTNN”)
Cùng chuyên mục
3 lý do để kiểm toán toàn diện các dự án PPP