5 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới - Kỳ I: Chủ trương đúng đắn nhưng còn hạn chế trong triển khai

(BKTO) - Nghị quyết 26-NQ/TƯ ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước. Theo đó, 5 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã tập trung chỉ đạo để hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (Chương trình). Đến nay có thể khẳng định, đây là một trong những chương trình mục tiêu quốc gia thành công nhất, huy động được các nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị ở các vùng quê trên cả nước, đời sống đại bộ phận nông dân đã từng bước được cải thiện rõ nét.




Tính đến tháng 01/2016, có 53 tỉnh, thành phố còn nợ đọng xây dựng nông thôn mới trên 15 nghìn tỷ đồng Ảnh: TS

Tính đến 31/12/2015, cả nước có 1.526 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 17,1% (cập nhật đến tháng 3/2016, có 1.761 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 19,7%); bình quân cả nước đạt 12,9 tiêu chí/xã, tăng 8,2 tiêu chí so với năm 2010; thu nhập của cư dân nông thôn năm 2015 gấp 1,9 lần năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 17,4% năm 2010 xuống còn khoảng 8,2% (bình quân giảm 1,84%/năm). Đến tháng 4/2016, cả nước có 23 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện cho thấy, còn có nhiều bất cập, hạn chế ảnh hưởng đến hiệu quả của Chương trình.

Thứ nhất, việc ban hành, hướng dẫn chính sách còn chậm và chưa đầy đủ. Cụ thể như: Chậm ban hành các văn bản về quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới; hướng dẫn tiêu chí huyện, tỉnh nông thôn mới; chưa ban hành văn bản bổ sung, điều chỉnh các tiêu chí nông thôn mới, Bộ tiêu chí nông thôn mới cấp xã giai đoạn 2016-2020 và chính sách đặc thù cho các vùng khó khăn xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, hướng dẫn về quy hoạch xây dựng nông thôn mới đối với cấp tỉnh và huyện. Các Bộ, ngành chưa phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí, ảnh hưởng đến quá trình chỉ đạo thực hiện và thẩm định, xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Các Đề án, quy hoạch xây dựng nông thôn mới của các xã không có tính liên kết. Các tỉnh chưa xây dựng quy hoạch tổng thể về nông thôn mới cấp tỉnh và cấp huyện để làm căn cứ cho các huyện, xã lập, phê duyệt quy hoạch thống nhất. Hơn nữa, các Bộ, ngành chưa có văn bản quy định, hướng dẫn hệ thống mẫu biểu báo cáo tổng hợp số liệu và quyết toán kinh phí riêng đối với toàn bộ Chương trình nông thôn mới khiến các địa phương gặp khó khăn trong việc tổng hợp số liệu và tổng hợp báo cáo quyết toán.

Thứ hai, các chính sách đã ban hành còn một số hạn chế, bất cập. Cụ thể, Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định, mục tiêu đến năm 2015 có 20% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới và đến năm 2020 là 50%, nhưng lại không có hướng dẫn mục tiêu cụ thể cho từng vùng, miền, địa phương dẫn đến nhiều địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, trông đợi chủ yếu vào vốn ngân sách Trung ương bố trí, nên tiến độ thực hiện Chương trình còn chậm. Nhiều địa phương lúng túng trong việc ban hành cơ chế huy động các nguồn lực và quy định tỷ lệ, mức hỗ trợ từ NSNN về vốn đầu tư để thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới trên địa bàn khiến việc huy động vốn gặp khó khăn, chưa đạt được mục tiêu đặt ra. Vì vậy, đến hết năm 2015, một số địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn còn chưa có hoặc chỉ có 1 đến 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền có sự chênh lệch lớn, trong khi số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới ở Đông Nam Bộ là 42,6%, Đồng bằng sông Hồng là 34% thì miền núi phía Bắc mới chỉ đạt 8,2%, Tây Nguyên là 13,2%, Đồng bằng sông Cửu Long đạt 16,9%.

Thứ ba, việc tổ chức thực hiện Chương trình chưa đạt mục tiêu đề ra. Công tác tuyên truyền có nơi chưa sâu và chưa thường xuyên, đặc biệt là ở cấp xã, nên nhận thức của một bộ phận là cán bộ và nhân dân chưa nắm vững được nội dung, phương pháp về xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu đến hết năm 2015 có 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới cũng chưa đạt. Một số xã tuy đã được công nhận hoàn thành mục tiêu Chương trình nhưng vẫn còn nợ một số tiêu chí hoặc không đạt chuẩn theo bộ tiêu chí nông thôn mới. Một số địa phương còn chạy theo thành tích, đã triển khai thực hiện đồng loạt đối với các nội dung, tiêu chí còn chưa đạt, trong khi huy động đóng góp của người dân, DN gặp khó khăn, dẫn đến nợ xây dựng cơ bản lớn. Đến 31/01/2015, có 55/63 tỉnh, thành phố còn nợ đọng 16.736 tỷ đồng, trong đó, số xã đạt chuẩn nông thôn mới có nợ đọng là 543 xã, tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản đối với các xã đạt chuẩn là 4.448,1 tỷ đồng và đến 31/01/2016, có 53 tỉnh còn nợ đọng xây dựng cơ bản 15.218,9 tỷ đồng, trong đó, số xã đạt chuẩn nông thôn mới có nợ đọng là 1.147 xã, tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản đối với các xã đạt chuẩn là 7.138,2 tỷ đồng, số nợ bình quân hơn 6,2 tỷ đồng/xã.

Đồng thời, việc huy động các nguồn vốn để thực hiện Chương trình chưa đạt được mục tiêu đặt ra theo tỷ lệ cơ cấu vốn tại Quyết định số 800/QĐ-TTg: NSNN bố trí thấp, 12,1% (quy định 17%), vốn lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn đạt 19,5% (quy định 23%), vốn huy động từ DN chỉ đạt 5,3% (quy định 20%), vay tín dụng đạt 49,8%, vượt quy định 19,8%, mức đóng góp dân cư đạt 13,4%, cao hơn quy định 3,4%.

(Kỳ sau đăng tiếp)

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020 được tổ chức mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, bản chất của nông thôn mới là nâng cao mức sống của người nông dân cả về vật chất và tinh thần, chứ không chỉ là các công trình xây dựng cơ bản. Mục tiêu đạt 50% số xã nông thôn mới trong 5 năm tới là không hề hơn giản trong khi nguồn lực chúng ta đặt ra có hơn 193 nghìn tỷ đồng, trong đó từ ngân sách Trung ương chỉ hơn 60 nghìn tỷ đồng. Trong giai đoạn 2011-2015, tổng nguồn vốn huy động để thực hiện Chương trình là hơn 850 nghìn tỷ đồng, trong đó NSNN chỉ chiếm 11,6%, còn lại là đóng góp từ nhiều nguồn lực của người dân, DN, tín dụng…

Được biết, trong giai đoạn 2016-2020, trọng tâm của Chương trình sẽ tập trung vào 4 nhóm nội dung: hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã; thực hiện phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; bảo vệ và cải thiện môi trường; giữ vững và tăng cường an toàn, an ninh trật tự trên địa bàn nông thôn.

QUỲNH ANH (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
  • Chi bộ đảng sinh hoạt tạm thời: Mô hình phù hợp với thực tiễn
    7 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - “Mô hình chi bộ đảng sinh hoạt tạm thời đối với Đoàn kiểm toán đã thể hiện tư duy phù hợp với yêu cầu thực tiễn và mang lại hiệu quả thiết thực...”. Nhận định ấy của đồng chí Lê Văn Thái - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban tổ chức Đảng ủy Khối các cơ quan T.Ư trước thềm Đại hội Đảng bộ KTNN lần thứ VI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã trở thành động lực để Đảng bộ KTNN tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ tạm thời đối với Đoàn kiểm toán.
  • Có cần hàng rào kỹ thuật cho thị trường kiểm toán độc lập Việt Nam?
    7 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Việt Nam có cần thiết phải xây dựng hàngrào kỹ thuật để bảo vệ thị trường kiểm toán độc lập ở trong nước khi gia nhập Cộngđồng kinh tế ASEAN (AEC)? Đây là vấn đề từng được các chuyên gia đặt ra nhiều lầntrước và sau khi AEC được thành lập. Tuy nhiên, đến thời điểm này, câu hỏi đó vẫnchưa tìm được đáp án chung.
  • ASOSAI đẩy mạnh hoạt động kiểm toán môi trường
    7 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Trước các vấn đề bức xúc về môi trường toàn cầu hiện nay, hàng loạt công cụ luật pháp, kinh tế đã được đưa ra nhằm quản lý tốt môi trường và trói buộc các tổ chức, nhà máy, cơ sở sản xuất phải chấp hành. Trong bối cảnh đó, kiểm toán môi trường (KTMT) ra đời, chính thức trở thành công cụ quản lý sắc bén và hiệu quả.
  • Quản lý và sử dụng vốn trái phiếu chính phủ năm 2014: Còn nhiều hạn chế
    7 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Năm 2014, Chính phủ đã phân bổ trên 99.544 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ (TPCP). Kết quả kiểm toán “Chuyên đề phát hành, quản lý và sử dụng vốn TPCP năm 2014” cho thấy, các Bộ, cơ quan T.Ư, địa phương quản lý và sử dụng nguồn vốn này cơ bản tuân thủ quy định. Tuy nhiên, KTNN vẫn phát hiện nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục.
  • “Bức tranh” nợ thuế - Những mảng sáng, tối
    7 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Trong bối cảnh cân đối ngân sách còn gặp nhiều khó khăn thì tình trạng nợ thuế ngày càng trở nên trầm trọng. Chỉ có 2 điểm sáng trong “bức tranh” nợ thuế năm 2014 là nợ thuế chờ xử lý do ngành Thuế quản lý và nợ thuế quá hạn do ngành Hải quan quản lý đều giảm mạnh.
5 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới - Kỳ I: Chủ trương đúng đắn nhưng còn hạn chế trong triển khai