Hội thảo về KTMT tại Hà Nội năm 2014
Các thành viên ASOSAI đã thực hiện hàng nghìn cuộc KTMT
Để đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững, Nhóm công tác về kiểm toán môi trường (WGEA) của INTOSAI đã được thành lập với 12 thành viên vào tháng 10/1992 tại Đại hội lần thứ 14 của INTOSAI. Hiện nay số thành viên của WGEA đã lên đến hơn 70. Trong những năm qua WGEA đã gặt hái được những thành quả nhất định và đóng góp vào công tác bảo vệ môi trường, phát triển bền vững tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiệm vụ chính của WGEA là hỗ trợ các Cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) trong việc thực hiện KTMT; hỗ trợ việc trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm kiểm toán, xây dựng các hướng dẫn, cẩm nang để sử dụng trong KTMT, hỗ trợ các SAI trong việc thực hiện kiểm toán các vấn đề môi trường có tính chất khu vực hoặc trên bình diện quốc tế. Ở tầm khu vực, một trong những tổ chức hoạt động rất tích cực đó là Nhóm công tác về KTMT của ASOSAI - được thành lập tại Đại hội lần thứ 8 của ASOSAI tổ chức tại Thái Lan vào tháng 10/2000 với 31 thành viên. Nhóm công tác về KTMT của ASOSAI đóng góp trực tiếp vào kết quả thăm dò lần thứ 6 thực hiện vào giai đoạn 2009-2010, kết quả chỉ ra rằng có 86/111 (chiếm 78%) SAI trên phạm vi toàn cầu đã triển khai KTMT. Trong vòng 20 năm trở lại đây, các SAI đã thực hiện khoảng 2.000 cuộc KTMT hoặc có chứa đựng yếu tố môi trường, trong đó: 622 cuộc kiểm toán tuân thủ; 383 cuộc kiểm toán tài chính, 640 cuộc kiểm toán hoạt động; và một số cuộc kiểm toán chuyên đề khác. Khi thực hiện KTMT, các SAI đã tuân thủ các Chuẩn mực kiểm toán của INTOSAI để lập kế hoạch, thực hiện kiểm toán và Báo cáo kết quả kiểm toán đối với các vấn đề liên quan đến môi trường.
KTNN Việt Nam từng bướcphát triển KTMT
Nhận thức được tầm quan trọng của KTMT đối với sự phát triển bền vững của đất nước trên các mặt kinh tế - xã hội nói chung và sự cần thiết phải hội nhập với xu thế phát triển nghề nghiệp của cộng đồng các SAI trên thế giới và khu vực nói riêng, KTNN Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Nhóm công tác về KTMT của ASOSAI vào năm 2008.
Để điều phối các hoạt động trong kế hoạch phát triển KTMT, KTNN đã thành lập Nhóm công tác về KTMT với mục tiêu tư vấn, tham mưu cho lãnh đạo KTNN trong việc định hướng và triển khai hoạt động kiểm toán đối với các vấn đề có liên quan đến môi trường. Với bước khởi đầu này, KTNN đã tận dụng một cách có hiệu quả sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế. Bên cạnh việc tiến hành nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực KTMT của một số SAI như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Hà Lan, Ấn Độ… KTNN còn cử nhiều lượt kiểm toán viên tham dự các hội nghị, khóa đào tạo về KTMT tại Ấn Độ, Canada và Trung Quốc nhằm từng bước tiếp cận và tiến hành các cuộc kiểm toán chứa đựng các vấn đề có liên quan đến môi trường. Ngoài ra, KTNN cũng đã tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo chuyên đề về KTMT với sự tham gia của chuyên gia nước ngoài nhằm giúp cho các kiểm toán viên hiểu đúng và đầy đủ hơn về KTMT cũng như những lợi ích mà KTMT đem lại.
Trong giai đoạn 2012-2015, KTNN đã lồng ghép thực hiện được một số cuộc kiểm toán có yếu tố môi trường, nổi bật như: Kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (2012); Kiểm toán vấn đề nước lưu vực sông Mekong (phối hợp thực hiện với SAI Thái Lan, Lào, Myanmar và Campuchia); Kiểm toán "Quỹ bảo vệ môi trường" (2015); Kiểm toán hệ thống xử lý nước thải bệnh viện tuyến Trung ương trên địa bàn TP. Hà Nội (2015); Kiểm toán chương trình giảm nhẹ và thích ứng với sự biến đổi khí hậu (2012-2015)...
Song hành với đó, thời gian qua KTNN đã tích cực chuẩn bị về mặt tổ chức và nhân sự cho KTMT. Cụ thể, tháng 10/2015, Phòng KTMT đã được thành lập trực thuộc Vụ Hợp tác quốc tế, có chức năng tham mưu cho Tổng Kiểm toán Nhà nước việc tham gia hội nhập quốc tế của KTNN về KTMT; xây dựng mục tiêu, chiến lược phát triển, quy trình về KTMT; tổ chức triển khai và áp dụng KTMT trong hoạt động của KTNN. Trong năm 2016, Phòng KTMT thí điểm đưa 3 cuộc kiểm toán vào Kế hoạch kiểm toán năm và đang tiến hành triển khai theo kế hoạch.
Bên cạnh một số kết quả nêu trên, trong thực tế triển khai vẫn còn rất nhiều vấn đề, hạn chế cần khắc phục để KTNN khẳng định vị thế và vai trò của mình đối với việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của Việt Nam. Cụ thể là, hiện nay các chính sách về môi trường của Chính phủ không nhất quán và thiếu cụ thể, chi tiết; KTNN có lịch sử hình thành, phát triển chưa dài nên có những ưu tiên cấp bách hơn là KTMT; hệ thống các hướng dẫn, chuẩn mực và tiêu chí KTMT chưa được xây dựng đồng bộ; đội ngũ nhân sự, kiểm toán viên thực hiện KTMT chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn phù hợp. Trên cơ sở những đánh giá về thực trạng, nhu cầu và thách thức liên quan đến KTMT, hiện nay, KTNN đang xây dựng Chiến lược và lộ trình phát triển KTMT đến năm 2020 nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả của KTMT.
Bài và ảnh: XUÂN BÁCH - Vụ Hợp tác quốc tế