Kế toán - kiểm toán là 1 trong 8 ngành, nghề được dịch chuyển tự do khi AEC hình thành. Hội nhập AEC mang lại những cơ hội phát triển nghề nghiệp, mở rộng dịch vụ, song cũng đặt ra không ít thách thức đối với các DN kiểm toán cũng như đội ngũ kiểm toán viên (KTV) Việt Nam. Trên thực tế, quy mô của các DN kiểm toán Việt Nam còn nhỏ, chưa tổ chức được nhiều hoạt động đào tạo theo hướng hội nhập.
Xây dựng hàng rào kỹ thuật có thể khiến ngành Kế toán - Kiểm toán Việt Nam không thể hội nhập sâu rộng với bên ngoài Ảnh: TK
Đặt trong bối cảnh trên, “Chính phủ có nên xây dựng hàng rào kỹ thuật nhằm đảm bảo giữ vững thị trường kiểm toán Việt Nam, đồng thời giúp đội ngũ KTV trong nước có thời gian chuẩn bị những hành trang cần thiết để hội nhập AEC?” Đây là câu hỏi được Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) Phạm Sỹ Danh đặt ra tại Hội thảo: “Tương lai ngành Kiểm toán” do VACPA và Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) tổ chức mới đây. Theo ông Phạm Sỹ Danh, trong số 150 DN kiểm toán đang hoạt động trên thị trường Việt Nam, phần lớn là các DN nhỏ và vừa với năng lực, kinh nghiệm còn hạn chế. Do đó, Nhà nước phải có biện pháp để giúp những DN này hoạt động tốt hơn, nhất là có điều kiện hội nhập một cách sòng phẳng.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều nước trên thế giới đã tận dụng rào cản về ngôn ngữ để bảo vệ lao động trong nước. Liên hệ với lĩnh vực kế toán - kiểm toán khi hội nhập AEC, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) Đặng Văn Thanh từng đặt vấn đề: Nên chăng Việt Nam cần cân nhắc xây dựng hàng kỹ thuật để bảo vệ đội ngũ KTV và thị trường kiểm toán trong nước trước sức ép cạnh tranh đến từ các KTV và DN kiểm toán nước ngoài? Chẳng hạn, các KTV nước ngoài khi sang Việt Nam làm việc phải đạt trình độ tiếng Việt ở mức độ nhất định, bên cạnh yêu cầu về bằng cấp, chứng chỉ đạt chuẩn khu vực.
Từ góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, bà Lê Thị Tuyết Nhung - Phó Vụ trưởng Vụ chế độ Kế toán và Kiểm toán (Bộ Tài chính) - thừa nhận, kế toán - kiểm toán Việt Nam vẫn đang phải “chống đỡ” khó khăn và nỗ lực phát triển nhằm đáp ứng những yêu cầu của hội nhập khu vực. Ngay ở chương trình thi, cấp Chứng chỉ CPA Việt Nam, các chuyên gia nước ngoài đánh giá nội dung thi còn thiếu phần kỹ năng; chưa quy định rõ người hành nghề trải qua những vị trí việc làm nào trong công ty kiểm toán… Với những hạn chế này, “kiểm toán Việt Nam còn nhiều việc phải làm để đảm bảo hội nhập khu vực” - bà Lê Thị Tuyết Nhung nhận định.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của ông Andrew Gambler - Trưởng bộ phận Kiểm toán ACCA Anh quốc - ông lại chưa thấy điểm bất lợi khi các DN kiểm toán và các KTV nước ngoài gia nhập thị trường lao động Việt Nam. Hội nhập AEC sẽ giúp DN kiểm toán Việt Nam tận dụng những cơ hội thuận lợi để phát triển, mở rộng thị trường kinh doanh, cung cấp dịch vụ sang các nước khác, tăng doanh thu cho DN. AEC cũng tạo điều kiện cho KTV Việt Nam có trình độ chuyên môn cao sang làm việc và học hỏi kinh nghiệm tại các nước trong khu vực. Bởi vậy, Việt Nam không nhất thiết phải xây dựng hàng rào kỹ thuật. Các công ty kiểm toán cũng như các KTV Việt Nam cần tự hoàn thiện mình để hội nhập.
Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (KTNN) Lê Đình Thăng cũng cho rằng, không nên dựng lên hàng rào kỹ thuật đối với KTV nước ngoài vào Việt Nam làm việc. Nếu xây dựng hàng rào kỹ thuật thì kế toán - kiểm toán Việt Nam sẽ luôn ở trong tình trạng phải bảo vệ, dẫn đến không thể hội nhập sâu rộng với bên ngoài. Mở cửa thị trường đòi hỏi các DN kiểm toán và đội ngũ KTV Việt Nam cần nỗ lực khắc phục khó khăn, nắm bắt cơ hội để tiếp cận, thích ứng với môi trường kiểm toán của khu vực.
ĐỨC THÀNH