Phụ tải quốc gia tăng trưởng khoảng 11,4% so với cùng kỳ năm 2023
Theo dự báo, nhu cầu điện cả năm 2024 sẽ tăng khoảng 9%. Tuy nhiên, mấy tháng vừa qua đã tăng 13%, nhu cầu điện miền Bắc lúc cao điểm tăng tới 17% so cùng kỳ.
Báo cáo cập nhật của Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho thấy, tính từ đầu năm đến ngày 19/5, phụ tải quốc gia tăng trưởng khoảng 11,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, miền Bắc tăng 11,5%, miền Trung 9,6%, miền Nam 11,7%.
Ước tính, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn quốc 5 tháng đạt 124,2 tỷ kWh, tăng 12,1% so với cùng kỳ 2023. Điện thương phẩm 5 tháng ước đạt 110,24 tỷ kWh, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Mặc dù tăng trưởng điện vẫn duy trì ở mức cao, tình hình thủy văn không thuận lợi nhưng các nguồn nhiệt điện, đặc biệt là nhiệt điện than khu vực miền Bắc đã được huy động cao để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tăng cao hơn so với dự báo. Kết hợp với giải pháp tăng cường truyền tải điện từ miền Nam, miền Trung ra miền Bắc, tình hình cung ứng điện toàn hệ thống trong các tháng đầu năm 2024 đã được thực hiện tốt, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân cả nước, đặc biệt là các dịp nghỉ lễ, Tết.
5 nhóm giải pháp được triển khai
Trong những tháng còn lại của năm 2024, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 924/QĐ-BCT phê duyệt điều chỉnh Kế hoạch cung ứng điện tháng cao điểm mùa khô, cũng như cho cả năm 2024. Đây là điểm mới trong công tác điều hành cung ứng điện và vận hành hệ thống điện quốc gia, đảm bảo tính linh hoạt, bám sát thực tiễn nhằm chủ động trong mọi tình hình.
Theo tính toán cập nhật, việc cung ứng điện cơ bản sẽ được đảm bảo trong thời gian còn lại của năm 2024. Tuy nhiên, đối với khu vực miền Bắc, do mức dự phòng công suất, điện năng thời điểm cuối mùa khô (cuối tháng 6) thường ở mức thấp nên có nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh tại một số thời điểm nếu xảy ra sự cố nhiều tổ máy phát lớn hoặc nhu cầu phụ tải tăng cao bất thường.
Để đảm bảo việc cung ứng điện ổn định, Bộ Công Thương sễ triển khai hàng loạt những giải pháp cả ngắn và dài hạn. Cụ thể, về ngắn hạn, Bộ Công Thương sẽ tập trung 5 nhóm giải pháp gồm:
Thứ nhất, tập trung đảm bảo đầy đủ nhiên liệu sơ cấp (than, khí) cho sản xuất điện. Đối với công tác này, ngay từ cuối năm 2023 đến nay, Bộ đã tổ chức nhiều cuộc họp cũng như có các văn bản chỉ đạo các Tập đoàn năng lượng như Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Tổng công ty Đông Bắc tăng cường các giải pháp sản xuất, đảm bảo nhiên liệu cho điện. Các nhà máy nhiệt điện cũng chủ động các phương án nhiên liệu cho sản xuất.
Thứ hai, các nhà máy phát điện có kế hoạch bảo dưỡng, duy tu hợp lý, khắc phục kịp thời sự cố các tổ máy để có thể phát tối đa công suất;
Thứ ba, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình trọng điểm (về nguồn và lưới truyền tải); tháo gỡ khó khăn, huy động tối đa các sản lượng năng lượng tái tạo hiện có.
Thứ tư, Bộ sẽ hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế phát triển các nguồn điện mới, huy động hiệu quả các nguồn điện như cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA); cơ chế phát triển điện gió ngoài khơi, điện khí, mua điện từ Lào,…
Thứ năm, đẩy mạnh các chương trình sử dụng điện năng lượng tiết kiệm hiệu quả; chương trình tiết kiệm điện theo Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng.
Về dài hạn, Bộ Công Thương sẽ tập trung triển khai 4 nhóm giải pháp như: Tập trung triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII; khẩn trương sửa đổi, bổ sung ban hành cơ chế, chính sách liên quan tới giá của các loại hình điện năng, tích cực triển khai chỉ đạo của Chính phủ về phát triển thị trường điện cạnh tranh (Luật Điện lực và Quyết định 63/2013/QĐ-TTg ngày 08/11/202013); sửa đổi Luật Điện lực (có chương về năng lượng tái tạo); hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm huy động các nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư phát triển hạ tầng, công nghệ trong lĩnh vực năng lượng nói chung, ngành điện nói riêng.