Cần nhiều nguồn lực, cơ chế đặc thù để phát triển vùng lõi nghèo của cả nước

(BKTO) - Sáng 24/5, tại TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc lần thứ 3.

2(1).jpg
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: CP

Hội nghị đã nghe công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc; Báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội vùng Trung du và miền núi phía Bắc; các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng.

Phát biểu tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương đều khẳng định đã hết sức nỗ lực để thúc đẩy sự phát triển của vùng vốn được xem là nghèo nhất của cả nước. Tuy nhiên, 14 địa phương trong vùng vẫn đang còn phải đối mặt với nhiều nút thắt lớn, nhất là hạ tầng giao thông, chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng công tác cải cách hành chính, tỷ lệ nông thôn mới có địa phương chỉ đạt 30%, trung bình mới đạt 47%, khiến lãnh đạo các tỉnh không khỏi tâm tư, trăn trở.

Các địa phương phản ánh chính sách dù đã được tích cực được sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế cho các địa phương nhưng chưa đồng bộ. Đơn cử, tỉnh Cao Bằng phản ánh chỉ riêng việc giải phóng mặt bằng đã liên quan đến nhiều loại quy định về các loại đất, loại công trình, di tích văn hoá, hay cả công viên địa chất. Bắc Kạn là địa phương nghèo nhất cả nước, thu ngân sách năm 2023 khoảng 700 tỷ, nhưng muốn có mặt bằng phát triển kinh doanh thì phải san núi, khiến chi phí tăng cao trong khi nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu.

Các địa phương trong vùng kiến nghị Trung ương cần có cơ chế đặc thù vượt trội cho các địa phương khó khăn nhất, đặc biệt là cơ chế, chính sách đặc thù phát triển hạ tầng kết nối, cửa khẩu, nguồn nước và rừng…

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang - Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc - ghi nhận và đánh giá cao tâm huyết, trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo và của cả hệ thống chính trị 14 địa phương trong khu vực dù phải đối mặt với nhiều khó khăn như cơ sở hạ tầng, năng lực liên kết vùng còn hạn chế.

"Các đồng chí đã nỗ lực, cố gắng tự xoay xở, tự vượt lên chính mình, kết quả có khác nhau nhưng có một điểm chung là đã khai thác được những lợi thế đặc thù của địa phương mình" - Phó Thủ tướng phát biểu.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Trung ương nhìn nhận vai trò của các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc không chỉ thông qua những chỉ số về thu ngân sách, tốc độ phát triển GRDP… mà còn cả ở khía cạnh giữ rừng, môi trường, nguồn nước cho hạ du, chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số, cho người nghèo, và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, phát triển kinh tế biên mậu, là cửa ngõ giao thương với thế giới.

Là vùng khó khăn nhất cả nước, điển hình như tại Điện Biên có đồn biên phòng phải đi bằng 4 loại phương tiện trong khoảng thời gian hơn 1 ngày mới đến nơi, nên về lý cần nhiều nguồn lực, nhiều thời gian và giải pháp, cơ chế đặc thù nhất, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cho rằng, Quy hoạch vùng được công bố hôm nay đưa ra cách tiếp cận khoa học, bài bản, chỉ ra định hướng, mục tiêu để cùng phát triển bền vững, đưa ra khung khái niệm để tính toán kế hoạch cho từng năm; gắn sự phát triển của mỗi địa phương với sự phát triển chung của cả khu vực. Tuy nhiên, Quy hoạch không phải là cây đũa thần để có thể giải quyết tất cả mọi việc, nên còn nhiều việc phải làm.

Phó Thủ tướng cho biết, sáng 24/5, ông đã ký ban hành Nghị định số 58/2024/NĐ-CP về một số chính sách đầu tư trong nông nghiệp, trong đó quy định mức hỗ trợ bảo vệ rừng, khoán bảo vệ rừng bình quân là 500.000 đồng/ha/năm, tăng 200.000 đồng so với mức hiện hành.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, Nghị định sửa đổi Nghị định 156/NĐ-CP dự kiến sẽ được ban hành trong tháng 6, trong đó có phân cấp việc chuyển mục đích sử dụng rừng cho địa phương.

Chính phủ cũng đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng 1 Nghị định về tín chỉ carbon nhằm tạo nguồn thu cho các địa phương, Phó Thủ tướng cho hay.

Những chính sách mới nêu trên cùng với Luật Đất đai năm 2024 nếu được áp dụng từ ngày 01/7/2024 sẽ giúp các địa phương tháo gỡ được những vướng mắc kéo dài, khơi thông nguồn lực về đất đai để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thường trực của Hội đồng điều phối vùng, tổng hợp các kiến nghị của địa phương, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng đề nghị cần có sự trao đổi, bàn bạc trong đầu tư các dự án kết nối giao thông và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài để mỗi địa phương khai thác được tối đa tiềm năng, lợi thế của mình; chú trọng phát triển những sản phẩm du lịch độc đáo để có thể liên kết theo tuyến.

Phó Thủ tướng cũng mong các địa phương quan tâm, đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông; chủ động ban hành chính sách riêng theo thẩm quyền bởi nguồn lực của Trung ương không thể đáp ứng tất cả mong muốn của các địa phương.

Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương cần quan tâm đến yếu tố biến đổi khí hậu khi đầu tư các công trình, dự án đầu tư; đẩy mạnh chuyển đổi số, nhất là những nội dung thuộc Đề án 06; tính toán kỹ tính khả thi của mỗi đề xuất, kiến nghị./.

Cùng chuyên mục
Cần nhiều nguồn lực, cơ chế đặc thù để phát triển vùng lõi nghèo của cả nước