KG-D6 là một trong những dự án dầu khí lớn nhất thế giới.Ảnh: ST
Trong một số Báo cáo kiểm toán trước đây, CAG đã nhiều lần chỉ trích Bộ Dầu mỏ và Khí đốt Ấn Độ (OGMI) cùng đơn vị tư vấn kỹ thuật của Bộ không thực hiện nghiêm túc công tác kiểm soát và giám sát mỏ KG-D6 dẫn đến tình trạng vi phạm phạm vi khai thác mỏ và phải tiến hành thu hồi chi phí như trên.
OGMI cho biết, trước đó đã yêu cầu RIL ngừng khai thác dầu khí từ gần 6.200 km2 trong tổng diện tích 7.645 km2 diện tích mỏ KG-D6. Tuy nhiên, trái với chỉ thị của Bộ, RIL chỉ ngừng khai thác 5.367 km2 và vẫn tiến hành hút dầu khí từ gần 832 km2 diện tích mỏ.
Theo thông tin từ CAG, tháng 11/2015, Hãng tư vấn các dịch vụ dầu khí DeGolyer & MacNaughton (D&M) của Mỹ sau khi xem xét các hoạt động tại mỏ KG-D6 và các mỏ khí của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Ấn Độ (ONGC) đã chỉ ra rằng, nhiều khối khí đã bị chuyển từ các mỏ thuộc sở hữu của công ty nhà nước đến các mỏ do các công ty tư khai thác. Báo cáo nêu ra dẫn chứng vào ngày 31/3/2015, RIL đã chuyển 44,32% lượng khí đốt tại mỏ Godavari PML và 34,71% tại mỏ KG-Dwn-98/2 của ONGC đến mỏ KG-D6 do RIL đang quản lý.
CAG cho biết: “Nếu OGMI đồng ý với kết luận trong báo cáo của D&M rằng RIL đã khai thác khí trái phép từ các mỏ tiếp giáp với các mỏ do ONGC quản lý và yêu cầu RIL bồi thường cho ONGC, tình hình tài chính của RIL có thể bị ảnh hưởng đáng kể khi phải đền bù khoản kinh phí quá lớn gồm một số khoản chi phí dầu mỏ, lợi nhuận thu được từ việc khai thác dầu, khí đốt, thuế tài nguyên và một số loại thuế khác”.
Tại Ấn Độ, ONGC đang dẫn đầu trong các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí, ngân sách của ONGC đã tăng từ 4,4 tỷ USD trong giai đoạn 2014-2015 lên hơn 5,3 tỷ USD giai đoạn 2015-2016. Trong bối cảnh giá dầu giảm buộc các công ty dầu mỏ khác phải cắt giảm chi phí và xem xét lại các dự án của mình, ONGC vẫn không phải cắt giảm chi tiêu cho hoạt động thăm dò, khai thác.
Hiện nay, nhu cầu về năng lượng ở Ấn Độ đang tăng lên nhanh chóng nhờ các hoạt động kinh tế mạnh mẽ trong nước cũng như mức tăng chi tiêu của tầng lớp trung lưu. Tuy nhiên, công tác quản lý hoạt động khai thác dầu mỏ, khí đốt tại quốc gia này còn tồn tại nhiều bất cập. Theo thỏa thuận phân chia lợi nhuận, các đơn vị khai thác được phép khấu trừ tất cả các chi phí trước khi chia lợi nhuận với Chính phủ. CAG cho hay, các công ty khai thác đã dựa vào điều khoản này để tăng mọi chi phí và trì hoãn việc chia lợi nhuận.
CAG cũng chỉ ra nhiều vấn đề đã được nêu ra trong những Báo cáo kiểm toán trước đây nhưng đến nay vẫn tồn tại và chưa được giải quyết. Sau khi Báo cáo kiểm toán trên được công bố, Chính phủ đã bổ nhiệm một Ủy ban nhằm xem xét kỹ lưỡng báo cáo và đưa ra những hành động kịp thời trong thời gian tới.
THANH XUYÊN
(Theo Profit.ndtv)
RIL là tập đoàn có doanh thu lớn thứ 2 ở Ấn Độ, với mạng lưới hoạt động rộng khắp cả nước, các lĩnh vực chính gồm năng lượng, hóa dầu, dệt may, bán lẻ và viễn thông. RIL đóng góp khoảng 20% tổng giá trị xuất khẩu của Ấn Độ. RIL được xếp hạng thứ 14 trong top 250 tập đoàn năng lượng lớn nhất thế giới (theo Hãng nghiên cứu thị trường năng lượng toàn cầu Platts); xếp hạng thứ 215 trên 500 DN lớn nhất thế giới năm 2016 (theo đánh giá của Tạp chí Fortune, Mỹ). KG-D6 là dự án khí đốt tự nhiên ngoài khơi đầu tiên của RIL. Đây cũng là một trong những dự án lớn nhất và phức tạp nhất thế giới với những giếng dầu sâu tới hơn 1.200m.