Phát hiện nhiều lỗ hổng trong quản lý an toàn mỹ phẩm của Bộ Y tế Canada

(BKTO) - Ủy ban đặc trách về Môi trường và phát triển bền vững liên bang Canada cuối tháng 5 vừa qua đã phát hành bản Báo cáo kiểm toán mùa Xuân. Theo đó, công tác quản lý an toàn mỹ phẩm của Bộ Y tế Canada hiện còn tồn tại nhiều lỗ hổng dẫn tới những hạn chế trong việc phát hiện và đánh giá rủi ro do các chất hóa học độc hại gây ra trong các sản phẩm mỹ phẩm theo Chương trình an toàn sản phẩm tiêu dùng quốc gia.




Bà Julie Gelfand chỉ trích Bộ Y tế Canada đã không làm tròn nhiệm vụ bảo vệ người tiêu dùng (Ảnh: ST)

Trong bản Báo cáo mùa Xuân này, bà Julie Gelfand - người đứng đầu Ủy ban đặc trách về Môi trường và phát triển bền vững liên bang cho rằng, hầu hết các sản phẩm mỹ phẩm không hề được kiểm tra trước khi đưa ra thị trường và nếu có thì cũng rất qua loa; có tới 50% số sản phẩm sau khi được kiểm tra không đạt chuẩn về an toàn chất lượng, có chứa nồng độ chất độc cao gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe, gây rối loạn hệ thần kinh, nội tiết người sử dụng. Bản báo cáo cũng chỉ ra rằng Bộ Y tế Canada thiếu các biện pháp kiểm soát nhằm giải quyết các rủi ro đi kèm với các sản phẩm thương mại điện tử được chuyển thẳng tới người tiêu dùng từ nước ngoài và những rủi ro phát sinh từ hàng giả, hàng kém chất lượng. Hàng triệu người tiêu dùng hiện thiếu thông tin về các thành phần để có thể ra quyết định lựa chọn các sản phẩm làm đẹp cho mình.

Sau phát hiện trên, nhiều thí nghiệm đã được tiến hành và kết quả cho thấy trong các sản phẩm mỹ phẩm có chứa nhiều chất cấm mà nếu người tiêu dùng tiếp xúc với những chất đó trong một thời gian dài có thể gây rối loạn sinh sản, ảnh hưởng tới quá trình phát triển và nhận thức của não, hóa chất cũng gây rối loạn nội tiết, rối loạn hệ thần kinh và hệ miễn dịch, ảnh hưởng đến tính mạng.

Chương trình an toàn sản phẩm tiêu dùng của Chính phủ liên bang Canada nhằm mục tiêu hạn chế đến mức thấp nhấp các hóa chất gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Đồng thời, giảm tối đa những trường hợp rủi ro do hóa chất của các sản phẩm mỹ phẩm mang lại. Chương trình này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ bảo vệ sức khỏe người dân Canada mà còn giúp tạo thương hiệu cho các sản phẩm mỹ phẩm tại quốc gia này. Song sau những phát hiện này, bà Julie Gelfand chỉ trích Bộ Y tế Canada - cơ quan duy nhất bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng Canada, đã không làm tròn nhiệm vụ bảo vệ người dân khỏi tác hại của các chất hóa học có trong mỹ phẩm.

Cơ quan Tổng Kiểm toán Canada (OAG Canada) đã chính thức đưa ra một số khuyến nghị Chính phủ cần tiến hành kiểm tra để xác định mức độ mỹ phẩm có chứa các chất cấm hoặc không an toàn, đề nghị các nhà sản xuất cung cấp danh mục bảo mật các thành phần là bí quyết trong hương liệu để kiểm tra về độ an toàn. OAG Canada cũng cho rằng, Bộ Y tế nước này hoàn toàn có đủ thẩm quyền theo Luật Thuốc và Dược phẩm để yêu cầu thu hồi những mặt hàng mỹ phẩm không đảm bảo an toàn. Chỉ có như vậy sức khỏe của người dân Canada nói riêng và sức khỏe người tiêu dùng trên thế giới nói chung mới thực sự được bảo vệ.

Tiếp nhận bản báo cáo, phát ngôn viên của Bộ Y tế cho biết, Bộ hoàn toàn đồng ý và chấp thuận các khuyến nghị mà OAG Canada đưa ra nhằm giải quyết các lỗ hổng bị phát hiện. Đồng thời cho biết, Bộ sẽ tiếp tục tham gia vào quá trình phối hợp với các quốc gia nhằm đánh giá các rủi ro của thị trường thương mại điện tử, bao gồm cả việc tham gia vào Nhóm công tác về An toàn sản phẩm tiêu dùng của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) nhằm xây dựng các chỉ dẫn giám sát thị trường trực tuyến và thực hiện chiến dịch nâng cao nhận thức người tiêu dùng vào năm 2017.

NGỌC QUỲNH
(TheoNational Observervà Global News)
Cùng chuyên mục
Phát hiện nhiều lỗ hổng trong quản lý an toàn mỹ phẩm của Bộ Y tế Canada