An toàn giao thông đường sắt: Còn nhiều bất cập

(BKTO) - Từ 3 năm nay, việc thực hiện Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 29/6/2014 (Quyết định 994) của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014-2020 đã nhận được sự đồng thuận của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tại nhiều địa phương có tuyến đường sắt đi qua, vấn đề an toàn giao thông vẫn chưa được bảo đảm.



Hiểm họa tiềm ẩn từ các điểm giao cắt

Theo số liệu của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), toàn quốc hiện có 5.564 điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. Trong đó, đường ngang hợp pháp là 1.516 điểm; đường dân sinh, lối đi dân sinh tự mở là 4.048 điểm (chiếm 74%).

Thực hiện Quyết định 994, thời gian qua, VNR đã xóa bỏ được 391 lối đi dân sinh tự mở (tính đến ngày 31/7/2017). Riêng 7 tháng năm 2017, VNR đã xóa 234 lối. Tuy vậy, sự phối hợp với các địa phương trong việc cảnh giới cũng như ngăn chặn lối đi tự mở còn nhiều bất cập. Cụ thể, nhiều địa phương chưa triển khai đầy đủ các nội dung quy chế phối hợp đã ký kết với Bộ Giao thông vận tải (GTVT); biển báo hiệu đường bộ tại các đường ngang chưa được cắm đầy đủ; cự ly lắp đặt biển báo chưa đúng quy định; việc chủ trì giải tỏa, cưỡng chế vi phạm hành lang, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt ở một số địa phương thiếu quyết liệt; các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt chưa được xử lý kịp thời…

Ngay cả trong số 1.516 đường ngang hợp pháp, có đến 86% không đủ tiêu chuẩn quy định của Bộ GTVT như: tầm nhìn hạn chế, độ dốc và góc giao cắt của đường bộ qua đường sắt vượt quá quy định... Đặc biệt, một số địa phương còn rất nhiều đường ngang tại các vị trí đường bộ song song, liền kề đường sắt và ra vào các khu dân cư, khu công nghiệp, trang thiết bị tại nhiều đường ngang có các điểm gác đã lạc hậu, xuống cấp, phòng vệ đường ngang chủ yếu dùng nhân công.

Bất cập trên khiến tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt và nguy cơ tai nạn tăng cao. Trong 7 tháng, cả nước xảy ra 167 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm 79 người chết; trong đó 70% số vụ tai nạn xảy ra tại các điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ mà chủ yếu là tại các lối đi dân sinh tự mở trái phép.

Đóng lối đi dân sinh, nâng cấpđường ngang hợp pháp

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ chỉ ra an toàn giao thông đường sắt ở nhiều nơi chưa được bảo đảm do những hạn chế trong công tác quy hoạch, quản lý và sự thiếu trách nhiệm của chính quyền các cấp nơi có tuyến đường sắt đi qua. Bởi vậy, tới đây, việc xử lý, giải tỏa, bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường sắt phải gắn với trách nhiệm người đứng đầu chính quyền, kiêm Trưởng ban An toàn giao thông địa phương.

Bên cạnh đó, mặc dù nguồn kinh phí được cấp để thực hiện các hạng mục theo Quyết định 994 là 26.358 tỷ đồng nhưng số tiền mới được cấp cho hạng mục nâng cấp, sửa chữa đường ngang là 280 tỷ đồng. Hơn nữa, giai đoạn 2017-2020, ngành Đường sắt cần đến 1.700 tỷ đồng để có thể thực hiện Dự án nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các đường ngang; xây dựng hàng rào cách ly, đường gom để đóng 2.000 lối đi dân sinh và nâng cấp cải tạo 452 đường ngang biển báo thành đường ngang lắp cần chắn tự động.

Để giải quyết khó khăn về nguồn vốn đầu tư, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng đề nghị, trong thời gian tới, bên cạnh nỗ lực của ngành Đường sắt, các địa phương cần tập trung vốn nhằm xử lý dứt điểm hạng mục xây hàng rào, đường gom nhằm cơ bản đóng hoàn toàn các lối đi dân sinh. Các địa phương không nên trông chờ vốn ngân sách mà phải vận dụng linh hoạt từ nguồn địa phương, sự hỗ trợ của các tổ chức tài chính, tổ chức quốc tế cho công trình, dự án an toàn giao thông đường sắt.

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định 994 do VNR tổ chức mới đây, Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định: Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ GTVT đã cho phép sử dụng Quỹ Bảo trì đường bộ để ưu tiên làm gờ giảm tốc tại các đường ngang dân sinh. Đây là một giải pháp tháo gỡ khó khăn về kinh phí đầu tư. Vì vậy, VNR cần phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng cụ thể kế hoạch này để nhanh chóng nâng cấp các đường ngang dân sinh, góp phần đảm bảo an toàn giao thông đường sắt.

LÊ HÒA
Theo Tuần Báo ra ngày 17-8-2017
Cùng chuyên mục
  • Quy hoạch mạng lưới trường sư phạm:  Không thể chậm trễ!
    7 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Đó là ý kiến của GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn (Đại học Quốc gia Hà Nội) khi trao đổi với Báo Kiểm toán về những bất cập trong đào tạo giáo viên hiện nay, cũng như công tác tuyển sinh ngành Giáo dục đang khiến dư luận xôn xao những ngày qua.
  • SEA Games 29: Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2 toàn đoàn
    7 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Ngày 23/8 là một ngày “vàng” củaĐoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 29 khi các vận động viên (VĐV) của chúngta đã giành được tổng cộng 22 huy chương, trong đó có 12 HCV, 8 HCB và 2 HCĐ,trong đó ấn tượng nhất là các môn Thể dục dụng cụ, Điền kinh và Karate. Thànhtích vượt bậc này đã giúp Đoàn Thể thao Việt Nam vươn lên xếp thứ hai trên bảngtổng sắp huy chương.
  • Đoàn Việt Nam giành thêm 8 HCV tại SEA Games 29
    7 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Ngày 22/8,đoàn Thể thao Việt Nam giành thêm 8 HCV khi cả haimôn thế mạnhlà bơi lội và điền kinh cùng thi đấu.
  • SEA Games 29: Đoàn Thể thao Việt Nam vươn lên vị trí thứ 3
    7 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Giành thêm 4 HCV, 2 HCB, 4HCĐ trong ngày 21/8, đoàn Thể thao Việt Nam vươn lên đứng vị trí thứ 3 trên bảngtổng sắp huy chương SEA Games 29 với 8 HCV, 5 HCB và 9 HCĐ. Trong khi đó, độichủ nhà Malaysia vẫn dẫn đầu ở khoảng cách khá xa với 24 HCV, 19 HCB và 15 HCĐ.Singapore ở vị trí thứ 2 với 13 HCV, 13 HCB và 11 HCĐ.
  • SEA Games 29: Đoàn Thể thao Việt Nam giành Huy chương vàng thứ 4
    7 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Trong ngày thi đấu 18/8, các vận động viên của đoàn Thể thaoViệt Nam đã tham gia tranh tài ở ba bộ môn là bắn cung, bóng đá trong nhàfutsal (nam, nữ) và bơi nghệ thuật.
An toàn giao thông đường sắt: Còn nhiều bất cập