Anh: Cần có kế hoạch quản lý rủi ro đối với hoạt động quản lý nợ

(BKTO) - Kiểm toán nhà nước Anh (NAO UK) vừa hoàn thành một cuộc kiểm toán và công bố báo cáo quản lý việc vay nợ của Chính phủ, trong đó đặc biệt nhấn mạnh những khó khăn, thách thức trong công tác quản lý vay nợ.

Quản lý vay nợ ngày càng gặp nhiều khó khăn

Cuộc kiểm toán của NAO UK thực hiện trong phạm vi xem xét cách thức các cơ quan công quyền theo đuổi mục tiêu quản lý nợ của Chính phủ, đặc biệt là cách thức Chính phủ quản lý các rủi ro do vay nợ gây ra. Do đó, cuộc kiểm toán tập trung vào khoản nợ của chính quyền trung ương chứ không bàn về ưu điểm của các mục tiêu chính sách tiền tệ hay mức thuế.

nao-building-panorama-12-dec-2013.jpg
NAO UK lo ngại về hoạt động quản lý nợ công. Ảnh ST

NAO UK cho biết, từ sau năm 2000-2001, chi tiêu của Chính phủ đã vượt quá tổng thu mỗi năm, do đó, Chính phủ phải tiến hành vay nợ. Phương án vay nợ giúp Chính phủ linh hoạt trong việc đưa ra các chính sách và hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt khi tiền thu thuế giảm và chi tiêu tăng. Tuy nhiên, trong các năm Chính phủ vay nợ nhiều hơn trả nợ, dư nợ sẽ dần tăng lên.

Theo báo cáo của NAO, các hành động của Chính phủ nhằm bảo vệ nền kinh tế và sức khỏe cộng đồng để đối phó với các “cú sốc” đã góp phần gia tăng số nợ theo thời gian, dẫn đến việc phải trả lãi cao hơn. Nợ đã tăng lên từ năm 2000 chủ yếu do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2009 khi Chính phủ hỗ trợ cho ngành ngân hàng và ứng phó với đại dịch Covid-19, cùng với đó là tác động kinh tế rộng lớn hơn khi nguồn thu thuế giảm ở mức báo động. Một lý do khác là việc Chính phủ hỗ trợ các hóa đơn năng lượng của các hộ gia đình và doanh nghiệp sau cuộc xung đột Nga - Ukraina.

Tăng nợ nghĩa là tăng các khoản thanh toán lãi vay, cũng như tăng lãi suất. Ước tính, dư nợ của Chính phủ Anh khoảng 2.247 tỷ bảng vào cuối năm 2022, tương ứng 23,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và đây là mức cao nhất kể từ những năm 1960.

Nợ gia tăng sau cuộc khủng hoảng tài chính là một xu hướng tương tự với các nền kinh tế phát triển khác. Khoản vay ròng trong năm tài chính 2020-2021 của Chính phủ đạt 331 tỷ bảng Anh, cao hơn trong tất cả các năm kể từ năm 1955-1956 trở đi, do chi tiêu liên quan đến đại dịch.

Các khoản thanh toán lãi vay của Chính phủ ước tính khoảng 110,6 tỷ bảng vào năm 2022-2023, trong khi năm 2021-2022 là 60,8 tỷ bảng. Chi phí nợ của Chính phủ ngày càng tăng có nhiều hệ lụy. Nếu chi phí nợ tăng, khoản vay có thể cần tăng hơn nữa để chi trả lãi suất cao hơn.

Báo cáo kiểm toán kết luận, việc quản lý vay nợ ngày càng gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn. Cũng như ở các quốc gia khác, đại dịch Covid-19 đã dẫn đến tình trạng nợ gia tăng nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu cao hơn của Chính phủ để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và cả nền kinh tế.

Gần đây, lãi suất đã tăng lên khi các ngân hàng trung ương tìm cách ứng phó với lạm phát, điều này làm tăng chi phí lãi suất cho các khoản vay mới của Chính phủ. Trong bối cảnh này, Chính phủ đã có thể vay với giá trị khoản vay theo kế hoạch thông qua hoạt động của DMO và NS&I. Tuy nhiên, tại thời điểm thực hiện báo cáo này, các khoản thanh toán lãi vay là một trong những khoản lớn nhất trong chi tiêu của Chính phủ.

Môi trường mà DMO và NS&I đại diện cho Chính phủ để vay nợ tiếp tục thay đổi và đặt ra nhiều thách thức đáng kể đối với việc quản lý nợ, bao gồm việc tái cấp vốn cho khoản vay được thực hiện nhằm đối phó với đại dịch.

Khuyến nghị góp phần giải quyết thách thức

DMO và NS&I đều nhận ra những thách thức trên, nhưng một số rủi ro đòi hỏi các cơ quan phải tập trung hơn để giải quyết. Ví dụ, DMO phải đối mặt với rủi ro tỷ lệ an toàn vốn mà cả DMO và Kho bạc cần phải quản lý cẩn thận; NS&I cần tập trung vào các hoạt động, sản phẩm và nhà đầu tư, đồng thời cần phát triển cách thức đa dạng hóa các rủi ro này.

Trên cơ sở các phát hiện kiểm toán, báo cáo đề xuất một số khuyến nghị. NAO cho rằng, HMT cần xem xét cách thức điều chỉnh và mở rộng các biện pháp đánh giá tiến độ so với mục tiêu quản lý nợ, đồng thời nhận biết những thách thức tiềm tàng.

HMT được khuyến nghị cần định kỳ rà soát sự phù hợp của các yếu tố riêng lẻ trong khuôn khổ quản lý nợ và khi phối hợp các yếu tố này với nhau.

Bên cạnh đó, HMT cần phối hợp với OBR để xem xét sửa đổi quy định hoàn trả ngoài các sự kiện tài chính thông thường có thể được OBR đảm bảo nhanh chóng hơn và trọng tâm hơn. Sự đảm bảo này phải tương xứng, có tính đến sự kiện được đánh giá và chi phí cho các cơ quan công trong việc đưa ra các dự báo.

NAO cũng kiến nghị Chính phủ cần có kế hoạch quản lý rủi ro đối với hoạt động quản lý nợ. DMO cần thực hiện kế hoạch giảm thiểu rủi ro của việc mất nhân sự chủ chốt; NS&I cần thực hiện một kế hoạch bồi dưỡng năng lực, kỹ năng nội bộ để quản lý dự án và hợp đồng lớn; HMT cần đánh giá và rà soát các nguồn lực cần thiết để thực hiện kế hoạch này.

Tại Anh, Kho bạc (HMT) chịu trách nhiệm về chính sách tài khóa trong Chính phủ và thực hiện mục tiêu quản lý tổng nợ của Chính phủ. Văn phòng Quản lý nợ (DMO), Quỹ Tiết kiệm và Đầu tư quốc gia (NS&I) là những đơn vị trực thuộc HMT. Văn phòng Trách nhiệm ngân sách (OBR) chịu trách nhiệm dự báo về các nhu cầu vay nợ của Chính phủ. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) thực hiện các trách nhiệm liên quan như thiết lập chính sách tiền tệ độc lập với Chính phủ và xác định, giám sát các rủi ro đe dọa khả năng phục hồi của hệ thống tài chính.

Theo NAO UK và tổng hợp

Theo: NAO UK
Copy Link
Cùng chuyên mục
Anh: Cần có kế hoạch quản lý rủi ro đối với hoạt động quản lý nợ