Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc khai mạc Hội thảo. Ảnh: PHÙNG NGUYÊN
Có hiệu quả nhưng cònbất cập
71 dự án BOT trong giao thông đã và đang được thực hiện; nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thông qua hình thức xã hội hóa lên tới hơn 200 nghìn tỷ đồng. Con số này đã góp phần làm giảm bớt gánh nặng NSNN, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, hành khách, giảm chi phí sửa chữa, khấu hao phương tiện. Các dự án BOT còn tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. “Đây là hình thức hợp tác tối ưu hóa hiệu quả đầu tư và cung cấp dịch vụ công cộng chất lượng cao, mang lại lợi ích cho cả Nhà nước và người dân” - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV Ngô Văn Quý nhấn mạnh.
Ông Lê Đình Thăng – Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán: “Hiện nay, tất cả các dự án BOT đều được lựa chọn nhà thầu. Việc này xét về mặt pháp luật không sai nhưng trên khía cạnh minh bạch thì cần xem xét để người dân đồng tình. Mặt khác, cơ quan nhà nước và nhà đầu tư cũng chưa tôn trọng nguyên tắc thị trường trong việc thực hiện các dự án BOT. Khi lựa chọn đầu tư, nhà đầu tư cũng phải chấp nhận rủi ro bởi với quy định hiện hành thì nhà đầu tư không bao giờ bị lỗ. Cùng với đó, Nhà nước đứng ra ký hợp đồng BOT thì thực chất Nhà nước là người đại diện cho nhân dân để ký hợp đồng chứ không phải đứng về phía nhà đầu tư BOT. Đây là nguyên tắc không thể bỏ qua. Thời gian thu phí phụ thuộc vào tổng mức đầu tư, lưu lượng xe đi trên đường cũng như tốc độ phát triển kinh tế từng năm của mỗi quốc gia; đòi hỏi công tác dự báo của Nhà nước phải có độ chính xác tương đối. Khi chúng ta kiểm soát được tổng mức đầu tư, lưu lượng xe theo mức dự báo và mức phí thì sẽ tính được thời gian hoàn vốn. Nếu mức phí cao thì thời gian hoàn vốn ngắn và ngược lại. Nhà nước và nhà đầu tư phải thỏa thuận sao cho mức thu phí đảm bảo mức chi trả của người dân”. |
Đáng lưu ý, cơ chế quản lý dự án BOT còn lộ rõ nhiều khoảng trống pháp lý, làm hạn chế hiệu quả đầu tư, như chưa có quy định hướng dẫn thống nhất phương pháp điều tra thống kê số liệu phương tiện lưu thông để lập phương án tài chính ban đầu; khung quy định lợi nhuận đối với nhà đầu tư cũng chưa có, dẫn đến sự tùy tiện trong cam kết lợi nhuận giữa các bên liên quan; các cơ quan có thẩm quyền chưa xây dựng được cơ chế kiểm soát lưu lượng phương tiện qua trạm thu phí, doanh thu thu phí. Hơn nữa, quy định trường hợp đặt khoảng cách giữa 2 trạm thu phí dưới 70km thì nhà đầu tư phải thống nhất với UBND cấp tỉnh và trình Bộ Tài chính quyết định đã dẫn đến việc bố trí khoảng cách giữa các trạm thu phí ở một vài dự án không đảm bảo tối thiểu 70km, gây bức xúc cho người dân. Bởi vậy, KTNN kiến nghị bỏ ngay cơ chế “mềm” này bởi đây chính là kẽ hở, tạo điều kiện cho mật độ trạm thu phí ngày càng dày đặc.
Theo ông Lưu Trường Kháng - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành V: Nhiều nhà đầu tư không đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án theo quy định nhưng vẫn được trao hợp đồng thực hiện dự án. Công tác thẩm định và phê duyệt thiết kế, dự toán còn nhiều sai sót. Hầu hết các dự án BOT được kiểm toán đều phải điều chỉnh giảm thời gian thu phí hoàn vốn, mức thu phí lưu thông cao, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và DN.
Kiểm toán để nâng caohiệu quả quản lý dự án BOT
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đánh giá cao những phát hiện và kiến nghị trên của KTNN. Từ đó, đa số ý kiến đều ủng hộ KTNN thực hiện kiểm toán các dự án BOT và coi đây là giải pháp hữu hiệu, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý các dự án BOT, tạo niềm tin cho nhân dân.
Ông Lưu Trường Kháng nêu quan điểm: Yêu cầu đảm bảo tính minh bạch trong tổ chức thực hiện dự án BOT và hoàn thành mục tiêu của Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 đòi hỏi KTNN phải thực hiện kiểm toán, cung cấp cho các nhà quản lý, các bên liên quan những thông tin minh bạch, rõ ràng trong quá trình thực hiện dự án BOT, hạn chế việc thất thoát, lãng phí tài sản công và đảm bảo hài hòa lợi ích các bên.
Quan điểm trên nhận được sự đồng tình của các chuyên gia. TS. Lê Xuân Trường - Học viện Tài chính, phân tích: Bản chất của các dự án BOT là Nhà nước ký hợp đồng với nhà đầu tư để nhà đầu tư tư nhân bỏ vốn xây dựng công trình của Nhà nước. Với tư cách là tài sản của Nhà nước thì công trình đầu tư xây dựng theo hình thức BOT phải chịu sự kiểm tra của KTNN. Ngoài ra, việc kiểm tra quyết toán công trình BOT cũng liên quan trực tiếp đến lợi ích của Nhà nước. Do đó, công trình đầu tư theo hình thức BOT cần có sự vào cuộc của KTNN. Còn Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Văn Hoan nhận định: Phần lớn các nhà đầu tư đi vay ngân hàng để thực hiện dự án BOT. Nếu đầu tư không đảm bảo an toàn tài chính và để xảy ra nợ xấu thì “túi tiền” ngân sách sẽ bị ảnh hưởng. Hơn nữa, dự án BOT nằm trên đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân. Do đó, Nhà nước vẫn phải quản lý và KTNN chính là cơ quan giúp Nhà nước thực hiện trách nhiệm này.
Để nâng cao hiệu quả kiểm toán đối với các dự án BOT, một loạt câu hỏi đã được TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đặt ra. Đó là, khi thực hiện kiểm toán, KTNN phải xem xét xem dự án có nằm trong quy hoạch phát triển giao thông và quy hoạch đó có cân đối với nguồn lực đầu tư không? Việc lập báo cáo khả thi, tiền khả thi, triển khai đấu thầu có phù hợp với các văn bản pháp luật? Ngoài ra, KTNN cần lưu ý tới việc tuân thủ pháp luật, trình tự xây dựng, định mức dự toán và thanh quyết toán.
Cùng quan điểm trên, TS.Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), gợi mở: Trong quá trình kiểm toán, KTNN cần chú trọng khâu lập, thẩm định dự toán, quyết toán công trình. Trách nhiệm của KTNN là phải tham gia vào quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định pháp luật của nhà đầu tư. Từ đó, KTNN có những kiến nghị, tư vấn xác đáng cho cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Văn Hoan, một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán các dự án BOT là KTNN cần tăng cường kiểm toán hoạt động đối với loại hình dự án này.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên nhấn mạnh: KTNN sẽ nghiên cứu, tiếp thu tối đa những đề xuất trên để đổi mới, sáng tạo, khoa học hơn khi kiểm toán các dự án BOT, qua đó phát huy tốt vai trò là cơ quan kiểm tra tài chính công có uy tín và trách nhiệm, đảm bảo hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương trong quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh: “Tôi đánh giá cao kết quả kiểm toán các dự án BOT của KTNN. KTNN cần phát huy hơn nữa trách nhiệm và nghĩa vụ trong kiểm toán các dự án BOT và các hình thức đầu tư khác. Khi kiểm toán các dự án BOT, KTNN cần lưu ý tới định mức kinh tế kỹ thuật. Đây là căn cứ để KTNN xem xét tổng mức đầu tư, dự toán, quyết toán, thời gian thu phí, mức thu phí, nơi đặt trạm thu phí. Vừa qua, KTNN công bố kết quả kiểm toán một số dự án BOT và đưa ra nhiều kiến nghị xác đáng; trong đó có kiến nghị bỏ cơ chế “mềm” về khoảng cách giữa các trạm thu phí, giảm thời gian thu phí đối với các dự án BOT. Ở góc độ của người dân, tôi cho rằng tới đây khi kiểm toán dự án BOT, KTNN cần kiến nghị cả mức thu phí. KTNN có đầy đủ trách nhiệm, nghiệp vụ, trình độ để phát hiện ra mặt trái của việc quản lý, đầu tư các dự án BOT. Hoạt động kiểm toán không chỉ đáp ứng yêu cầu tăng cường tính công khai, minh bạch trong thực hiện các dự án BOT mà còn khẳng định vị thế, trách nhiệm cũng như tính độc lập, khách quan của KTNN”. |