ASOSAI là 1 trong 7 nhóm làm việc khu vực thuộc Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI). Thành lập năm 1979, đến nay, ASOSAI có 46 thành viên là các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) của 46 quốc gia châu Á, hoạt động vì mục tiêu thúc đẩy sự hiểu biết và hợp tác thông qua việc trao đổi các ý tưởng và kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán công, từ đó nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các thành viên.
Là nhóm làm việc sôi động nhất của INTOSAI, ASOSAI giữ vai trò kết nối thông tin giữa INTOSAI và các SAI thành viên, đại diện cho tiếng nói của các thành viên tại các diễn đàn chung toàn cầu. Sau gần 40 năm hoạt động, ASOSAI được nhận định có những đóng góp thiết thực cho sự phát triển của nền kinh tế nói chung và công tác quản trị công của các nước châu Á nói riêng.
Cuộc họp của IDI-ASOSAI vào tháng 12/2015 tại Jakarta, Indonesia
Thứ nhất, hoạt động kiểm toán của các SAI thành viên ASOSAI đóng vai trò quan trọng trong việc phục vụ nhiệm vụ giám sát công tác quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, góp phần tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình các quan hệ kinh tế, tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản công của các quốc gia trong khu vực.
Từ trước tới nay, hoạt động chuyên môn của các thành viên ASOSAI đều gắn với trách nhiệm hỗ trợ công việc quản lý và phục vụ quản lý nhà nước. Kiểm toán là một công cụ quản lý gắn với hoạt động kinh tế của con người. Thông qua hoạt động kiểm toán, cơ quan kiểm toán xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các thông tin kinh tế; kết quả kiểm toán được lập thành báo cáo và công bố công khai theo quy định của pháp luật đã góp phần làm cho các thông tin về kinh tế, tài chính được kiểm toán đáp ứng yêu cầu trung thực, khách quan, xác nhận độ tin cậy của báo cáo tài chính, làm căn cứ để Nhà nước đưa ra các chính sách và công cụ quản lý tài chính, kinh tế và xã hội phù hợp, đồng thời giúp đối tượng sử dụng thông tin có các quyết định đúng đắn, từ đó góp phần làm minh bạch và nâng cao hiệu quả, hiệu lực nền tài chính của mỗi quốc gia nói riêng và nền kinh tế châu Á nói chung.
Thứ hai, Kế hoạch chiến lược của ASOSAI qua từng giai đoạn đều tập trung xác lập tầm nhìn, các mục tiêu chiến lược và tìm kiếm giải pháp hữu hiệu để giải quyết các vấn đề, thách thức mang tính khu vực như: khủng hoảng kinh tế và tài chính, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, sự phát triển của công nghệ, chuyển giá..., từ đó đóng góp vào sự phát triển và ổn định nền kinh tế của mỗi quốc gia thành viên và khu vực châu Á. Thông qua các sáng kiến về phát triển năng lực, tạo diễn đàn chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về kiểm toán công về các vấn đề khu vực quan tâm, ASOSAI đã thể hiện tốt vai trò thông tin (kiến thức và kinh nghiệm) kết nối hoạt động của các thành viên Tổ chức trong các lĩnh vực chuyên môn, từ đó nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các SAI thành viên. Trong vài thập kỷ qua, ASOSAI đã tổ chức hơn 200 hội thảo, hội nghị chuyên đề thảo luận các phương pháp, chủ đề kiểm toán, các phương pháp tiếp cận mới đối với hoạt động kiểm toán, chủ trì các cuộc kiểm toán hợp tác giữa các SAI trong phạm vi khu vực và thế giới.
Hoạt động của ASOSAI góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững các nền kinh tế châu Á - Ảnh: Huy Thành
Thứ ba, ASOSAI đóng góp tích cực vào công cuộc phòng, chống gian lận, tham nhũng cũng như ngăn ngừa hoạt động rửa tiền quốc tế trong khu vực và toàn cầu. Hoạt động kiểm toán của mỗi SAI thành viên được ghi nhận là công cụ hữu ích phục vụ cho việc minh bạch về tài chính thông qua công khai kết quả kiểm toán quản lý và sử dụng công quỹ, tài sản công của các tổ chức, các cấp ngân sách, phát hiện những hiện tượng, những dấu hiệu tham ô, lãng phí, không tuân thủ pháp luật trong quản lý kinh tế, tài chính, sử dụng kém hiệu quả các nguồn lực tài chính nhà nước và tài sản công.
Với nhiệm vụ giúp tăng cường minh bạch nền kinh tế của mỗi quốc gia, ASOSAI đã xây dựng các tài liệu, hướng dẫn kiểm toán về các chủ đề liên quan như: “Hướng dẫn của ASOSAI về xử lý gian lận”, Hội thảo về “Đấu tranh phòng, chống gian lận và tham nhũng”, “Đề án Nghiên cứu thứ 10 về Phòng, chống tham nhũng và nạn rửa tiền”… Đây là những ví dụ tiêu biểu của ASOSAI trong công cuộc đấu tranh phòng, chống gian lận và tham nhũng, hướng tới minh bạch hóa nền tài chính khu vực.
Thứ tư, ASOSAI nắm bắt xu thế và “nhắc nhở” nền kinh tế châu Á đang trên đà phát triển về yếu tố bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Với tiềm năng phát triển rất lớn, nền kinh tế châu Á được ví von là “đầu tàu” của nền kinh tế thế giới. Các ngành công nghiệp, dịch vụ liên tục được đầu tư và đổi mới đôi khi khiến yếu tố môi trường - phát triển bền vững bị quên lãng. ASOSAI đã, đang và sẽ tiếp tục có những nỗ lực toàn diện để góp phần khắc phục, cải thiện yếu tố môi trường khu vực nhằm khuyến nghị các quốc gia châu Á phát triển nhanh và bền vững. Nhóm công tác về Kiểm toán môi trường của ASOSAI, các hướng dẫn của ASOSAI về kiểm toán môi trường, hội thảo chuyên đề tập trung thảo luận các khía cạnh kiểm toán môi trường… và tới đây, Hội nghị chuyên đề lần thứ 7 trong khuôn khổ Đại hội ASOSAI 14 tại Việt Nam từ ngày 19 - 22/9/2018 với chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” là những nỗ lực nổi bật của ASOSAI trong việc thúc đẩy yếu tố bền vững của nền kinh tế khu vực và mỗi quốc gia.
Với hơn 20 năm là thành viên của ASOSAI, có thể khẳng định, KTNN đã thành công trong việc xây dựng được uy tín và sự tin tưởng của cộng đồng về hình ảnh của một cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực kiểm tra tài chính công do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; thực hiện chức năng kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động đối với các cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước. Với địa vị pháp lý của KTNN và Tổng Kiểm toán Nhà nước đã được hiến định, KTNN đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng nền tài chính quốc gia minh bạch, phát triển bền vững. Kết quả kiểm toán của của KTNN được sử dụng trong quản lý, điều hành, giám sát, phê chuẩn, quyết định những vấn đề quan trọng trong quản lý tài chính công, tài sản công và hoàn thiện chính sách pháp luật nhà nước. Như vậy, sự hợp tác chặt chẽ giữa KTNN và ASOSAI không chỉ củng cố vị trí của KTNN trong Tổ chức mà còn là cơ hội để KTNN cùng với các SAI thành viên bằng những kết quả kiểm toán, đóng góp tích cực hơn cho sự phát triển kinh tế bền vững của mỗi quốc gia nói riêng và khu vực châu Á nói chung.
Vụ Hợp tác quốc tế, KTNN
Theo Báo Kiểm toán số Đặc biệt ra ngày 13-9-2018