Hội nhập quốc tế - Thực trạng và yêu cầu đặt ra đối với các lĩnh vực kiểm toán mới

(BKTO) - Quá trình hội nhập và phát triển của nền kinh tế, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và các vấn đề về môi trường toàn cầu đang đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi mỗi quốc gia cần có sự chủ động để tiếp nhận và thích ứng. Với nhận thức trên, KTNN Việt Nam đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, trong đó, giải pháp then chốt là phát triển các loại hình kiểm toán mới như: kiểm toán công nghệ thông tin (CNTT), kiểm toán môi trường (KTMT) và kiểm toán hoạt động (KTHĐ) nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.



Vận dụng kinh nghiệmquốc tế trong kiểm toáncông nghệ thông tin

Nhận thức được vai trò của CNTT trong hoạt động kiểm toán, đặc biệt là việc sử dụng CNTT để nâng cao hiệu quả công việc kiểm toán, trong thời gian qua, KTNN đang triển khai xây dựng Chiến lược và Khung kiến trúc CNTT đến năm 2030; xây dựng, đưa vào sử dụng một số phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán. Việc làm này không chỉ giúp kiểm toán viên (KTV) có công cụ tương thích với hệ thống CNTT của đơn vị kiểm toán mà còn góp phần tăng cường tính chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động kiểm toán. Đây là tiền đề để KTNN tiếp tục phát huy, xây dựng và ứng dụng các phần mềm, công cụ hỗ trợ kiểm toán trong hoạt động kiểm toán thời gian tới.

Căn cứ vào định hướng của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) về phát triển kiểm toán CNTT, thời gian qua, KTNN đã thực hiện lồng ghép kiểm toán CNTT vào một số cuộc kiểm toán đối với các đơn vị, lĩnh vực sử dụng CNTT trong quản lý, điều hành nhằm hỗ trợ đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ, việc tuân thủ các quy định trong quản lý, vận hành hệ thống CNTT và đánh giá rủi ro có sai phạm trọng yếu phát sinh từ hệ thống CNTT... Việc ứng dụng các kỹ thuật kiểm toán trong môi trường CNTT đã hỗ trợ các KTV trong việc theo dõi các nguồn kinh phí; tổng hợp số liệu, phát hiện các hành vi và báo cáo những thông tin thiếu trung thực về quản lý đất đai, lập sổ bộ thu thuế đất phi nông nghiệp… Hoạt động này cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện, phổ biến tới từng KTV, giúp KTV thực hiện các cuộc kiểm toán trong môi trường CNTT đạt chất lượng và hiệu quả.

Nhiều kiểm toán viên nhà nước tích cực nghiên cứu việc ứng dụng các phần mềm trong hoạt động kiểm toán - Ảnh: TL

Bên cạnh đó, KTNN cũng thí điểm tổ chức cuộc kiểm toán độc lập về “Hệ thống CNTT liên quan đến lập báo cáo tài chính tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam”; kiểm toán Chuyên đề Hệ thống CNTT liên quan đến công tác quản lý thu ngân sách tại Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính)… và đã chỉ ra một số hạn chế, bất cập trong quản trị CNTT. Mô hình kiểm toán hệ thống CNTT mặc dù còn mới nhưng hứa hẹn là lĩnh vực mà KTNN cần tập trung nghiên cứu, thực hiện trong thời gian tới khi công nghệ 4.0 được ứng dụng trong thực tiễn và môi trường CNTT trở nên phổ biến tại các đơn vị được kiểm toán.

Ngoài ra, hằng năm, KTNN đã lựa chọn kiểm toán các dự án CNTT có quy mô lớn để tổ chức thành các cuộc kiểm toán độc lập hoặc lựa chọn kiểm toán chi tiết đối với các dự án CNTT, nguồn kinh phí mua sắm trang thiết bị, phần mềm CNTT trong các cuộc kiểm toán tài chính, kiểm toán chuyên đề, kiểm toán tuân thủ. Hoạt động này cơ bản được thực hiện theo các quy trình, quy định của KTNN, trong đó, các KTV có vận dụng kinh nghiệm và kiến thức chuyên ngành để xem xét đến các yếu tố đặc thù về CNTT thuộc dự án.

Thực hiện thí điểm và tăng cường hợp tác về kiểm toán môi trường

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã và đang thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển, hội nhập mạnh mẽ với nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức về ô nhiễm môi trường, suy giảm sinh học và biến đổi khí hậu. Trước những thách thức đó, KTNN đã xác định trách nhiệm, vai trò của cơ quan KTNN trong việc bảo vệ môi trường nói riêng và thúc đẩy phát triển bền vững nói chung.

Thực hiện vai trò, trách nhiệm trên, năm 2008, sau khi trở thành thành viên Nhóm công tác về KTMT của Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI), KTNN Việt Nam đã nghiên cứu, thiết lập bộ máy và triển khai thí điểm các cuộc KTMT. Qua kiểm toán, KTNN bước đầu phát hiện và kiến nghị một số bất cập trong quản lý của cơ quan nhà nước đối với các hoạt động tiềm ẩn rủi ro, tác động xấu tới môi trường. Đây là tiền đề cho KTNN đúc kết kinh nghiệm, nhận rõ ưu điểm, hạn chế của các phương pháp KTMT hiện nay để có giải pháp hoàn thiện và tổ chức hiệu quả hoạt động kiểm toán lĩnh vực này; đồng thời sớm xây dựng Sổ tay hướng dẫn KTMT đối với KTV.

Cùng với việc triển khai thí điểm các cuộc KTMT, KTNN đã thực hiện đánh giá tác động môi trường trong hoạt động kiểm toán tuân thủ, kiểm toán tài chính theo hướng dẫn của ISSAI (Chuẩn mực kiểm toán của các cơ quan kiểm toán tối cao do INTOSAI ban hành), đặc biệt là các cuộc kiểm toán Chuyên đề: Chương trình mục tiêu quốc gia về Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn; Chương trình Giảm nhẹ và Thích ứng với biến đổi khí hậu; kiểm toán Dự án Chuyển hóa Carbon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam… Việc đánh giá tác động môi trường trong kiểm toán tuân thủ và kiểm toán tài chính đã góp phần hỗ trợ KTV đạt được các mục tiêu kiểm toán. Đây cũng là cơ sở để KTV đưa ra các kết luận, kiến nghị, giải pháp về các vấn đề môi trường nói riêng và phát triển bền vững nói chung, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, mở rộng lồng ghép đánh giá tác động môi trường trong các cuộc kiểm toán thời gian tới.

Nhận thức rõ KTMT là một lĩnh vực mới, có liên quan đến nhiều quốc gia trong khu vực và trên toàn thế giới, KTNN đã tăng cường hợp tác quốc tế về lĩnh vực kiểm toán này để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm; phối hợp thực hiện các mục tiêu kiểm toán chung với một số SAI và tham gia hội thảo về KTMT. Đặc biệt, KTNN đã đề xuất chủ đề “KTMT vì sự phát triển bền vững” cho Đại hội ASOSAI 14 và được cộng đồng ASOSAI chấp thuận. Đây cũng là cơ hội để KTNN tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực KTMT, đồng thời thể hiện nỗ lực và đóng góp thiết thực cho công cuộc theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững nói chung và giải quyết thách thức về môi trường toàn cầu nói riêng của thế giới.

Đẩy mạnh kiểm toán hoạt động để góp phần đa dạng hóa các loại hình kiểm toán

Thực hiện đa dạng hóa các loại hình kiểm toán theo quy định của Luật KTNN và mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, KTNN đã tổ chức nghiên cứu, ban hành chuẩn mực, quy trình KTHĐ; thiết lập bộ máy để triển khai áp dụng loại hình kiểm toán này trong thực tiễn.

Nhiều năm gần đây, KTNN đã thực hiện lồng ghép nội dung KTHĐ trong các cuộc kiểm toán tài chính, đặc biệt là kiểm toán quyết toán ngân sách Bộ, ngành và địa phương. Mặc dù hiệu quả của việc lồng ghép KTHĐ trong các cuộc kiểm toán quyết toán NSNN chưa thực sự rõ ràng và khó tách biệt nhưng các đánh giá tại một số báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách địa phương, Bộ, ngành đã góp phần giúp các đơn vị được kiểm toán chấn chỉnh công tác quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả sử dụng NSNN, tăng cường chất lượng quản lý tài sản công. Do đó, KTNN cần tiếp tục nghiên cứu để triển khai hiệu quả việc lồng ghép KTHĐ trong các cuộc kiểm toán tài chính nói chung và kiểm toán ngân sách địa phương, Bộ, ngành nói riêng.

Mặt khác, KTNN cũng đã đẩy mạnh kiểm toán chuyên đề, trong đó chủ yếu tập trung và nhấn mạnh vào nội dung KTHĐ nhằm đánh giá sâu, toàn diện về một chủ đề hoặc nội dung được Đảng, Nhà nước và dư luận xã hội quan tâm. Qua đó, KTNN đã kịp thời kiến nghị Đảng, Quốc hội và Chính phủ sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ nhiều cơ chế, chính sách và văn bản pháp luật không phù hợp hoặc tiềm ẩn rủi ro, thất thoát tài chính công, tài sản công. Với kết quả đã đạt được, việc kiểm toán chuyên đề mà trọng tâm là nội dung KTHĐ cần được đẩy mạnh nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động của KTNN nói chung và công tác đánh giá hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công nói riêng.

Cùng với đó, triển khai áp dụng ISSAI 300 và 3000, hằng năm, KTNN luôn ưu tiên lựa chọn các chương trình mục tiêu, dự án, chủ đề được dư luận xã hội quan tâm hoặc có rủi ro cao về tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực để tổ chức các cuộc KTHĐ độc lập theo đúng quy trình và chuẩn mực kiểm toán quốc tế. Đến nay, số lượng các cuộc KTHĐ độc lập chiếm khoảng 10 - 15% số lượng các cuộc kiểm toán do KTNN thực hiện và có xu hướng tăng dần qua từng năm. Kết quả kiểm toán bước đầu cho thấy, KTHĐ sẽ là xu hướng phát triển tất yếu của KTNN nhằm đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước đối với việc nâng cao tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Tuy nhiên, để áp dụng rộng rãi loại hình kiểm toán này, KTNN cần tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy công chức, tăng cường đào tạo kỹ năng, phương pháp cho KTV để vận dụng trong thực tiễn kiểm toán nói chung và các cuộc KTHĐ độc lập nói riêng.

Như vậy, bằng nỗ lực hợp tác, phát triển, tinh thần học hỏi, chia sẻ với cộng đồng các cơ quan kiểm toán tối cao khu vực và thế giới, KTNN Việt Nam đang từng bước phát triển các loại hình kiểm toán mới nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập, khẳng định vai trò, địa vị pháp lý và thể hiện trách nhiệm, đóng góp của mình với cộng đồng quốc tế vì mục tiêu minh bạch tài chính và phát triển bền vững.
TRẦN KHÁNH HÒA
Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, KTNN

Theo Báo Kiểm toán số Đặc biệt ra ngày 13-9-2018
Cùng chuyên mục
  • Hoạt động đối ngoại - Lĩnh vực quan trọng trong quá trình phát triển của KTNN
    6 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Đảng và Nhà nước luôn nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động, tích cực hội nhập để Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Nhằm góp phần thực hiện thành công đường lối đối ngoại của Đảng và Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, trong những năm qua, KTNN đã kiên trì theo đuổi mục tiêu đa dạng hóa, đa phương hóa hoạt động đối ngoại, từng bước khẳng định vị thế, uy tín và trách nhiệm trong quá trình thiết lập quan hệ hợp tác với hầu hết các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) có bề dày lịch sử và kinh nghiệm, các tổ chức nghề nghiệp quốc tế uy tín...
  • Công tác chuẩn bị đã sẵn sàng để Đại hội ASOSAI 14 thành công tốt đẹp
    6 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Đại hội Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 (Đại hội ASOSAI 14) sẽ chính thức diễn ra từ ngày 19 - 22/9, tại Hà Nội. Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị đều đã được hoàn tất, sẵn sàng cho Lễ Khai mạc Đại hội. Đó là khẳng định của Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc - Trưởng Ban Tổ chức Đại hội - với Báo Kiểm toán trước thềm khai mạc sự kiện trọng đại này.
  • Đại hội ASOSAI 14:  Tầm nhìn chiến lược và cơ hội mới để  Kiểm toán Nhà nước Việt Nam hợp tác, phát triển
    6 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Hội nhập quốc tế là một chủ trương đúng đắn, nhất quán và là định hướng chiến lược lớn của Đảng ta. Chủ trương ấy đã được thể hiện xuyên suốt qua các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc. Gần đây nhất, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Ban Chấp hành T.Ư Đảng đã xác định: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế là “thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”.
  • Rà soát công tác chuẩn bị trước Đại hội ASOSAI 14
    6 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Chiều 15/9, tại trụ sở KTNN, cuộc họp của Ban Tổ chức Đại hội Tổ chức các Cơ quan kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 (Đại hội ASOSAI 14) đã diễn ra dưới sự chủ trì của Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc – Trưởng Ban Tổ chức.
  • Nâng cao vai trò của KTNN trong kiểm toán các dự án đầu tư
    6 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Đầu tư xây dựng cơ bản là lĩnh vực quan trọng, giữ vai trò trọng yếu trong việc xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hàng năm, ngân sách Nhà nước (NSNN) dành một tỷ lệ lớn chi cho đầu tư xây dựng cơ bản. oạt động đầu tư xây dựng cơ bản thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo được một hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng, khá hiện đại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, hoạt động đầu tư xây dựng vẫn có nhiều bất cập, hạn chế.
Hội nhập quốc tế - Thực trạng và yêu cầu đặt ra đối với các lĩnh vực kiểm toán mới