Đồng chí Hồ Đức Phớc |
- Kể từ khi là thành viên của ASOSAI vào tháng 01/1997 cho đến nay, lần đầu tiên, KTNN Việt Nam trở thành SAI chủ nhà của Đại hội ASOSAI. Đây là sự kiện chính trị - ngoại giao có ý nghĩa hết sức quan trọng, minh chứng cho sự trưởng thành và phát triển của KTNN, khẳng định vị trí và vai trò của KTNN trong khu vực và trên thế giới khi trở thành Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 và là thành viên Ban Điều hành ASOSAI trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp, từ năm 2015 đến năm 2024. Đây là cơ hội để KTNN hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện về mọi mặt, nâng cao năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ, chất lượng hoạt động kiểm toán, góp phần hoàn thành các mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020. Việc đăng cai Đại hội ASOSAI 14 còn là dịp để nâng cao vị thế, hình ảnh, uy tín của KTNN và đất nước Việt Nam trên trường quốc tế...
Từ khi chính thức được lựa chọn là SAI chủ nhà của Đại hội ASOSAI 14 năm 2018, KTNN Việt Nam đã tập trung triển khai công tác chuẩn bị đồng bộ trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể, KTNN đã xây dựng và trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 345/NQ-UBTVQH14 ngày 25/01/2017 về Đề án Tổng thể chuẩn bị và tổ chức Đại hội ASOSAI 14. Trên cơ sở đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 346/NQ-UBTVQH14 thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức Đại hội ASOSAI 14 do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm Trưởng ban và thành viên là đại diện 12 Bộ, ngành, địa phương. Ban Chỉ đạo Đại hội đã thành lập Ban Tổ chức Đại hội do Tổng Kiểm toán Nhà nước làm Trưởng ban. Ban Tổ chức cũng đã thành lập 5 tiểu ban giúp việc và 1 Tổ Thư ký để tổ chức triển khai công tác chuẩn bị cho Đại hội.
Để đảm bảo cho việc chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội ASOSAI 14, Ban Tổ chức Đại hội đã ban hành Kế hoạch tổng thể chuẩn bị và tổ chức Đại hội, trong đó xác định rõ các nội dung công việc, hoạt động cần hoàn thành theo thứ tự thời gian, nhằm theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các công việc chính liên quan đến từng tiểu ban và các đơn vị.
Xác định tổ chức thành công Đại hội ASOSAI 14 là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của toàn Ngành trong năm 2018, ngay từ đầu năm, Đảng ủy KTNN đã ban hành Chỉ thị số 468-CT/BTV, trong đó yêu cầu toàn Ngành triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 345/NQ-UBTVQH14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chú trọng toàn diện về công tác hậu cần, bảo đảm an ninh, cơ sở vật chất, nội dung, tuyên truyền trước, trong và sau Đại hội… Đồng thời, trong các Hội nghị giao ban hằng tháng, lãnh đạo KTNN cũng thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc toàn Ngành tích cực chuẩn bị cho việc tổ chức Đại hội.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc chỉ đạo các nội dung liên quan đến công tác tổ chức Lễ Khai mạc Đại hội - Ảnh: Thanh Tùng
Thực hiện chỉ đạo của Ban cán sự, Đảng ủy, lãnh đạo KTNN, trên cơ sở Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch hoạt động của từng tiểu ban, các tiểu ban đã tích cực triển khai nhiều nội dung công tác theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, trong những tháng gần đây, toàn Ngành đã ưu tiên, tập trung toàn lực, khẩn trương hoàn thành các công tác: tài chính - hậu cần, lễ tân - khánh tiết, nội dung - thư ký, an ninh - y tế, thông tin - tuyên truyền. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo KTNN, nhiều đơn vị đã huy động công chức, viên chức, người lao động tham gia các đợt diễn tập của Ban Tổ chức Đại hội. Kết thúc đợt diễn tập, Ban Tổ chức họp rà soát mọi công tác, rút kinh nghiệm để hoàn thiện các kịch bản.
Ngoài các đợt diễn tập của Ban Tổ chức, các cuộc tập huấn cho lực lượng phục vụ Đại hội cũng đã được triển khai theo kế hoạch riêng của từng tiểu ban.
Bên cạnh đó, để phục vụ hoạt động báo chí trong khuôn khổ của Đại hội, Ban Tổ chức đã ban hành Đề án Thành lập và vận hành Trung tâm Báo chí phục vụ Đại hội, đảm bảo đáp ứng các nhu cầu thông tin về Đại hội của các phóng viên.
Ngoài ra, nhằm chuẩn bị chu đáo cho việc tổ chức Đại hội ASOSAI 14, KTNN đã chủ động học hỏi kinh nghiệm tổ chức các sự kiện quốc tế của các SAI đi trước. Đồng thời, trong vai trò SAI chủ nhà, KTNN đã chủ trì nhiều buổi làm việc với SAI Hàn Quốc (Tổng Thư ký ASOSAI đương nhiệm) và SAI Malaysia (Chủ tịch ASOSAI đương nhiệm) để thống nhất nội dung, chương trình của Đại hội.
Có thể nói, thời gian qua, công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội ASOSAI 14 đã nhận được sự ủng hộ rất lớn về mặt chủ trương từ phía Đảng, Quốc hội và Chính phủ, sự chỉ đạo kịp thời của Đảng ủy KTNN, sự hỗ trợ kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm từ phía các Bộ, cơ quan liên quan. Nhờ vậy, đến nay, mọi nhiệm vụ quan trọng đều đã hoàn thành. Tất cả đã sẵn sàng cho Lễ Khai mạc Đại hội vào sáng 19/9 tới.
Đại hội ASOSAI là dịp để các SAI thành viên trao đổi, thống nhất thông qua các văn bản, chính sách quan trọng của Tổ chức. Là SAI chủ nhà, KTNN Việt Nam đã có những sáng kiến gì để góp phần xây dựng chương trình nghị sự của Đại hội lần này, thưa Tổng Kiểm toán Nhà nước?
- Đại hội ASOSAI được tổ chức 3 năm 1 lần, là nơi hội tụ của tất cả các SAI thành viên, nhằm thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng để đạt được các mục tiêu và sự phát triển của Tổ chức. Trong vai trò SAI chủ nhà của Đại hội ASOSAI 14, KTNN Việt Nam đã cùng với các SAI thành viên có những sáng kiến về chủ đề, nội dung, chương trình của Đại hội. Tại Cuộc họp Ban Điều hành ASOSAI lần thứ 51 diễn ra ở Indonesia vào tháng 02/2017, chủ đề: “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” của Đại hội đã được thông qua. Chủ đề này là một trong những sáng kiến của KTNN Việt Nam, được 45 SAI thành viên ASOSAI đồng thuận. Chủ đề phù hợp với mục tiêu chiến lược của INTOSAI giai đoạn 2017-2022 và là một trong những nội dung nghị sự quan trọng tại Đại hội. Đây cũng là chủ đề của Hội nghị chuyên đề lần thứ 7.
Lãnh đạo KTNN nghe đại diện Bộ Ngoại giao trình bày phương án tổ chức việc chụp ảnh tập thể tại sảnh Trung tâm Hội nghị Quốc gia - Ảnh: Hoàng Dũng
Với chủ đề này, tại Đại hội và đặc biệt là Hội nghị chuyên đề lần thứ 7, các SAI thành viên sẽ tập trung làm rõ những thách thức về môi trường mà thế giới đang phải đối mặt, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả chức năng kiểm toán môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Qua đây, KTNN cũng kỳ vọng sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý để nâng cao năng lực về kiểm toán môi trường, góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của môi trường đối với đời sống xã hội, góp phần phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đồng thời, với vai trò chủ nhà của Đại hội ASOSAI 14, KTNN đã đề ra sáng kiến xây dựng Tuyên bố Hà Nội và nhận được sự ủng hộ của các SAI thành viên. Tuyên bố được kỳ vọng sẽ là văn kiện chính thức quan trọng của Đại hội nhằm tổng kết những thảo luận, phản ánh các cam kết, hành động của ASOSAI đối với cộng đồng khu vực và thế giới trong lĩnh vực kiểm toán công. Tuyên bố cũng sẽ thể hiện các cam kết, nỗ lực, đóng góp thiết thực của cộng đồng ASOSAI trong công cuộc theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc nói chung và giải quyết những thách thức về môi trường toàn cầu nói riêng.
Đại hội ASOSAI 14 với điểm nhấn là Tuyên bố Hà Nội được kỳ vọng sẽ thể hiện tầm nhìn dài hạn của KTNN Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021; góp phần xác định phương hướng, giải pháp và hành động về hoàn thiện tổ chức, tăng cường hiệu quả hoạt động, tiến tới hoàn thành 3 mục tiêu chiến lược phát triển của ASOSAI vào năm 2021.
Thời khắc mà KTNN Việt Nam chính thức trở thành Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 đang cận kề. Tổng Kiểm toán Nhà nước có nhận định gì về những cơ hội và thách thức đối với KTNN Việt Nam khi đảm nhận trọng trách này?
- Đăng cai Đại hội ASOSAI 14 năm 2018 cũng đồng nghĩa với việc KTNN Việt Nam sẽ trở thành Chủ tịch của ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021. Trong khuôn khổ của Đại hội, ngày 19/9 tới đây, KTNN Malaysia (Chủ tịch ASOSAI đương nhiệm) sẽ chính thức chuyển giao chức Chủ tịch ASOSAI cho KTNN Việt Nam. Việc đảm nhận trọng trách này là niềm vinh dự, tự hào của toàn Ngành, đem lại nhiều cơ hội, song cũng đặt ra không ít thách thức cho KTNN Việt Nam.
Trở thành Chủ tịch ASOSAI sẽ là cơ hội để KTNN thể hiện vai trò "đầu tàu" trong việc định hướng phát triển và dẫn dắt hành động Tổ chức này. Với vai trò Chủ tịch, KTNN sẽ có cơ hội khẳng định sự chủ động, tích cực và khả năng đảm đương các trách nhiệm quốc tế trong cộng đồng ASOSAI, tham gia sâu hơn vào các uỷ ban, các nhóm công tác và diễn đàn chuyên môn của ASOSAI. Từ đó, KTNN kỳ vọng sẽ đưa ra những sáng kiến cũng như sách lược, giải pháp tối ưu để giải quyết các vấn đề trong khu vực, mang lại lợi ích cho các SAI thành viên, dẫn dắt ASOSAI trở thành một tổ chức năng động, uy tín, ngày càng có những đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế châu Á nói chung và các nước thành viên nói riêng; đồng thời góp phần tăng cường năng lực cho các SAI thành viên. Cộng đồng ASOSAI sẽ có tiếng nói chung đối với các vấn đề khu vực và quốc tế.
Bên cạnh đó, giữ vai trò Chủ tịch ASOSAI, KTNN có thể phát triển, mở rộng mối quan hệ hợp tác với các SAI thành viên ASOSAI, các tổ chức khu vực và quốc tế. Đồng thời, đảm nhận vai trò mới là cơ hội để KTNN tận dụng các nguồn lực sẵn có cũng như khai thác nguồn lực tiềm tàng của ASOSAI, tiếp cận tri thức, kinh nghiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ tiên tiến để tiếp tục đổi mới, tăng cường năng lực, hoàn thiện về mọi mặt, đáp ứng các yêu cầu của hội nhập quốc tế và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao phó.
Tuy nhiên, việc đảm nhận chức Chủ tịch ASOSAI cũng đặt KTNN trước những thách thức. So với nhiều SAI thành viên khác có lịch sử ra đời hàng trăm năm, KTNN Việt Nam là cơ quan kiểm toán tối cao còn khá non trẻ với 24 năm hình thành và phát triển. Có thể nói, cả về mặt tổ chức và kinh nghiệm nghề nghiệp, KTNN còn phải học hỏi và nỗ lực rất nhiều.
Mặt khác, ASOSAI là một diễn đàn bao gồm 46 tổ chức thành viên, là cơ quan kiểm toán tối cao của 46 quốc gia, có sự đa dạng cả về địa vị pháp lý, văn hóa, chính trị cũng như trình độ phát triển; điều này dẫn đến cách nhìn nhận về lĩnh vực kiểm toán công và các mối quan tâm của các SAI thành viên cũng khác nhau. Do vậy, trong vai trò Chủ tịch ASOSAI, KTNN sẽ phải làm sao đảm bảo hài hòa quan điểm của các SAI thành viên để đi đến sự đồng thuận, thống nhất trong Tổ chức. Đây là một thách thức không nhỏ.
Nhận diện rõ những cơ hội và thách thức trên, từ năm 2015, KTNN đã chủ động xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện vai trò Chủ tịch và thành viên Ban Điều hành ASOSAI giai đoạn 2015-2024, trong đó xác định cụ thể những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu để triển khai thực hiện vai trò này. Đây là định hướng và kim chỉ nam giúp các đơn vị trong toàn Ngành hiểu và nắm rõ vai trò, trách nhiệm của KTNN trên cương vị mới, từ đó tạo sự đồng lòng trong việc tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả triển khai các nhiệm vụ một cách hiệu quả. Với sự chủ động chuẩn bị, nỗ lực và quyết tâm cao, hy vọng rằng, KTNN sẽ hóa giải những thách thức, tận dụng được các cơ hội vàng để phát triển, thể hiện tốt vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, góp phần xây dựng và phát triển bền vững cộng đồng ASOSAI, hướng tới các giá trị cốt lõi: “Chuyên nghiệp, Hợp tác, Đồng đều, Sáng tạo”.
Xin trân trọng cảm ơn Tổng Kiểm toán Nhà nước!
Theo Báo Kiểm toán số Đặc biệt ra ngày 13-9-2018