Thiếu kế hoạch quản lý chặt chẽ
Rừng Białowieża là địa điểm tự nhiên duy nhất của Ba Lan nằm trong danh sách các Di sản thế giới do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) bình chọn. Tuy nhiên, công tác quản lý khu rừng này chưa hiệu quả, nhiều quy định chồng chéo, không hoàn toàn tuân thủ luật bảo tồn thiên nhiên.
Gần 9 năm trước, Ba Lan đã cam kết sẽ xây dựng một kế hoạch quản lý di sản này. Tuy nhiên, đến nay, kế hoạch đó vẫn chưa được thông qua. NIK nhấn mạnh, chính việc chưa có kế hoạch và sự thiếu nhất quán trong việc quản lý ở rừng Białowieża đã dẫn đến những quy định bảo vệ thiên nhiên không rõ ràng, thậm chí có phần mâu thuẫn.
Cuộc kiểm toán của NIK đã chỉ ra những thiếu sót trong việc xây dựng các tài liệu quan trọng nhất liên quan đến việc quản lý khu rừng. Không những thế, một số hoạt động kiểm kê và giám định môi trường được thực hiện tại đây đã không tuân thủ các quy định, phương pháp giám sát môi trường hiện hành.
Qua kiểm toán, NIK phát hiện trong khoảng thời gian từ ngày 01/7/2018 đến ngày 28/02/2022, các cơ quan quản lý môi trường đã không kiểm soát công tác quản lý ở rừng Białowieża. Từ tháng 01/2018 đến cuối tháng 9/2021, việc quản lý ở Rừng Białowieża bị hạn chế đáng kể do sự chồng chéo của nhiều quy định bảo vệ thiên nhiên. Tuy nhiên, không có các phân tích liên quan đến tác động của những hạn chế này đối với việc quản lý rừng.
Việc chặt hạ cây trong rừng cũng không được quản lý chặt chẽ, gây ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên gỗ và khiến người dân rất bất bình. Liên quan đến việc này, Bộ Khí hậu và Môi trường đã nhận được 16 đơn khiếu nại, trong đó có 13 đơn yêu cầu đình chỉ hoạt động chặt phá cây bừa bãi. Ngoài ra, Bộ nhận được 3 đề xuất liên quan đến việc khai thác gỗ. Đồng thời, Dự thảo Kế hoạch quản lý rừng được lập cho 10 năm cần được điều chỉnh để cải thiện tình trạng an toàn và công tác phòng cháy, chữa cháy.
Cần đảm bảo tính nhất quán của các quy định quốc gia và quốc tế
Rừng Białowieża - nằm giữa Ba Lan và Belarus - đã được đưa vào danh sách các Di sản Thế giới của UNESCO năm 1979. Đến năm 2014, theo yêu cầu chung của Ba Lan và Belarus, Rừng một lần nữa được đưa vào danh sách này, dựa trên các tiêu chí mới. Diện tích của khu vực thuộc Di sản đã tăng lên khoảng 142.000ha. Kết quả là gần 73% diện tích của 3 huyện nằm trong khuôn viên rừng Białowieża (Białowieża, Browsk và Hajnówka) đã phải dừng các hoạt động kinh tế, thương mại.
Rừng Białowieża được quản lý bởi Công viên Quốc gia Białowieża và các cơ quan quản lý rừng nhà nước. Việc quản lý rừng được xác định bởi Đạo luật Lâm nghiệp và kế hoạch quản lý rừng, được xây dựng trong 10 năm. Rừng Białowieża có những giá trị đặc biệt trên phạm vi quốc gia, quốc tế, tuy nhiên việc quản lý rừng chưa thực sự chú trọng đến việc bảo vệ các giá trị này.
Mặc dù Dự thảo Kế hoạch quản lý rừng Ba Lan đã điều chỉnh mọi hoạt động tại khu di sản này và 3 huyện rừng, ưu tiên bảo vệ “các giá trị mang tính toàn cầu” của di sản. Tuy nhiên, kế hoạch này chưa được thông qua và được cho là có nhiều điểm không nhất quán với Dự thảo Kế hoạch quản lý rừng giai đoạn 2022-2031, trong đó vạch ra các kế hoạch phát triển cho 3 huyện rừng nói trên. Ngoài ra, NIK cũng đề nghị Bộ Khí hậu và Môi trường có hành động nhằm đảm bảo tính nhất quán của các quy định quốc gia và quốc tế mà Ba Lan tuyên bố sẽ tuân thủ.
Trên cơ sở các phát hiện kiểm toán trên, NIK đã đưa ra một số khuyến nghị, đặc biệt nhấn mạnh Bộ Khí hậu và Môi trường cần thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo tính nhất quán của luật pháp trong nước với các nghĩa vụ quốc tế được nước Cộng hòa Ba Lan thông qua liên quan đến bảo vệ môi trường ở rừng Białowieża; đảm bảo xây dựng các tài liệu, quy định các nguyên tắc quản lý ở rừng Białowieża.
Bên cạnh đó, Bộ cần đưa ra cơ chế kiểm soát đầy đủ và hiệu quả trong lĩnh vực quản lý rừng; cần xác minh, cập nhật những tài liệu liên quan đến nguyên tắc quản lý rừng trước khi phê duyệt các cơ chế này; đồng thời, ban hành văn bản hướng dẫn gồm các nguyên tắc quản lý rừng cho đến khi Kế hoạch quản lý rừng giai đoạn 2022-2031 chính thức được phê duyệt.
Tổng cục Lâm nghiệp nhà nước được khuyến nghị đảm bảo việc tuân thủ các quy định, phương pháp của Cơ quan Giám sát môi trường nhà nước về kiểm kê và thực hiện các yêu cầu riêng biệt nhằm bảo vệ môi trường. Đồng thời, đẩy nhanh việc chuẩn bị xây dựng, sửa đổi các kế hoạch hành động góp phần thực hiện nhiệm vụ bảo tồn các khu vực của quốc gia./.
(Theo NIK và tổng hợp)