Cùng hướng tới các Mục tiêu phát triển bền vững
Nhận thức được tầm quan trọng của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc đối với mỗi quốc gia, INTOSAI đã đưa nội dung kiểm toán SDG là một trong những mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Kế hoạch chiến lược giai đoạn 2017-2022; kêu gọi các SAI thành viên “đóng góp vào việc theo dõi và đánh giá những nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện SDG phù hợp với bối cảnh quốc gia và quy định về chức năng, nhiệm vụ của từng SAI”.
ISAM là hướng dẫn được xây dựng theo hướng “cầm tay chỉ việc” nhằm hỗ trợ SAI tiến hành các cuộc kiểm toán về việc thực hiện SDG đạt chất lượng cao dựa trên Chuẩn mực quốc tế của các SAI (ISSAI) với 5 nguyên tắc: Đặt trọng tâm vào kết quả kiểm toán; Đánh giá tính đa dạng của SAI; Hành động dựa trên ISSAI; Chú trọng tính toàn diện và giá trị gia tăng.
Là thành viên tích cực của INTOSAI, Kiểm toán nhà nước (KTNN) Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia rất nhiều diễn đàn của tổ chức, cùng chia sẻ kinh nghiệm, chung tay với các SAI thành viên giải quyết những thách thức liên quan đến kiểm toán môi trường vì SDG. Để thực hiện nhiệm vụ này, KTNN Việt Nam đã thành lập các Nhóm công tác tham gia hoạt động hợp tác quốc tế của KTNN.
Theo đó, Nhóm công tác về kiểm toán môi trường của INTOSAI (INTOSAI WGEA) đã tham gia Đại hội lần thứ 21 tổ chức trực tuyến của INTOSAI WGEA với chủ đề “Nâng cao khả năng phục hồi” vào tháng 6/2022; tham gia khảo sát về Chương trình làm việc 2023-2025 của INTOSAI WGEA tháng 5/2023; tham dự Hội thảo trực tuyến về “Các khía cạnh đa chiều của kiểm toán nền kinh tế biển” của Nhóm công tác về kiểm toán môi trường của INTOSAI tháng 7/2023.
Trước sự quan tâm mạnh mẽ của INTOSAI và các SAI về cách thức kiểm toán đánh giá việc thực hiện SDG, IDI đã quyết định xây dựng “Mô hình kiểm toán các Mục tiêu phát triển bền vững” (ISAM) vào năm 2020-2021 với mục tiêu hỗ trợ các SAI tiến hành hiệu quả cuộc kiểm toán việc thực hiện SDG.
Trên cương vị là thành viên của Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI), KTNN Việt Nam đã tham gia Nhóm công tác về các SDG của ASOSAI; Nhóm công tác về kiểm toán môi trường của ASOSAI. Đồng thời, tham gia các hoạt động khác theo yêu cầu của các chương trình hợp tác quốc tế, như: Hội thảo quốc tế về tăng cường tác động của kiểm toán hoạt động đối với nền kinh tế xanh tại Indonesia tháng 6/2023; phối hợp, tham mưu đề xuất nhân sự tham gia Cuộc kiểm toán hợp tác về hành động thích ứng biến đổi khí hậu dành cho các cơ quan kiểm toán tối cao thành viên ASOSAI giai đoạn 2023-2024; cử thành viên phối hợp với KTNN chuyên ngành III tham gia cuộc kiểm toán hợp tác quốc tế về chủ đề biến đổi khí hậu do IDI-INTOSAI chủ trì và đề xuất các tài liệu biên dịch tương ứng phục vụ công tác kiểm toán từ tháng 7/2023 đến tháng 9/2024…
Trên cơ sở các kinh nghiệm, kiến thức quốc tế, KTNN Việt Nam đã triển khai thành công rất nhiều cuộc kiểm toán chuyên sâu về các vấn đề môi trường, góp phần tăng cường tính minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình trong công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường và thực hiện các SDG...
Chung tay giải quyết thách thức về môi trường
Tại KTNN Việt Nam, kiểm toán môi trường vì SDG là một trong những nội dung trọng tâm. Một trong những nỗ lực của KTNN Việt Nam trong việc cùng chung tay với các SAI giải quyết các thách thức về môi trường là cuộc kiểm toán hợp tác quốc tế “Việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công gắn với việc thực hiện SDG” - thực hiện trong giai đoạn KTNN Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018 - 2021.
Thành công của cuộc kiểm toán đã khẳng định sự cần thiết, tính hiệu quả và xây dựng nền tảng nhằm khuyến khích việc tổ chức thực hiện các cuộc kiểm toán hợp tác giữa các SAI thành viên gắn với chủ đề phát triển bền vững; góp phần thúc đẩy việc triển khai các hoạt động đào tạo, tăng cường năng lực, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và hợp tác cùng phát triển giữa các SAI trong hoạt động kiểm toán môi trường; khẳng định những lợi ích, nỗ lực và đóng góp của cộng đồng ASOSAI cho việc thực hiện các SDG.
Kết quả kiểm toán đã đánh giá toàn diện những nỗ lực, giải pháp, cũng như kết quả của các cơ quan nhà nước trong công tác quản lý nguồn nước gắn với việc thực hiện mục tiêu “Quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông, bao gồm cả nguồn nước xuyên biên giới thông qua hợp tác quốc tế”, đồng thời phản ánh những tồn tại, hạn chế cũng như cảnh báo rủi ro và hệ quả của tình trạng suy thoái tài nguyên nước lưu vực sông Mê Công.
Trên cơ sở đó, các SAI đã đưa ra những kiến nghị và giải pháp hữu ích, góp phần quan trọng trong việc khắc phục những tồn tại, hạn chế và tăng cường tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý tài nguyên nước, gắn với việc thực hiện các SDG của từng quốc gia và cộng đồng lưu vực sông Mê Công nói chung.
Cuộc kiểm toán là minh chứng cho việc vận dụng thành công Hướng dẫn 9000 về Kiểm toán hợp tác giữa các SAI của INTOSAI, Mô hình ISAM và phương pháp “tiếp cận toàn Chính phủ”, cũng như việc áp dụng linh hoạt các phương pháp kiểm toán phù hợp trong bối cảnh bình thường mới.
Tham gia cuộc kiểm toán hợp tác quốc tế “Việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công gắn với việc thực hiện SDG” do KTNN Việt Nam dẫn dắt, KTNN Thái Lan chú trọng đến việc đánh giá thực trạng nguồn nước sông Mê Công và các tác động của công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài nguyên nước sông Mê Công, gắn với việc thực hiện SDG tại Thái Lan; đồng thời nhấn mạnh đến các hoạt động quản lý bao gồm giám sát, báo cáo, cảnh báo và các hành động, giải pháp khắc phục.
Tại Thái Lan, Đoàn kiểm toán đã khảo sát 602 hộ gia đình ở 8 tỉnh dọc theo sông Mê Công, trong đó 79% số hộ được khảo sát phản ánh sự thay đổi của sông Mê Công ảnh hưởng đến việc giảm thu nhập của người dân. Đoàn kiểm toán tổng hợp ý kiến từ 24 cộng đồng sinh sống tại khu vực sông Mê Công, có 66,7% cộng đồng nhận thấy sinh kế bị thay đổi do sự biến động của sông, đặc biệt là việc tiêu thụ nước và đánh bắt cá tại địa phương.
Trong khi đó, KTNN Myanmar hướng đến mục tiêu đánh giá tính hiệu quả, phù hợp của công tác quản lý tài nguyên nước sông Mê Công với các SDG của Liên hợp quốc và Kế hoạch phát triển bền vững của Chính phủ. Nội dung và phạm vi kiểm toán chủ yếu tập trung vào việc đánh giá chất lượng nguồn nước, tình hình thực hiện kế hoạch giảm thiểu hàm lượng các chất hóa học và sinh học có trong nguồn nước giai đoạn 2018-2020.
Kết quả của cuộc kiểm toán cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong việc hợp tác quản lý nguồn nước sông Mê Công. Trong đó, các SAI đã phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững sông Mê Công 1995. Cuộc kiểm toán cho thấy, các quốc gia trong lưu vực cần xem xét, nghiên cứu khắc phục, cải thiện nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác trong tương lai.
Từ kết quả kiểm toán, cơ quan KTNN các nước, đặc biệt là KTNN Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong việc tăng cường các hoạt động quản lý, giám sát hiệu quả tài nguyên nước. Đồng thời, thúc đẩy việc thực hiện chuyển giao các hệ thống quan trắc và các quốc gia thành viên đưa vào vận hành hiệu quả các hệ thống này nhằm bảo đảm cơ sở dữ liệu cho công tác quản lý tổng hợp tài nguyên nước trên toàn lưu vực sông Mê Công./.