Kiểm toán nhiều vấn đề “nóng” về môi trường
Năm 2008, KTNN Việt Nam trở thành thành viên Nhóm công tác về KTMT của Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI WGEA). Trên cơ sở tiếp thu các kinh nghiệm, kiến thức quốc tế và nghiên cứu áp dụng phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam, ngày 02/10/2015, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành Quyết định thành lập Phòng KTMT của KTNN với nhiệm vụ tham mưu, xây dựng mục tiêu, chiến lược, kế hoạch KTMT dài hạn, trung hạn, hằng năm của KTNN và tổ chức thực hiện KTMT… Các định hướng, mục tiêu phát triển KTMT của KTNN đã được cụ thể hóa tại các Chiến lược phát triển KTNN.
Đến nay, bộ máy tổ chức thực hiện KTMT của KTNN cơ bản được hoàn thiện với nòng cốt là Phòng KTMT trực thuộc KTNN chuyên ngành III; ngoài ra, một số đơn vị trực thuộc KTNN đã được bổ sung nhân sự có chuyên môn về quản lý môi trường để từng bước nghiên cứu, thực hiện KTMT trên địa bàn cả nước. KTNN ban hành Hướng dẫn KTMT và Tài liệu đào tạo KTMT; tổ chức hội thảo, tọa đàm bồi dưỡng, tập huấn và đào tạo cho toàn Ngành; thành lập Nhóm công tác thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế, tăng cường năng lực về KTMT…
Giai đoạn 2015-2024, KTNN đã thực hiện 25 cuộc kiểm toán chuyên sâu về các vấn đề môi trường như: Công tác quản lý, BVMT tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy nhiệt điện, làng nghề; Công tác quản lý chất thải y tế, phế liệu nhập khẩu; bảo vệ nguồn nước… Các chủ đề được kiểm toán đều là các vấn đề môi trường “nóng”, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động tiêu cực đến môi trường được Chính phủ, Quốc hội, người dân quan tâm.
KTMT đã góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình trong công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công phục vụ cho công tác BVMT và việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Với công cụ kiểm toán hoạt động, KTNN đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực của việc quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính công, tài sản công của các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án… về BVMT; xem xét, đánh giá mức độ hiệu quả, hiệu lực của các cơ chế, chính sách, quy định được ban hành; chỉ ra nội dung còn chưa phù hợp, thiếu tính khả thi giữa các quy định về BVMT hoặc còn gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Từ đó, đưa ra các đánh giá khách quan cũng như đề xuất các kiến nghị phù hợp giúp cho các cơ quan quản lý kịp thời rút kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại, hạn chế, đồng thời, cung cấp thông tin đáng tin cậy cho Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách.
KTNN đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng, ban hành, sửa đổi, bổ sung trên 40 văn bản quy phạm pháp luật từ Nghị định, Thông tư cho đến các văn bản hướng dẫn đặc thù về môi trường.
Qua kiểm toán, KTNN phát hiện vẫn còn có sự chồng chéo trong phân công, phân cấp về quản lý môi trường giữa các cơ quan nhà nước. Công tác thẩm định, phê duyệt hồ sơ môi trường của cơ quan quản lý nhà nước đối với một số dự án chưa đảm bảo chặt chẽ, chưa đáp ứng đầy đủ các nội dung theo yêu cầu của Luật BVMT. Việc áp dụng hình thức xử phạt đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm quy định về BMVT phát hiện thông qua công tác thanh tra, kiểm tra chưa nghiêm khắc, chưa đủ sức răn đe...
KTNN kiến nghị xử lý các cơ sở hoạt động chưa có đầy đủ hồ sơ môi trường, chưa thực hiện chế độ quan trắc môi trường, báo cáo công tác BVMT định kỳ; chưa lưu giữ đầy đủ chứng từ quản lý chất thải theo quy định; xây dựng, vận hành hệ thống các công trình BVMT, xử lý chất thải chưa đảm bảo quy trình, quy chuẩn…
Các tồn tại, hạn chế được KTNN chỉ ra đã được các cơ quan quản lý nhà nước nghiêm túc tổ chức khắc phục kịp thời. Theo đó, nhiều văn bản, quy định về BVMT đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ các bất cập, tồn tại trong quá trình tổ chức thực hiện. Hiệu quả công tác quản lý, giám sát BVMT của cơ quan quản lý nhà nước đã được tăng cường, nâng cao. Các cơ sở vi phạm về môi trường được các cơ quan quản lý xử lý và hướng dẫn khắc phục; các nguồn thải có nguy cơ ô nhiễm môi trường từng bước được kiểm soát chặt chẽ, tình trạng xả thải vượt quy chuẩn gây ô nhiễm môi trường có chiều hướng giảm trong khi chất lượng môi trường tại một số khu vực đã được cải thiện qua các năm...
Xây dựng Lộ trình phát triển kiểm toán môi trường
Để thúc đẩy hoạt động KTMT trong thời gian tới, được sự phân công của Lãnh đạo KTNN, KTNN chuyên ngành III đã xây dựng Lộ trình phát triển KTMT của KTNN (Lộ trình), lấy ý kiến các đơn vị trong Ngành để hoàn thiện, chuẩn bị trình xin ý kiến Ban cán sự đảng KTNN. Dự kiến, Lộ trình phát triển KTMT của KTNN sẽ được ban hành vào quý I/2025.
Theo Dự thảo, Lộ trình sẽ cụ thể hóa các mục tiêu, nội dung phát triển KTMT của KTNN bám sát Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 được ban hành, trong đó xây dựng đội ngũ kiểm toán viên (KTV) có cơ cấu hợp lý đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu về KTMT; phấn đấu đến năm 2027 thực hiện các cuộc KTMT và kiểm toán các nội dung liên quan đến vấn đề môi trường đạt tối thiểu 10% và đến năm 2030 đạt tối thiểu 15% số lượng các cuộc kiểm toán hằng năm; hoàn thiện hệ thống các quy định về tổ chức thực hiện KTMT của KTNN trên cơ sở cụ thể hóa Hiến pháp, Luật KTNN và phù hợp với các quy định pháp luật về BVMT.
Lộ trình sẽ tập trung xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu về KTMT một cách đầy đủ, chính xác và khoa học tạo căn cứ, cơ sở nhằm giúp KTV trong việc thu thập thông tin để lựa chọn chủ đề kiểm toán tiềm năng, hỗ trợ quá trình xây dựng kế hoạch kiểm toán năm, trung và dài hạn một cách hợp lý. Điều đó sẽ giúp KTV xác định trọng yếu và rủi ro, xây dựng nội dung và tiêu chí của cuộc kiểm toán có căn cứ và mang tính khả thi cao.
Năm 2020, lần đầu tiên, trách nhiệm của KTNN về thực hiện kiểm toán trong lĩnh vực môi trường đã được quy định trong Luật BVMT. Đây là tiền đề vững chắc cho việc đẩy mạnh phát triển KTMT trong tương lai.
Lộ trình cũng xác định tăng cường năng lực cho đội ngũ KTV thực hiện KTMT, thông qua nhiều hình thức từ đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ trong nước cho đến tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về lĩnh vực KTMT; tham gia tích cực và có hiệu quả các chương trình hợp tác về KTMT, đặc biệt là các cuộc kiểm toán song song, kiểm toán chung có sự phối hợp giữa các quốc gia trong các tổ chức quốc tế và khu vực. Đồng thời, nghiên cứu, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và các phương pháp kiểm toán hiệu quả như: Sử dụng chuyên gia tư vấn môi trường; kiểm toán hiện trường; đối chiếu việc thực hiện các quy định về BVMT; áp dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật cao như: Phương pháp phân tích, lấy mẫu chất lượng môi trường, kết quả xử lý chất thải, hệ thống thông tin địa lý GIS, GPS, Remote Sensing, Big data, Google Earth, Timestamp Camera./.