Cơ sở pháp lý thiếu quy định, chế tài
Từ khi Luật NSNN năm 2015 có hiệu lực, hằng năm, KTNN đều có Báo cáo ý kiến về dự toán NSNN trình Quốc hội xem xét, quyết định. Tuy nhiên, theo Vụ Tổng hợp, cơ sở pháp lý còn thiếu đồng bộ giữa các quy định về nhiệm vụ của KTNN đối với dự toán NSNN.
Đơn cử, khoản 4 Điều 10 Luật KTNN năm 2015 quy định: “Trình ý kiến của KTNN để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán NSNN, quyết định phân bổ ngân sách trung ương”. Tuy nhiên, Điều 23 Luật NSNN năm 2015 về nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN chỉ quy định: “Tham gia với Ủy ban Tài chính, Ngân sách và các cơ quan khác của Quốc hội, Chính phủ trong việc xem xét, thẩm tra báo cáo về dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương, phương án điều chỉnh dự toán NSNN”, mà không quy định nhiệm vụ “trình ý kiến của KTNN”.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 343/2017/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định trách nhiệm của KTNN trong từng công đoạn của quá trình thảo luận, thẩm tra, xem xét quyết định dự toán NSNN; tuy nhiên không có quy định yêu cầu cụ thể về các nội dung KTNN cần phải có ý kiến. Chưa kể, Nghị định số 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật NSNN, Thông tư số 342/2016/TT-BTC quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 163/2016/NĐ-CP, các Thông tư hướng dẫn xây dựng dự toán NSNN hằng năm do Bộ Tài chính ban hành cũng chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm chủ động cung cấp thông tin, tài liệu về dự toán NSNN cho KTNN của các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương.
Đối với kiểm toán dự toán khi kiểm toán ngân sách địa phương hay ngân sách Bộ ngành, tài liệu dự toán đơn vị cung cấp đều là tài liệu sơ thảo ban đầu. Thế nhưng sau khi thảo luận nhiều vòng, tài liệu cuối cùng là một trong những căn cứ để KTNN đưa ra ý kiến về việc xây dựng dự toán có khoảng cách rất xa so với dự toán đã được Chính phủ giao, phân bổ. Đó cũng là lý do tại sao trong quá trình kiểm toán dự toán, KTNN không có nhiều thông tin đưa ra hoặc chưa đủ cơ sở để đưa ra thông tin.
Ông Nguyễn Minh Giang - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực X
Hơn nữa, Điều 46 Luật NSNN về thảo luận và quyết định dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách hằng năm mới chỉ quy định trách nhiệm trong thảo luận và quyết định dự toán NSNN đối với các cơ quan như Chính phủ, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà chưa có quy định đối với KTNN. Điều này dẫn đến chất lượng tham gia ý kiến về dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương bị hạn chế do KTNN chưa đủ thẩm quyền tiếp cận các thông tin, tài liệu và tham dự khi thảo luận về dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương. Thậm chí, hiện nay cũng chưa có quy định về nhiệm vụ của KTNN trong việc tham gia ý kiến về dự toán ngân sách địa phương để HĐND tỉnh xem xét, quyết định dự toán ngân sách địa phương.
Ngoài ra, Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15 ngày 28/02/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán (có hiệu lực từ ngày 01/5/2023) cũng chưa có quy định xử phạt liên quan đến việc tham gia ý kiến về dự toán NSNN (chưa có chế tài xử lý đối với việc không cung cấp, chậm cung cấp tài liệu theo đề nghị của KTNN)...
Chỉ được tham gia bước đầu, hạn chế trong tiếp cận thông tin
Bên cạnh sự thiếu đồng bộ trong các quy định của pháp luật, thì việc tiếp cận thông tin, tài liệu, cũng như quá trình phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương khi tham gian ý kiến về dự toán NSNN hằng năm cũng còn những hạn chế.
Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VI - bà Nguyễn Thị Thắng - thẳng thắn: Việc tiếp cận tài liệu về dự toán NSNN của KTNN rất khó khăn và rất muộn. Chỉ đến khi đại diện KTNN tham gia cuộc họp của Bộ Tài chính với các địa phương thì KTNN mới được tiếp cận tài liệu và đôi khi tài liệu này vẫn chưa phải là tài liệu chính thức. Mặt khác, KTNN chỉ được tham gia ở bước thảo luận sơ khai ban đầu, còn đến các bước 2, bước 3 là những bước quan trọng, có tính chất quyết định thì KTNN lại không được mời tham gia…
“Thời gian ban hành văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất muộn. Thời gian thực hiện dự toán của các địa phương cũng giống như kiểu “vừa xếp hàng vừa chạy”. Những năm trước, sáng hôm sau có lịch họp tại Bộ Tài chính, thì khi đến, KTNN mới tiếp cận được tài liệu dự toán. Đến thời điểm đó, có những địa phương mới chỉ là những tài liệu tổng hợp dự thảo, chưa có bản ký chính thức. Chưa kể, KTNN chỉ được phép tham gia dự thảo vòng một khi thảo luận về chi thường xuyên và chi đầu tư. Lúc đó, KTNN mới tiếp cận được các hồ sơ, tài liệu nên sẽ rất khó khăn trong quá trình tham gia ý kiến” - bà Thắng dẫn chứng.
Trưởng phòng Vụ Tổng hợp - ông Nguyễn Duy Dũng - cũng cho hay, Bộ Tài chính chậm gửi Báo cáo dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương cho KTNN (thực hiện đồng thời khi Chính phủ gửi Ủy ban Tài chính, Ngân sách) theo đề nghị. Đề cập về vấn đề này, đại diện KTNN chuyên ngành II khẳng định, thông tin, tài liệu về dự toán NSNN cung cấp cho KTNN không kịp thời, không đầy đủ để phục vụ công tác thảo luận, chuẩn bị ý kiến về dự toán NSNN hằng năm.
“Theo thống kê trong thời kỳ ổn định ngân sách (2021-2025), các chỉ thị, thông tư hướng dẫn xây dựng dự toán của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đều chậm, dẫn đến việc các cơ quan tham gia thẩm định không có điều kiện nghiên cứu tài liệu để tham gia ý kiến. Điều này làm hạn chế sự tham gia ý kiến vào dự toán NSNN của KTNN” - đại diện KTNN chuyên ngành II nhấn mạnh.
Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ 2, KTNN khu vực I - ông Tống Mạnh Hùng - chia sẻ thêm, một số địa phương còn chậm gửi báo cáo, tài liệu xây dựng dự toán. Việc cung cấp thông tin chưa đầy đủ, kịp thời dẫn đến hiệu quả phối hợp chưa cao, một số trường hợp không đủ thông tin để đưa ra ý kiến, phải yêu cầu bổ sung nhiều lần.
Tình trạng địa phương chậm cung cấp, hoặc gửi chưa đầy đủ cùng một lần; mức độ hồ sơ cung cấp chưa đồng đều từ các địa phương, chưa đảm bảo đủ mức độ chi tiết để KTNN làm căn cứ, cơ sở đưa ra ý kiến tham gia đối với dự toán ngân sách địa phương một cách chi tiết, cụ thể cũng diễn ra tại các địa phương thuộc địa bàn kiểm toán của KTNN khu vực V.
“Tại thời điểm nghiên cứu tham gia ý kiến đối với dự toán ngân sách địa phương hằng năm (tháng 8 hằng năm), các địa phương chủ yếu cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến lập dự toán, chưa cung cấp được các tài liệu liên quan đến phân bổ dự toán…” - ông Nguyễn Hữu Thành - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực V chỉ rõ.
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, việc tham gia ý kiến vào dự toán NSNN của KTNN còn có những nguyên nhân chủ quan. Đơn cử, trách nhiệm tham gia thảo luận (với các cơ quan của Chính phủ, địa phương), thẩm tra (với các cơ quan của Quốc hội), chuẩn bị và xây dựng báo cáo ý kiến về dự toán NSNN liên quan đến lĩnh vực chuyên ngành, địa phương thuộc phạm vi kiểm toán chưa được quy định rõ. Việc truy cập Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử của đơn vị xây dựng dự toán còn rất hạn chế. KTNN cũng chưa xây dựng được hệ thống thông tin dữ liệu về tình hình tài chính, ngân sách của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương…
Vậy, các Bộ, ngành, địa phương đã có sự nhìn nhận, đánh giá như thế nào đối với ý kiến của KTNN về dự toán NSNN, mời Quý độc giả đón đọc kỳ tiếp theo./.