Nâng tầm ý kiến của Kiểm toán nhà nước về dự toán ngân sách nhà nước

(BKTO) - Trong chu trình ngân sách, đặc biệt trong lập dự toán ngân sách nhà nước (NSNN), Kiểm toán nhà nước (KTNN) tham gia trước hết với tư cách là cơ quan kiểm tra tài chính độc lập, thực hiện đánh giá tính đúng đắn, sát thực và khả thi của dự toán ngân sách hằng năm trước khi trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) quyết định. Vai trò, tầm quan trọng của việc cho ý kiến của KTNN vào dự toán NSNN đã được khẳng định trong các quy định của pháp luật. Theo đó, nâng tầm ý kiến của KTNN về dự toán NSNN luôn được KTNN quan tâm, chú trọng để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao trong bối cảnh mới.

Bài 1: Bảo đảm dự toán ngân sách nhà nước khả thi, minh bạch

6.jpg
Sự tham gia của KTNN trong lập dự toán ngân sách làm tăng thêm tính minh bạch của nền tài chính quốc gia. Ảnh: ST

Thông lệ quốc tế cũng như các quy định của pháp luật Việt Nam đều khẳng định, việc tham gia ý kiến của KTNN về dự toán NSNN giữ vai trò quan trọng nhằm đảm bảo dự toán NSNN khả thi, các nguồn lực quốc gia được quản lý, sử dụng hiệu quả, hạn chế những sai sót và gian lận trong quá trình lập dự toán NSNN.

Khâu lập dự toán quyết định hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước

Lập dự toán NSNN là khâu mở đầu của chu trình ngân sách, có tính chất quan trọng, quyết định đến hiệu quả trong quá trình quản lý, điều hành ngân sách. Dự toán ngân sách được xây dựng một cách đúng đắn, phù hợp sẽ giúp cơ quan quản lý, điều hành ngân sách xác định được mục tiêu trọng tâm cần quản lý. Thông qua lập dự toán ngân sách, kế hoạch kinh tế - xã hội được thẩm tra tính đúng đắn, hiện thực và tính cân đối, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội được đề ra trong kỳ kế hoạch đảm bảo về mặt tài chính để thực hiện. Do đó, khâu lập dự toán ngân sách có vai trò rất quan trọng trong quá trình điều hành kinh tế - xã hội và NSNN.

Thực tế cho thấy, tài liệu về dự toán NSNN không chỉ chứa đựng những vấn đề chính trị, kinh tế chủ yếu của một quốc gia, mà còn mang tính nghiệp vụ cao đòi hỏi phải được kiểm tra, xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định. Điều đó đòi hỏi một cơ quan chuyên môn, độc lập, có kiến thức và nghiệp vụ đánh giá toàn bộ diễn biến của quá trình lập dự toán theo chuẩn mực nghề nghiệp. Hơn nữa, xuất phát từ vai trò quan trọng của công tác lập dự toán NSNN, việc tăng cường công tác thẩm định, thẩm tra, tham gia ý kiến để đảm bảo chất lượng dự toán NSNN là rất cần thiết.

KTNN tham gia vào dự toán NSNN với 3 điểm: Thứ nhất, việc lập dự toán đã tuân thủ quy trình hay chưa; thứ hai, những nội dung KTNN đã từng nêu ra có khắc phục được trong năm tới; thứ ba, những dự báo, đánh giá mang tính chuyên gia.

Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II Lê Đình Thăng

“Việc tính toán các chỉ tiêu dự toán thu chi và cân đối ngân sách các cấp và NSNN là việc làm phức tạp, tỉ mỉ, đòi hỏi người thực hiện phải có kỹ thuật chuyên môn nghiệp vụ nhất định. Quy trình lập dự toán NSNN rất phức tạp và nhiều đơn vị cùng tham gia, từ các đơn vị cơ sở đến các cơ quan tài chính tổng hợp. Cho nên, để có được dự toán NSNN chất lượng cần thiết phải có sự tham gia ý kiến của KTNN vào dự toán NSNN hằng năm” - đại diện KTNN chuyên ngành II nhấn mạnh.

Theo đó, với vai trò cơ quan kiểm tra tài chính do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, KTNN tham gia ý kiến với quá trình lập dự toán ngay từ khâu các đơn vị cơ sở lập dự toán, tổng hợp dự toán ở Chính phủ, thảo luận của Chính phủ cũng như các Ủy ban của Quốc hội. Quá trình tham gia của KTNN ngoài việc có thêm thông tin phục vụ đánh giá nhận xét, KTNN còn tư vấn để có được dự toán một cách đầy đủ, chính xác, tin cậy. Bằng kinh nghiệm thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN tư vấn cho các cơ quan, đơn vị khắc phục được những yếu kém ngay từ khi tính toán dự toán, những sai sót trong lập dự toán sẽ dần được loại bỏ, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN.

Sự tham gia ý kiến của KTNN phù hợp thông lệ quốc tế và pháp luật Việt Nam

Có thể khẳng định, việc KTNN cho ý kiến về dự toán NSNN là phù hợp với thông lệ quốc tế, cũng như các quy định của pháp luật Việt Nam. Tuyên bố của Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) đã khẳng định, hầu hết các cơ quan KTNN trên thế giới đều có chức năng, nhiệm vụ kiểm toán dự toán NSNN để tư vấn cho Quốc hội quyết định dự toán NSNN.

“Việc tham gia này ở mỗi nước có phương thức, cách thức, phạm vi và mục tiêu cần đạt được khác nhau nhưng nhìn chung đều đưa ra ý kiến đánh giá, phản biện về dự toán NSNN do Chính phủ trình, làm cơ sở cho Quốc hội thảo luận và quyết định dự toán NSNN” - đại diện Vụ Tổng hợp (KTNN) cho biết.

Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II - ông Lê Đình Thăng - cho hay, đây là hình thức kiểm tra trước của KTNN, bảo đảm các nguồn lực được động viên và phân bổ vào những mục tiêu mà quốc gia theo đuổi, cũng như tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của các khoản chi NSNN; tránh được những sai sót và gian lận ngay từ khi lập và phân bổ dự toán…

“Hình thức kiểm toán trước của KTNN được khẳng định trong Tuyên bố Lima: Kiểm toán trước một cách có hiệu quả là điều không thể thiếu được đối với một nền kinh tế công cộng lành mạnh với tư cách là một nền kinh tế thác quản” - ông Thăng dẫn chứng.

Pháp luật Việt Nam hiện hành đã khẳng định sự tham gia của KTNN trong quá trình lập, thảo luận, thẩm tra và quyết định dự toán NSNN là một trong những nhiệm vụ quan trọng của KTNN. Điều 10 Luật KTNN năm 2015 (trước đó là Điều 15 Luật KTNN năm 2005) quy định: “Trình ý kiến của KTNN để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán NSNN, quyết định phân bổ ngân sách trung ương (NSTƯ)... Tham gia với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ trong việc xem xét về dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTƯ, phương án điều chỉnh dự toán NSNN, phương án bố trí ngân sách cho chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định và quyết toán NSNN”. Điều 23 Luật NSNN năm 2015 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN về NSNN: “…Tham gia với Ủy ban Tài chính, Ngân sách và các cơ quan khác của Quốc hội, Chính phủ trong việc xem xét, thẩm tra báo cáo về dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTƯ, phương án điều chỉnh dự toán NSNN”.

Đặc biệt, khoản 3 Điều 13 Nghị quyết số 343/2017/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quy định về lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm quốc gia, kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm quốc gia, dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTƯ và phê chuẩn quyết toán NSNN hằng năm đã nêu rõ trách nhiệm thẩm tra của các cơ quan đối với các báo cáo do Chính phủ trình: “KTNN tham gia với Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội trong việc xem xét, thẩm tra báo cáo về dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTƯ, phương án điều chỉnh dự toán NSNN do Chính phủ trình UBTVQH, Quốc hội…”.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 927/2010/UBTVQH12 ngày 19/4/2010 của UBTVQH ban hành Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 và Nghị quyết số 999/2020/UBTVQH14 ngày 16/7/2020 của UBTVQH ban hành Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 cũng nêu rõ yêu cầu tăng cường chất lượng kiểm toán và nội dung nâng cao chất lượng kiểm tra, đánh giá dự toán NSNN là một trong những nội dung về tăng cường năng lực kiểm toán.

Để đảm bảo chất lượng ý kiến góp ý của KTNN đối với dự toán NSNN, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành Quyết định số 84/QĐ-KTNN ngày 15/02/2023 Hướng dẫn về chuẩn bị ý kiến của KTNN về dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTƯ; Quyết định số 67/QĐ-KTNN ngày 15/02/2023 về hướng dẫn tham gia ý kiến về dự toán thu - chi ngân sách hằng năm của các Bộ, cơ quan trung ương.

TS. Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính, Ngân sách (Văn phòng Quốc hội) - đánh giá, khuôn khổ pháp lý không ngừng được hoàn thiện đã thúc đẩy vai trò ngày càng cao của KTNN. Từ sau khi Luật KTNN và Luật NSNN được ban hành, Tổng Kiểm toán nhà nước đã có ý kiến trước UBTVQH về dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTƯ hằng năm. KTNN cũng đã có ý kiến chính thức bằng văn bản về dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTƯ hằng năm, báo cáo UBTVQH và gửi Ủy ban Tài chính, Ngân sách sử dụng trong quá trình thẩm tra.

Giới chuyên gia cũng khẳng định, sự tham gia của KTNN trong lập dự toán ngân sách làm tăng thêm tính minh bạch của nền tài chính quốc gia, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là điều kiện để tăng thêm uy tín và độ tin cậy của thông tin tài chính khi công bố với công chúng, các nhà tài trợ, các nhà đầu tư và các định chế tài chính quốc tế.

Vậy, sự tham gia ý kiến của KTNN vào dự toán NSNN những năm qua đã được thực hiện như thế nào, kính mời Quý độc giả đón đọc kỳ tiếp theo…/.

Cùng chuyên mục
Nâng tầm ý kiến của Kiểm toán nhà nước về dự toán ngân sách nhà nước