Bài 4: Thể chế, chính sách về xã hội hóa góp phần huy động sự đầu tư của xã hội vào phát triển văn hóa

Xã hội hóa hoạt động văn hóa là một chính sách quan trọng trong đường lối văn hóa của Đảng, được đặt ra từ yêu cầu khách quan và tất yếu của thực tiễn. Theo TS. Lương Huyền Thanh (Viện Văn hóa và Phát triển), việc huy động tối đa mọi nguồn lực của xã hội để phát triển văn hóa có ý nghĩa vô cùng to lớn trong sự nghiệp chấn hưng và phát triển văn hóa dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng cho sự phát triển đất nước, như định hướng của Đảng ta và lời dạy của Bác.

dsc_0145-1600x1200-.jpg
Xã hội hóa hoạt động văn hóa là giải pháp quan trọng để góp phần làm phong phú đời sống văn hóa, nâng cao cơ hội thụ hưởng cho người dân. Ảnh tư liệu

Nhận thức về xã hội hóa văn hóa còn chưa đầy đủ

Là chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa, TS. Lương Huyền Thanh khẳng định, chính sách văn hóa là một bộ phận của chính sách công. Mục tiêu của chính sách là huy động tiềm lực của xã hội để tạo lập và cải thiện môi trường kinh tế - xã hội thuận lợi cho sự phát triển văn hóa, trên cơ sở đó nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng; vai trò tổ chức, điều hành của Nhà nước đối các hoạt động văn hóa theo hướng đa dạng chủ thể hoạt động văn hóa.

Khẳng định chính sách xã hội hóa hoạt động văn hóa luôn được Đảng ta quan tâm, TS. Lương Huyền Thanh cho biết, ngay từ Đại hội Đảng VIII tháng 9/1996, khi thông qua chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 1996-2000, Đảng ta đã hình thành chủ trương lớn: “Đổi mới cơ chế quản lý theo hướng xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thông tin”; "Thực hiện phương châm xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao..., hướng vào nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần và thể lực của nhân dân”. Những ý tưởng về xã hội hoá trên lĩnh vực văn hóa được hình thành, tạo nên cơ sở vững chắc cho việc ra đời và thực hiện chính sách xã hội hoá hoạt động văn hóa sau này.

Trên cơ sở các nghị quyết của Đảng, Chính phủ đã ban hành hai Nghị định số 73/1999/NĐ-CP và Nghị định số 69/2008/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng thành các cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa hoạt động một số lĩnh vực trong đó có lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Thông qua đó, nhận thức về chính sách xã hội hóa của các ngành, các cấp và cộng đồng được nâng lên một bước, khẳng định vai trò và tầm quan trọng của chính sách xã hội hóa các hoạt động văn hóa trong quá trình phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tuy nhiên, theo TS. Lương Huyền Thanh, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện chính sách xã hội hóa văn hóa thời gian qua cũng bộc lộ những hạn chế nhất định. Trong đó, còn tình trạng nhận thức chưa đầy đủ về chính sách xã hội hóa, coi đây là biện pháp giảm nhẹ gánh nặng ngân sách của Nhà nước đã ảnh hưởng không tốt đến tiến trình xã hội hóa hoạt động văn hóa. Một số địa phương hiểu chưa đúng về chủ trương xã hội hóa, mới tiếp cận chính sách từ góc độ kinh tế thông qua việc kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư cho lĩnh vực văn hóa mà xem nhẹ khía cạnh khai thác các tiềm năng sáng tạo văn hóa của nhân dân. Bên cạnh đó, một số nơi quá đề cao vai trò của các thành phần kinh tế trong đầu tư phát triển văn hóa dẫn đến sự xem nhẹ vai trò của Nhà nước, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát kịp thời dẫn đến những sai sót trong các dự án văn hóa.

Việc huy động các nguồn lực cho hoạt động văn hóa, nghệ thuật của nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn hạn chế. Sự chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền còn nhiều cách biệt. Các chính sách ưu đãi, khuyến khích các thành phần xã hội tham gia đầu tư phát triển văn hóa như miễn, giảm thuế, ghi công cho các khoản đóng góp, tài trợ… còn chưa tương xứng, chưa thực sự tạo ra động lực cho các cá nhân, nhóm và cộng đồng.

Hoàn thiện, thực thi chính sách xã hội hóa hoạt động văn hóa

Trước yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, rất cần thiết phải xây dựng và thực thi chính sách xã hội hoá hoạt động văn hoá một cách hiệu quả làm đòn bẩy để phát triển bền vững đất nước, như chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển", và "soi đường cho quốc dân đi"; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng”.

- TS. Lương Huyền Thanh -

Mặc dù sự tham gia của các thành phần xã hội vào các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đã được mở rộng, song vẫn chưa thật sự trở thành người đồng kiến tạo văn hóa cùng với Nhà nước. “Sự quy định trách nhiệm của hệ thống chính trị cơ sở và cộng đồng trong các hoạt động văn hóa còn chưa rõ, đôi khi còn “dẫm chân lên nhau” bởi chưa hiểu đúng về “cộng đồng hóa trách nhiệm” - TS. Thanh cho biết; đồng thời đề xuất để đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động văn hóa thì cần phải cụ thể hóa trách nhiệm cho từng chủ thể trong cộng đồng khi tham gia vào hoạt động văn hóa. "Hơn hai thập niên thực hiện chính sách xã hội hóa hoạt động văn hóa cho thấy đã đến lúc cần có sự điều chỉnh chính sách này để bắt kịp những vấn đề mới nảy sinh” - TS. Lương Huyền Thanh nhấn mạnh.

dsc_0135.jpg
Nâng cao nhận thức, hiểu đúng về xã hội hóa văn hóa là yêu cầu quan trọng đầu tiên. Ảnh: N.LỘC

Giải pháp tiếp theo được TS. Lương Huyền Thanh đề cập, đó là vận dụng sáng tạo và giải quyết đúng đắn mối quan hệ đa chiều, đa lợi ích, đa chủ thể trong quá trình thực hiện xã hội hóa hoạt động văn hóa. Đây được xem là vấn đề cốt lõi trong điều kiện huy động các nguồn lực ngoài nhà nước tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa. Để làm được điều này, các cơ quan chức năng cần đổi mới phương thức quản lý, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi để toàn xã hội tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa vì cộng đồng, đáp ứng được nhu cầu tinh thần của nhân dân.

Thứ ba, cần khuyến khích, phát huy sự chủ động của các chủ thể tham gia vào tổ chức các hoạt động văn hóa. Để giải quyết được vấn đề này, phải tạo được cơ chế minh bạch, công khai, dân chủ trong đầu tư ngân sách của địa phương, ngân sách của các Chương trình mục tiêu quốc gia để thu hút và sử dụng các nguồn lực, vật lực và tài lực của địa phương.

Cuối cùng, cần coi trọng nhân tố con người trong quá trình tổ chức thực hiện xã hội hoá hoạt động văn hóa. Đây chính là nhân tố nòng cốt trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động có hiệu quả để các tầng lớp nhân dân tham gia sự nghiệp văn hóa. Quá trình xã hội hóa các hoạt động văn hóa là quá trình đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa của các tầng lớp nhân dân. Do đó, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa phải hiểu sâu về các hoạt động văn hóa ở cơ sở; đồng thời phải có sự sáng tạo, nhạy bén nắm bắt được nhu cầu của công chúng để tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng phù hợp, có tính thẩm mỹ cao.

“Chính sách xã hội hóa thực chất là đưa văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhằm huy động sức người, sức của của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” - TS. Thanh nhấn mạnh; đồng thời khẳng định việc thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm chính sách xã hội hóa hoạt động văn hóa chính là giải pháp thiết thực nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về đầu tư để phát triển văn hóa tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 vừa qua.

Cùng chuyên mục
Bài 4: Thể chế, chính sách về xã hội hóa góp phần huy động sự đầu tư của xã hội vào phát triển văn hóa