Tại trụ sở Bộ LĐTBXH, Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội vừa có buổi làm việc với Bộ Bộ LĐTBXH về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, việc phê chuẩn các điều ước quốc tế năm 2023 và đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, năm 2023 cho đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ LĐTBXH và Ủy ban Xã hội sẽ có rất nhiều việc cần phối hợp. Vì vậy, bà Nguyễn Thúy Anh mong muốn tại buổi làm việc này, các đại biểu góp ý thẳng thắn, đề xuất cơ chế phối hợp để hoàn thiện công tác phối hợp giữa hai cơ quan, nhất là công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật.
Báo cáo về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, việc phê chuẩn các điều ước quốc tế năm 2023 và đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, Bộ LĐTBXH dự kiến xây dựng 2 dự án Luật và nghiên cứu, đề xuất gia nhập 3 công ước của ILO trong giai đoạn 2023-2026, bao gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Luật Việc làm (sửa đổi); Công ước số 87 về tự do liên kết và bảo vệ quyền tổ chức, Công ước số 102 về quy phạm tối thiểu về an toàn xã hội, Công ước số 131 về ấn định tiền lương tối thiểu.
Trong đó, dự kiến Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ được trình Chính phủ vào tháng 6/2023 và trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2023. Bộ LĐTBXH cũng sẽ phối hợp với Ủy ban Xã hội, Ủy ban Pháp luật hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) và xây dựng Hồ sơ Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) sau khi được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh thông tin thêm, một số dự án luật khác của Bộ LĐTBXH như Luật Bình đẳng giới, Luật Người khuyết tật, Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Người cao tuổi, Luật Phòng, chống mại dâm cũng đang trong quá trình tổng kết, đánh giá thực tiễn thi hành, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung trong giai đoạn sau năm 2025.
Ông Lâm Văn Đoan - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - đánh giá, Ban soạn thảo, Tổ biên tập hai Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Luật Việc làm (sửa đổi) đã có sự chuẩn bị công phu, có những trao đổi về kinh nghiệm quốc tế rất sâu.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội mong muốn Bộ LĐTBXH tiếp tục phát huy tinh thần làm việc này để khi Dự án Luật trình ra Quốc hội sẽ đạt được sự đồng thuận cao.
Chia sẻ tại buổi làm việc, TS. Bùi Sỹ Lợi - Chuyên gia cao cấp của Bộ LĐTBXH, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - cho rằng, Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cần mở rộng diện bao phủ, mở rộng đối tượng tham gia vào bảo hiểm xã hội. Ông Lợi dẫn chứng, giống như kinh nghiệm về bảo hiểm y tế, ban đầu cũng là bảo hiểm tự nguyện, sau đó là bảo hiểm y tế hộ gia đình và đến nay đã là bảo hiểm y tế toàn dân với độ bao phủ 92%.
Đối với Dự án Luật Việc làm (sửa đổi), chuyên gia cao cấp của Bộ LĐTBXH cho biết vấn đề quan trọng nhất là phải đáp ứng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và hội nhập.
Đối với các dự án luật, pháp lệnh, các điều ước quốc tế dự kiến phê chuẩn năm 2023 và đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung tiếp thu góp ý của các đại biểu. Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị và phân công các đơn vị thuộc Bộ phối hợp với Ủy ban Xã hội của Quốc hội từ sớm để triển khai các nhiệm vụ được giao một cách kịp thời, có hiệu quả./.