Bài cuối: Cao tốc Bắc – Nam: Gỡ “nút thắt” để tăng tốc

N. LỘC - N. HỒNG - T. LONG | 09/05/2024 19:14

(BKTO) - Với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa” thi công, nhiều dự án thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được hoàn thành, góp phần tạo nên hành lang kinh tế - vận tải huyết mạch của đất nước. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các ngành, địa phương và sự đồng hành hỗ trợ, giám sát của Quốc hội, Kiểm toán nhà nước (KTNN), những “nút thắt” còn lại trên “đại công trường” sẽ sớm được tháo gỡ…

4.jpg
Dự án thành phần Quảng Ngãi - Hoài Nhơn còn vướng nhiều đoạn chưa thể giải phóng mặt bằng. Ảnh: ST

Tháo gỡ nút thắt, chỉ bàn làm, không bàn lùi…

Là dự án trọng điểm, trải dài qua nhiều địa phương, nhất là khi nhiều vùng dự án đi qua lấy đi “bờ xôi, ruộng mật” của người dân… khiến cho Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông trở nên phức tạp hơn bất cứ dự án giao thông nào trong lịch sử. Điều này đã được chính người đứng đầu Chính phủ dự báo từ sớm: “Nhiệm vụ xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc trong giai đoạn này và tới đây là hết sức nặng nề”, bởi đây là trục giao thông “xương sống” của đất nước! Thực tiễn đã cho thấy, khi bắt tay vào triển khai, các chủ đầu tư, nhà thầu thi công gặp vô vàn khó khăn, thách thức tưởng chừng khó vượt qua. Đơn cử như vấn đề giải phóng mặt bằng, định mức, thiếu vật liệu,… hay các yếu tố kỹ thuật như: Nền đất yếu, sự cố “đá mồ hôi” khiến nhà thầu phải tiêu tốn thêm nhiều nguồn lực, thời gian để xử lý.

Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ, trên cương vị Trưởng Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (GTVT) đã nhiều lần đến hiện trường để chỉ đạo tại chỗ, yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu và nhân dân những nơi có dự án đi qua chủ động, tích cực phối hợp triển khai tốt các giải pháp, nhiệm vụ với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”; nỗ lực tổ chức thi công với quyết tâm “vượt nắng, thắng mưa”, thi công “3 ca, 4 kíp” để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình.

Với tinh thần đồng hành cùng Chính phủ để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc cho dự án trọng điểm quốc gia “về đích” đúng hẹn, cuối năm 2023, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 106/2023/QH15 về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, trong đó hướng đến tháo gỡ vướng mắc cho tuyến cao tốc Bắc - Nam. “Khi áp dụng cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ làm vật liệu xây dựng thông thường sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án” - đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) dẫn chứng.

Được giao làm chủ đầu tư dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có quy mô lớn nhất trong 12 dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 (Bộ GTVT) Lê Thắng cho biết, trong quá trình triển khai dự án vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nổi cộm là vấn đề giải phóng mặt bằng và thiếu vật liệu - trở ngại khiến nhiều dự án thuộc giai đoạn 1 lỡ hẹn về đích. Tuy nhiên, “với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của các cơ quan, địa phương, nhà thầu, nhiều vấn đề tồn tại từng bước được tháo gỡ” - ông Thắng cho biết. Đặc biệt, việc Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế đặc thù đã giúp “khơi thông” nguồn lực cho cao tốc. Kết quả, đến nay, công tác giải phóng mặt bằng dự án này đạt 96%, đã hoàn thành cấp phép để đưa vào khai thác 19/19 mỏ vật liệu…

Là địa phương hoàn thành bàn giao mặt bằng từ sớm cho cao tốc Bắc - Nam đoạn Hậu Giang - Cà Mau, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi cho rằng, sự quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ, cùng với những lợi ích to lớn mà cao tốc mang lại là động lực để địa phương quyết tâm thực hiện tốt phần việc của mình. Theo ông Bi, khi đã có cơ chế đặc thù thì cần sự chung tay vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương với tinh thần trách nhiệm cao, chủ động phối hợp, dám nghĩ, dám làm vì mục tiêu chung thì mới có thể tháo gỡ nút thắt, từ đó đẩy nhanh quá trình triển khai dự án.

Đưa cao tốc về đích đúng hẹn, đúng quy định

Kỳ vọng vào cơ chế đặc thù, song nhiều ý kiến cho rằng, do Nghị quyết số 106/2023/QH15 mới được ban hành cuối năm 2023, nên nhiều quy định vẫn đang được các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan vừa làm vừa đánh giá, dẫn đến có nơi, có thời điểm còn lúng túng, thiếu thống nhất. “Đơn cử như việc cho phép giảm thiểu thủ tục cấp phép mỏ vật liệu theo cơ chế đặc thù, song việc áp dụng tại mỗi địa phương một khác” - một nhà thầu đang thi công dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn cho biết. Hay như việc giao cho cấp huyện làm chủ đầu tư di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật phức tạp cũng đang gây ra “ách tắc” trong công tác giải phóng mặt bằng…

Do đó, cùng với việc ban hành cơ chế đặc thù, năm 2024, Quốc hội đang giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023, trong đó có các dự án thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông, qua đó nhằm nhận diện kịp thời những rào cản, tồn tại để có giải pháp tháo gỡ. “Bộ GTVT đã kiến nghị với Đoàn giám sát việc cần nghiên cứu, giao cho chính cơ quan chủ quản làm chủ đầu tư di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, nhằm đẩy nhanh giải phóng mặt bằng phục vụ dự án” - ông Nguyễn Thế Minh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết.

Xác định vai trò quan trọng của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, KTNN cũng triển khai kiểm toán các dự án thành phần từ nhiều năm nay, đặc biệt là trong Kế hoạch kiểm toán năm 2024. Theo Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV Vũ Thanh Hải, đây chính là yêu cầu, xuất phát từ tinh thần vào cuộc từ sớm, từ xa theo chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước. “Mục đích kiểm toán nhằm chỉ ra những khó khăn, bất cập trong triển khai các dự án, việc triển khai các cơ chế đặc thù; đồng thời, phục vụ kịp thời, hiệu quả cho công tác giám sát của Quốc hội” - ông Hải cho biết.

Thực tiễn thời gian qua, sự vào cuộc của KTNN đã đóng góp chung vào nỗ lực triển khai tuyến cao tốc Bắc - Nam được thuận lợi, đúng quy định hơn. Đơn cử như Dự án Nghi Sơn - Diễn Châu do Ban Quản lý dự án 6 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư, KTNN thực hiện kiểm toán trong nhiều năm, gắn với từng giai đoạn thực hiện Dự án và chỉ ra nhiều bất cập, cũng như cảnh báo nguy cơ trễ tiến độ. Trên cơ sở đó, Ban đã kịp thời rút kinh nghiệm, hoàn thành dự án vào cuối năm 2023, không để xảy ra sai sót nghiêm trọng. Hay như nhận xét của Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh Nguyễn Vũ Quý: Các ý kiến đánh giá của KTNN được đưa ra dựa trên quy định pháp luật, thể hiện sự chuyên nghiệp, chuyên môn sâu của kiểm toán viên mà bản thân cơ quan quản lý, nhà thầu khó nhìn nhận thấu đáo. Do đó, “nhờ có KTNN mà các vấn đề được chỉ ra kịp thời, giúp các đơn vị quản lý dự án chấn chỉnh ngay, tránh sai phạm”.

Với tinh thần đồng hành cùng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, KTNN đã tích cực vào cuộc thực hiện kiểm toán đối với các dự án thuộc cao tốc Bắc - Nam và quán triệt trong toàn Ngành, cũng như thống nhất với các Bộ, ngành, địa phương, đó là “kiểm toán từ sớm, từ xa, chủ động phòng ngừa là chính, cùng đồng hành, tháo gỡ vướng mắc”.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn

Ngay trong báo cáo gửi Đoàn giám sát của Quốc hội mới đây, qua kiểm toán các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, KTNN cũng chỉ ra những bất cập liên quan đến mỏ vật liệu. Theo đó, KTNN đề nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT báo cáo Chính phủ về việc quản lý, sử dụng đất đắp khai thác tại các mỏ doanh nghiệp được quyền khai thác theo Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021) về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án cao tốc tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương sớm xây dựng và công bố giá đất tại các mỏ được khai thác theo cơ chế đặc thù…

Những kiến nghị từ các Bộ, ngành, địa phương và của KTNN sẽ được gửi đến Quốc hội, Chính phủ để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh qua thực tiễn. Song rõ ràng, với những khó khăn, bất cập đang hiện hữu thì nỗ lực của ngành GTVT, hay sự đồng hành của Quốc hội, KTNN là chưa đủ mà đòi hỏi các địa phương phải nhập cuộc mạnh mẽ hơn, phát huy tính chủ động, sáng tạo để cùng nhà thầu đảm bảo tiến độ đề ra. Nói như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Lễ khánh thành Dự án đường bộ cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo mới đây: Để thực hiện thành công dự án cao tốc Bắc - Nam, có 5 bài học kinh nghiệm cần rút ra, trong đó, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp phải nỗ lực biến khó thành dễ, càng áp lực, càng nỗ lực; phải quyết tâm cao, hành động lớn, hành động quyết liệt!./.

Cùng chuyên mục
Bài cuối: Cao tốc Bắc – Nam: Gỡ “nút thắt” để tăng tốc