Bàn giải pháp “gỡ vướng” cho phát triển điện mặt trời mái nhà

(BKTO) - Việc phát triển, sử dụng điện mặt trời mái nhà đem lại những lợi ích đáng kể về kinh tế và bảo vệ môi trường, cũng như góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều rào cản hạn chế sự phát triển điện mặt trời mái nhà.

dien.jpg
Phát triển, sử dụng điện mặt trời mái nhà đem lại nhiều lợi ích. Ảnh minh họa: S.T

“Lợi ích kép” trong phát triển, sử dụng điện mặt trời mái nhà

Đánh giá về lợi ích của việc phát triển, sử dụng điện mặt trời mái nhà, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, điện mặt trời mái nhà là nguồn năng lượng sạch, tái tạo và không gây phát thải khí nhà kính, không gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác, đây là nguồn điện có tính chất phân tán, quy mô nhỏ, được tiêu thụ tại chỗ, từ đó giúp giảm tổn thất của quá trình truyền tải, phân phối, tận dụng hạ tầng lưới điện hiện có của ngành điện; đồng thời, có thời gian phát chủ yếu vào ban ngày, trong giờ cao điểm của hệ thống điện giúp giảm đỉnh phụ tải.

Bên cạnh đó, điện mặt trời mái nhà là nguồn năng lượng độc lập, không phụ thuộc vào lưới điện quốc gia hay các nguồn nhập khẩu. Do đó, việc sử dụng điện mặt trời mái nhà giúp tăng tính chủ động, giảm rủi ro và phụ thuộc vào các nguồn điện truyền thống.

Đặc biệt, năng lượng xanh từ hệ thống điện mặt trời mái nhà không chỉ giúp các doanh nghiệp (DN) tiết kiệm chi phí sản xuất mà còn giúp DN gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Bởi lẽ, hiện nay, các nước nhập khẩu ngày càng yêu cầu các DN xuất khẩu phải chứng minh quy trình xanh hóa trong sản xuất, trong đó có yêu cầu về xanh hóa nguồn năng lượng, để giảm tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội.

Đồng quan điểm trên, PGS,TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ thêm, hiện nay, Việt Nam đã tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong đó, các FTA thế hệ mới đặt ra những cam kết sâu rộng và toàn diện về bảo vệ môi trường và phát thải nhà kính thấp. Vì vậy, điện mặt trời mái nhà đang là nguồn năng lượng xanh hữu ích nhất giúp DN giải quyết được bài toán tiết kiệm năng lượng và đạt được “chứng chỉ xanh” - như một “giấy thông hành” để có thể xuất khẩu hàng hóa vào thị trường các nước trên thế giới.

Đưa thêm minh chứng về lợi ích của việc sử dụng điện mặt trời mái nhà, TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, theo số liệu báo cáo của Khu công nghiệp DEEP C, hiện nhà đầu tư Khu công nghiệp DEEP C đang liên doanh với Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) của Nhật Bản kinh doanh mua bán điện trong khu công nghiệp với 3 dự án điện mặt trời mái nhà có tổng công suất 3 MW.  Năm 2023, các dự án năng lượng tái tạo đã tạo ra được 5.800 MWh điện, từ đó nhà đầu tư giảm được khoảng 10 tỷ đồng tiền điện mua từ EVN, tương ứng với tỷ lệ 1%.

Tính đến ngày 31/12/2023, các công ty điện lực đang thực hiện hợp đồng mua bán điện mặt trời mái nhà với các tổ chức, cá nhân tại 103.509 hệ thống điện mặt trời mái nhà với công suất lắp đặt khoảng 9.595.853 kWp được lắp đặt. Tổng sản lượng điện phát lên hệ thống điện quốc gia trong năm 2023 chiếm 3,97% tổng sản lượng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống.

Cần sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý 

Mặc dù việc phát triển, sử dụng điện mặt trời mái nhà đem lại nhiều lợi ích không chỉ về mặt kinh tế mà còn cả về môi trường, xã hội, song chia sẻ tại Diễn đàn "Điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp: Nhu cầu và giải pháp cho DN" mới diễn ra, nhiều chuyên gia, DN cho rằng vẫn còn nhiều rào cản hạn chế phát triển điện mặt trời mái nhà.

20240411_143219.jpg
Diễn đàn "Điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp: Nhu cầu và giải pháp cho DN" do Tạp chí Diễn đàn DN, VCCI phối hợp với VEPR tổ chức chiều 11/4, tại Hà Nội. Ảnh: D.T 

Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) chia sẻ, trong những năm gần đây, ngành dệt may cần “xanh hóa” nguồn năng lượng phục vụ cho sản xuất để đạt các chứng chỉ xanh trong sản xuất sản phẩm, nên đã có khoảng 30 - 50% DN lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Tuy nhiên, nhiều DN vẫn còn khá e ngại về việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà, do các quy định, cơ chế về phát triển điện mặt trời mái nhà cho DN, khu công nghiệp chưa rõ ràng.

Đặc biệt, Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam đã hết hiệu lực từ ngày 31/12/2020, trong khi cơ chế mới chưa được Chính phủ ban hành đang tạo ra “khoảng trống pháp lý” cản trở sự phát triển điện mặt trời mái nhà.

Bên cạnh đó, ông Cẩm nhấn mạnh, tại Quy hoạch Điện VIII mới chỉ đề cập đến việc phát triển điện mặt trời mái nhà tại các tòa nhà công sở và nhà dân theo hình thức tự sản, tự tiêu. Do đó, các DN còn băn khoăn về việc họ có thuộc đối tượng áp dụng không, khiến DN còn e dè đầu tư lắp đặt, sử dụng điện mặt trời mái nhà.

Chia sẻ thêm về rào cản, ông Nguyễn Vũ Chiên - Phó Trưởng Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh Nam Định cho biết, hiện nay, ở Nam Định có tổng cộng 6 khu công nghiệp, trong đó một số nhà máy nhỏ đã đầu tư lắp đặt, sử dụng điện mặt trời mái nhà. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nhà máy có nhu cầu kết nối và ký hợp đồng sử dụng điện mặt trời trên mái nhà nhưng gặp phải nhiều khó khăn.

Vấn đề đầu tiên mà các DN gặp phải là các công ty điện lực trong khu vực tạm dừng việc thỏa thuận kết nối điện mặt trời mái nhà vào mạng lưới điện quốc gia. Điều này làm cho các DN địa phương mất phương hướng và chưa thể đưa ra các giải pháp phù hợp.

Vấn đề thứ hai đó là về chi phí đầu tư, ông Chiên cho biết, để đầu tư sản xuất 1 MW điện cần khoảng 13 tỷ đồng, điều này khiến cho các DN lo ngại về việc thu hồi vốn. Cùng với đó, một một yếu tố khách quan khác là mùa nóng ở miền Bắc chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, với ánh sáng mặt trời không đủ mạnh như ở miền Trung và miền Nam, dẫn đến sản lượng điện thấp, làm giảm lợi nhuận so với chi phí đầu tư ban đầu.

“Tỉnh Nam Định đã gửi văn bản đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ việc sử dụng điện mặt trời mái nhà cho khu công nghiệp, nhưng do vẫn đang chờ Chính phủ ban hành các cơ chế, quy định pháp luật cụ thể, nên những khó khăn, vướng mắc trong phát triển, sử dụng điện mặt trời mái nhà vẫn chưa được giải quyết triệt để” - ông Chiên nói.

Trước thực trạng trên, các DN, hiệp hội bày tỏ mong muốn Chính phủ sớm ban hành cơ chế khuyến khích phát triển mô hình điện mặt trời mái nhà, nhằm thúc đẩy, phát triển nguồn năng lượng xanh trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Đồng thời, DN đề xuất các Bộ, ngành sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh về các thủ tục liên quan như: thủ tục về đầu tư, quy hoạch, xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy, nhằm thu hút nguồn lực đầu tư, khuyến khích DN mạnh dạn, chủ động chuyển dịch năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo trong trong sản xuất.

Ngoài ra, nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong đầu tư lắp đặt, các Bộ, ngành chức năng cần sớm xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho các bộ phận cấu thành nên hệ thống điện mặt trời mái nhà (bao gồm tấm pin, inverter, ắc quy, bộ chống phát ngược...); tiêu chí kỹ thuật để nghiệm thu nguồn phát đúng quy trình, giúp thuận lợi trong quá trình kiểm tra, nghiệm thu đưa hệ thống điện mặt trời mái nhà vào vận hành hoạt động ổn định…/.

Tại Quy hoạch Điện VIII đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

Cùng chuyên mục
Bàn giải pháp “gỡ vướng” cho phát triển điện mặt trời mái nhà