Xử lý nợ xấu: Hạn chế đẩy rủi ro cho tương lai

(BKTO) - Nếu việc xử lý nợ xấu chỉ theo cách là khoanh, giãn, xóa… thì sẽ là đẩy rủi ro cho tương lai, bởi ngân hàng vẫn có lợi nhuận cao, nhưng nền kinh tế và người dân gánh chịu rủi ro và thiệt hại về lâu dài khi nguồn lực bị mất đi.

Đây là nhận định của chuyên gia Phạm Xuân Hòe - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, đưa ra tại cuộc Hội thảo Khoa học thường niên với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2024: Nỗ lực phục hồi trong bối cảnh nhiều bất định” do Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức ngày 11/4.

Sớm mua tiêu dùng giảm so với trước dịch

Tại hội thảo, TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nhận định thế giới đang trải qua giai đoạn có 4 điều nổi bật là “bất định, bất ổn, bất an và bất thường”. Giai đoạn này có thể còn kéo dài và gây bất lợi cho sự phát triển của mọi quốc gia. Xung đột giữa các nước lớn, chủ nghĩa dân tộc cực đoan nổi lên, dịch bệnh, an ninh phi truyền thống… đều là những vấn đề gây có thể gây bất ổn và khó lường.

hoi-thao.jpg
Toàn cảnh Hội thảo. 

Theo TS Võ Trí Thành, dù phía trước còn nhiều khó khăn, thậm chí sóng bão, song chúng ta vẫn có lý do để tin vào một kết quả tích cực hơn trong phát triển kinh tế năm 2024. Quan trọng hơn, hy vọng Việt Nam tạo dựng được những nền tảng cơ bản tốt hơn, chất lượng hơn, cả về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực, để bứt phá phát triển trong giai đoạn tới.

Trong những khó khăn đó, thì tín hiệu tích cực là kinh tế thế giới năm nay và năm sau có có khả năng phục hồi khả quan hơn, nguy cơ suy thoái của các đối tác lớn của Việt Nam là thấp.

Với kinh tế Việt Nam, giai đoạn chịu áp lực lớn nhất về tài chính, tiền tệ (cuối năm 2022) đã qua, dù vậy chắc chắn vẫn còn nhiều vấn đề về tài chính, tiền tệ phải giải quyết để hỗ trợ cho phục hồi tăng trưởng.

Một số nét nổi bật của kinh tế Việt Nam thời gian gần đây được TS Võ Trí Thành chỉ ra như là sự phục hồi của xuất khẩu, của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đầu tư công thuận lợi, làn sóng FDI tăng tốc… Những điều này đã tạo tác động lan tỏa cho cả nền kinh tế.

Mặt ngược lại, những điều cần lưu tâm là nhu cầu tiêu dùng giảm, đầu tư tư nhân thấp, sức khỏe doanh nghiệp yếu và tín dụng tăng rất chậm, đặc biệt là tín dụng cho thị trường bất động sản.

Mặc dù đã có sự đóng góp từ lượng khách du lịch quốc tế tăng mạnh, song tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ quý I/2024 chỉ tăng 5,1% (đã loại trừ yếu tố giá), rất thấp so với thời điểm trước dịch cũng so với năm 2023. “Như vậy là tiêu dùng của người Việt giảm rất mạnh. Đó cũng là vấn đề nhiều người thắc mắc khi tăng trưởng được tới 5,66 % trong quý I, mà số lượng doanh nghiệp rút lui lớn hơn nhiều số doanh nghiệp gia nhập thị trường” - TS Võ Trí Thành nêu vấn đề.

Lãi suất cho vay khó giảm

Bình luận sâu hơn về lĩnh vực tiền tệ, chuyên gia kinh tế Phạm Xuân Hòe cho rằng cần phải phân tích kỹ lưỡng, nhìn sâu hơn vào các con số để nhận định đúng vấn đề. Thực tế, doanh nghiệp trong nền kinh tế vẫn thiếu tiền và thanh khoản. Dù Ngân hàng Nhà nước đã liên tục hạ lãi suất, song lãi suất cho vay vẫn cao.

Ông Phạm Xuân Hòe lý giải, nghịch lý này là do thị trường 1 (thị trường cho vay giữa ngân hàng và doanh nghiệp, người dân) và thị trường 2 (thị trường cho vay giữa các ngân hàng thương mại, với sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước) chưa có sự liên thông nhịp nhàng. Hạ lãi suất điều hành nhưng cung tiền không ra nền kinh tế thì lãi suất trên thị trường cho vay với doanh nghiệp và người dân vẫn cao.

Một yếu tố nữa tác động lớn đến lãi suất cũng như đến cả hệ thống ngân hàng là nợ xấu. “Quá trình tái cơ cấu ngân hàng chưa thể coi là thành công khi 3 ngân hàng 0 đồng vẫn còn day dứt, vụ việc SCB là điển hình của hiện tượng thao túng, chuyển nguồn lực cho sân sau, khiến dòng tiền không phát huy hiệu quả trong nền kinh tế” - ông Phạm Xuân Hòe bình luận.

hoe.jpg
Ông Phạm Xuân Hòe phát biểu tại hội thảo.

Theo vị chuyên gia này, nếu việc xử lý nợ xấu chỉ theo cách là khoanh, giãn, xóa… thì sẽ là đẩy rủi ro cho tương lai, bởi ngân hàng vẫn có lợi nhuận cao, nhưng nền kinh tế và người dân gánh chịu rủi ro và thiệt hại về lâu dài khi nguồn lực bị mất đi. Nếu tư duy, chính sách xử lý nợ xấu không thay đổi thì mặt bằng lãi suất cho vay không thể giảm, bởi ngoài phần bù lạm phát, chi phí hoạt động, thì cấu phần bù rủi ro là rất lớn từ sự thiệt hại do nợ xấu.

Trong khi mặt bằng lãi suất cho vay còn cao, việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng không hề dễ dàng. Bởi để vay được tiền ngân hàng phải có tài sản thế chấp, nhưng với doanh nghiệp nhỏ và vừa, họ thường không có đủ tài sản thế chấp đủ theo yêu cầu ngân hàng. Về phía cán bộ ngân hàng, đây cũng là khó khăn khi nếu không có tài sản thế chấp, xảy ra thiệt hại thì có nguy cơ bị hình sự hóa.

Đây là vấn đề mà Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể giải quyết phần nào. Song, theo ông Phạm Xuân Hòe, với quy mô nhỏ và cơ chế quá chặt chẽ tương tự ngân hàng, quỹ này hầu như chưa phát huy được vai trò của mình.

Thảo luận tại hội thảo, các chuyên gia cũng nêu ra một số vấn đề có thể coi là nghịch lý trong nền kinh tế như lạm phát thấp - lãi suất cao, tăng trưởng cao - năng suất thấp, ngân hàng thừa tiền - doanh nghiệp thiếu vốn… Trong bối cảnh triển vọng kinh tế thế giới còn bất định, Chính phủ đang có nỗ lực, quyết tâm triển khai hàng loạt các giải pháp, nhiệm vụ để khơi thông những điểm nghẽn của nền kinh tế, điều được các chuyên nhấn mạnh là phải nhìn vào thực tại nền kinh tế để có những đánh giá đúng đắn, nhận định chính xác, từ đó mới tìm ra đúng nguyên nhân, giải pháp trọng tâm cho nền kinh tế.

Cùng chuyên mục
Xử lý nợ xấu: Hạn chế đẩy rủi ro cho tương lai