Một hay nhiều đầu mối quản lý nợ công?
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, sáng 16/6, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Góp ý vào dự án Luật, đa số ý kiến các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật quản lý nợ công là hết sức cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nợ bền vững, an toàn, hiệu quả, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế- xã hội của đất nước trong thời kỳ mới.
Đi vào cụ thể các quy định trong dự án Luật, hầu hết các ý kiến thảo luận đều đề cập đến quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, ngành trong quản lý nợ công với những lập luận, quan điểm khác nhau.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) tán thành việc giữ nguyên 3 đầu mối quản lý nợ công như hiện hành. Theo đó, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về vốn đối ứng, cân đối trả nợ, đàm phán vay với các đối tác song phương; Bộ Kế hoạch và Đầu tư đàm phán vay vốn ODA và phân bổ vốn; Ngân hàng Nhà nước đàm phán các khoản vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
Theo đại biểu, sửa luật phải trên cơ sở tổng kết thực tiễn, vướng mắc mới sửa. Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước vẫn làm tốt việc này, được các nhà tài trợ đánh giá cao. Các bất cập về năng lực quản lý dự án, bố trí nguồn đối ứng, giải phóng mặt bằng... không phải do Ngân hàng Nhà nước ký kết hiệp định.
Cùng chung lập luận, đại biểu Nguyễn Ngọc Hải (Hà Giang) cho rằng, những bất cập của các dự án sử dụng ODA, vốn vay ưu đãi hiện nay không phải phát sinh từ việc phân công nhiệm vụ, ký kết hiệp định, vay vốn ODA và vốn ưu đãi giữa Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước mà là do những bất cập trong quản lý sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi về cơ chế tài chính, vốn đối ứng, giải phóng mặt bằng, đấu thấu, quản lý dự án...
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) thì cho rằng: “để sửa luật, phải tổng kết mô hình này thời gian qua đã hiệu quả hay chưa? Nếu hiệu quả tại sao nợ công của chúng ta lại tăng nhanh như vậy?”
Đại biểu đề nghị nên quy định theo hướng giao cho một cơ quan làm đầu mối thống nhất theo sự phân công của Chính phủ để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nợ công. Bởi việc quy định nhiều cơ quan cùng làm đầu mối để quản lý nợ công như hiện nay là chưa đáp ứng với yêu cầu về cải cách hành chính và sẽ không khắc phục được hạn chế đang diễn ra trên thực tế.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cũng bày tỏ băn khoăn: “Đành rằng 3 cơ quan thì đỡ xáo trộn bộ máy và có thể phân định trách nhiệm rõ hơn, nhưng thực tế là sự phối hợp chưa bao giờ thông suốt, bức tranh nợ công phải lắp ghép từ nhiều mảnh nên không hoàn chỉnh; ODA chưa bao giờ kiểm soát được, luôn vượt dự toán, đẩy bội chi, nợ công lên cao ngoài dự kiến; chưa gắn được trách nhiệm vay, phân bổ với trách nhiệm đảm bảo nguồn để trả nợ, trách nhiệm khi xảy ra thất thoát, lãng phí”.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm(Phú Thọ) cho rằng để 1đầu mối quản lý nợ công sẽ tốt hơn.Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu cho rằng: một đầu mối sẽ tốt hơn, thuận lợi hơn ba đầu mối vì gắn được trách nhiệm vay, trách nhiệm phân bổ, trách nhiệm sử dụng với trách nhiệm cân đối nguồn và trách nhiệm trong thất thoát, lãng phí; giảm được biên chế, tăng tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức; tăng niềm tin và giảm phiền hà cho người cho vay. Ngoài ra, việc đưa toàn bộ danh mục nợ công về một đầu mối sẽ nhanh chóng có được bức tranh tổng thể về nợ trong nước, nợ nước ngoài, nợ dài hạn, nợ ngắn hạn, thay vì phải ghép nhiều mảnh ghép như hiện nay. Điều đó phục vụ tốt hơn trong công tác phân tích nợ, giảm rủi ro của nợ, đồng thời đánh giá được tổng thể nhu cầu vay, có thể gộp các khoản vay nhỏ thành các khoản vay lớn, giảm các đầu mối tài chính trung gian, từ đó giảm chi phí vay.
“Tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc đưa nợ công về một đầu mối để thống nhất quản lý nợ công và cũng phù hợp với Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị là rà soát, sắp xếp lại nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị gắn trách nhiệm quyết định chi, quyết định vay với trách nhiệm quản lý ngân sách và trách nhiệm trả nợ”- đại biểu Hàm nói.
Gắn trách nhiệm đi vay với trách nhiệm trả nợ
Bên cạnh quy định về đầu mối quản lý nợ công, các đại biểu Quốc hội cũng nhấn mạnh việc dự án Luật cần có những quy định chặt chẽ giữa trách nhiệm đi vay, sử dụng vốn vay với trách nhiệm trả nợ nhằm khắc phục những bất cập trong quản lý nợ công hiện nay.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phân tích, việc giữ nguyên quy định về đầu mối quản lý như hiện hành có ưu điểm căn bản là phát huy thế mạnh của mỗi cơ quan trong huy động các khoản vay, nhưng cũng chính vì vậy mà nợ công tăng nhiều, cấp độ nợ công tăng nhanh. “Việc quy định như vậy không gắn trách nhiệm đi vay, sử dụng vốn với trách nhiệm trả nợ, không chỉ nguy hại với khả năng trả nợ mà cả tiến độ, dẫn đến dồn trách nhiệm trả nợ nặng vào một thời điểm như giai đoạn hiện nay” - đại biểu Cường nhận xét.
Đại biểu cho rằng, quy định trách nhiệm trong luật hiện nay rất mập mờ. Nếu không quy định trách nhiệm phải gánh chịu về hậu quả thì đương nhiên cơ quan nào cũng muốn nhận nợ về mình.
“Người đời xưa có câu là "trên đời có 4 cái dại, trong đó có cái dại là lãnh nợ". Bởi vì ở đây không quy định lãnh nợ phải chịu trách nhiệm trả nợ nên lãnh nợ không phải là dại như người xưa nói. Do vậy tôi đề nghị phải quy định các cơ quan đi vay về cho vay lại hoặc bảo lãnh vay phải chịu trách nhiệm trả nợ thay nếu người vay không trả được nợ”- đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang) cũng đề nghị, dự án Luật cần bổ sung quy định làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền quyết định và các đối tượng có liên quan trong toàn bộ quy trình huy động, thẩm định, phân bổ, quản lý, sử dụng nợ công. Đặc biệt, trong trường hợp sử dụng vốn vay không hiệu quả gây thất thoát, lãng phí, để bảo đảm quyền hạn gắn liền với trách nhiệm, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý đối với nợ công, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế.
N. HỒNG