Công nghệ lạc hậu 2-3 thế hệ
Báo cáo kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, các kết quả nghiên cứu khoa học trong những năm qua đã làm gia tăng hàm lượng công nghệ trong nhiều sản phẩm, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng và sức cạnh tranh trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất chất lượng các mặt hàng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, thiết kế chế tạo giàn khoan dầu khí, đóng tàu quân sự, thương mại hóa vi mạch điện tử, sản xuất vắc-xin... Tuy nhiên, giá trị sản phẩm công nghệ cao đều do khối FDI tạo ra, còn phần lớn DN Việt Nam vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới 2-3 thế hệ.
Báo cáo giám sát cũng chỉ ra thực tế, hầu hết các DN chưa sẵn sàng và chưa có động lực để đầu tư cho KH&CN. Đến nay, chỉ khoảng 0,1-0,3% doanh thu của các DN được đầu tư cho hoạt động này. Năng lực tiếp thu, làm chủ và đổi mới công nghệ của DN không cao, chủ yếu là mua bán thiết bị, máy móc và dây chuyền công nghệ toàn bộ. Các giao dịch mua bán công nghệ ở dạng tài sản trí tuệ còn rất hạn chế. Hầu như không có DN FDI đặt các tổ chức nghiên cứu và phát triển của mình tại Việt Nam.
Phần lớn các DN trong nước vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu so với thế giới Ảnh: TL
Một bất cập khác đã được đề cập khá nhiều trong thời gian qua cũng được báo cáo giám sát chỉ ra, đó là trong phát triển KH&CN còn thiếu sự liên kết hữu cơ giữa nghiên cứu KH&CN, giáo dục - đào tạo và sản xuất - kinh doanh; thiếu sự hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức nghiên cứu - phát triển, các trường đại học và DN.
Làm rõ hiệu quả đầu tư cho KHCN
Đồng tình với nhiều đánh giá của đoàn giám sát, song tại phiên họp, nhiều ý kiến trong UBTVQH đề nghị báo cáo cần đánh giá kỹ hơn để làm rõ về hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho KH&CN trong thời gian vừa qua, cũng như hiệu quả ứng dụng của các đề tài nghiên cứu khoa học vào thực tiễn.
Bày tỏ trăn trở về hiệu quả sử dụng nguồn NSNN dành cho việc nghiên cứu các đề tài cấp nhà nước, cấp Bộ và khả năng ứng dụng thực tế của các đề tài, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đề nghị, báo cáo giám sát cần làm rõ đánh giá về sự gia tăng mang tính nhảy vọt của giá trị sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao ngày càng đóng góp nhiều vào tổng sản phẩm xã hội. “Cần đánh giá các nguyên nhân, cơ cấu đóng góp ở ngành nào, lĩnh vực nào, chế tạo, chuyển giao công nghệ hay phát triển khoa học kỹ thuật?” - ông Giàu nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường bổ sung thông tin hiện có bao nhiêu đề tài KH&CN được phê duyệt và bao nhiêu đề tài phục vụ thực tiễn. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội: Có tình trạng mỗi năm phê duyệt bao nhiêu đề tài, sau đó báo cáo, nghiệm thu, nhưng rồi để đó. Cần phải xem lại cơ chế, cũng như đánh giá hiệu quả của các đề tài đã giao cho các Bộ, ngành, địa phương đến đâu, ảnh hưởng như thế nào đến NSNN và cần xem xét cơ chế khoán sản phẩm để kích thích sáng tạo.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, cần đánh giá sâu thêm về thực trạng nghiên cứu khoa học đã tập trung phục vụ cho phát triển công nghệ và đã gắn với phát triển công nghệ hay chưa, NSNN cho nghiên cứu khoa học đã được sử dụng hiệu quả hay chưa. “Ở nước ngoài thì thời gian để nghiên cứu chọn một đề tài rất lâu, dựa trên khảo sát nhưng ở ta gần như không mất thời gian đã được duyệt nghiên cứu nhưng sau đó để đấy. Có tình trạng nhiều nghiên cứu khoa học chỉ phục vụ cho bằng cấp, chứng chỉ…” - ông Chiến nêu thực tế.
Đề cập đến những bất cập về cơ chế tài chính cho KH&CN, đặc biệt là tình trạng đầu tư thiếu kinh phí nhưng sử dụng dàn trải, chi không đúng mục đích cho KH&CN chiếm tới 37% kinh phí, cách thức chi tiền vừa khó khăn trong thanh toán vừa lãng phí…, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ cần có báo cáo riêng về nội dung này, trong đó có đánh giá của KTNN liên quan đến vấn đề sử dụng kinh phí cho KH&CN trong thời gian vừa qua.
Năm 2015, KTNN đã kiểm toán chuyên đề công tác quản lý và sử dụng nguồn kinh phí NSNN đầu tư cho hoạt động KH&CN năm 2014. Kết quả kiểm toán đã tập trung đánh giá tính hiệu lực, kết quả thực hiện và khả năng hoàn thành mục tiêu của các chương trình, dự án, đề tài KH&CN giai đoạn 2011-2015. Ngoài đánh giá việc tuân thủ các quy định của pháp luật, chế độ, chính sách trong công tác quản lý và sử dụng NSNN đầu tư cho KH&CN, KTNN còn tập trung đánh giá về công tác huy động các nguồn lực của quốc gia cho phát triển KH&CN, công tác đổi mới về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động, công tác xây dựng chiến lược, chính sách cán bộ, cơ chế tự chủ của các tổ chức KH&CN. Qua đó, chỉ ra những bất cập, hạn chế của cơ chế chính sách và công tác chỉ đạo điều hành của các Bộ, ngành, địa phương, các cấp chính quyền về phát triển KH&CN; đưa ra các kiến nghị để nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý và sử dụng các nguồn lực cho hoạt động KH&CN.