Thất thu ngân sách 21.000 tỷ đồng
Theo thống kê Việt Nam xếp thứ 15 trên thế giới về diện tích khoáng sản (KS), xếp thứ 65 về tuổi địa chất, có 60/200 loại KS phổ biến trên thế giới. Việt Nam lại đứng thứ 7 về khai thác dầu thô ở khu vực châu Á Thái Bình Dương; đóng góp 2,3% tổng sản lượng thiếc, 1,8% tổng sản lượng xi măng, 1% sản lượng barite trên thế giới; một số mỏ khoáng sản khác cũng được khai thác với số lượng lớn gồm than, dầu thô, khí thiên nhiên, chì, apatite... Nhưng trong nhiều năm qua, nguồn thu từ thuế tài nguyên ngoài dầu khí lại chỉ chiếm tỷ trọng rất thấp trong tổng thu ngân sách. Cụ thể theo thống kê của tổ chức Pan Nature, năm 2011, Nhà nước thu được khoảng 7.954 tỷ thuế tài nguyên ngoài dầu khí, chỉ chiếm khoảng 1,1% ngân sách. Con số này cũng tương tự với năm 2012 và 2013 lần lượt ở mức 0,9% và 1%.
Tổng thất thu từ khai thác KS và dầu khí trong năm 2014 ước tính khoảng 21.000 tỷ đồng Ảnh: TS
Những con số này cho thấy sự chưa tương xứng giữa nguồn thu từ thuế với quy mô và sản lượng khai thác. Theo đánh giá của các chuyên gia, mức thất thu trong khai thác tài nguyên của Việt Nam chiếm khoảng 5 - 25% GDP. Theo Tổng cục Thống kê, GDP từ ngành khai khoáng năm 2014 của Việt Nam là hơn 426.000 tỷ đồng, tổng thất thu từ khai thác KS và dầu khí ước tính khoảng 21.000 tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhân thực trạng này, PGS.TS Lê Xuân Trường - Học viện Tài chính cho rằng: Có 3 yếu tố kẽ hở khiến cho DN lợi dụng gian lận thuế và các khoản thu khác. Một là minh bạch hoá trong công nghiệp khai khoáng còn chưa tốt, chưa phát huy được vai trò giám sát của cộng đồng. Hai là công tác quản lý khai thác KS của chính quyền địa phương chưa tốt, để khai thác lậu xảy ra nhưng không ngăn chặn được. Ba là công tác phối hợp giữa cơ quan thuế địa phương và cơ quan quản lý tài nguyên môi trường còn chưa tốt. Ông Trường cho rằng Chính phủ nhanh chóng tham gia vào EITI. Bởi chỉ có minh bạch hoá ngành khai khoáng mới giúp trám đầy các kẽ hở bên trong quản lý thu ngân sách từ KS, nâng cao hiệu quả thu NSNN.
Vì sao Việt Nam chậm tham gia IETI ?
EITI là một tiêu chuẩn toàn cầu về quản trị đối với tài nguyên dầu khí và KS. Tiêu chuẩn này được thực hiện bởi Chính phủ các nước, phối hợp với các DN và xã hội dân sự. EITI sẽ góp phần giảm hành vi trốn, tránh thuế trong lĩnh vực khai khoáng; giảm thiểu rủi ro pháp lý cho Chính phủ, đặc biệt là công đoạn cấp phép; tạo môi trường đầu tư tốt hơn, để lựa chọn dự án có hiệu quả; minh bạch cấp phép, sản xuất và thu ngân sách. Số liệu thống kê cho thấy, việc tham gia EITI đã giúp nhiều nước giàu tài nguyên tăng thu được hàng trăm triệu USD. Hiện nay, trên thế giới có 53 quốc gia tham gia EITI, trong đó có nhiều quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, Nauy… Theo ước tính, nếu tham gia sáng kiến minh bạch này và thực hiện đầy đủ EITI thì Việt Nam cũng có thể bổ sung được trên 1 tỷ USD vào ngân sách từ hoạt động thu thuế tài nguyên bên cạnh đó là việc quản lý sử dụng hiệu quả chống lãng phí tài nguyên.
TS.Nguyễn Thành Sơn - Giám đốc New Technology Solutions Vietnam đưa ra ví dụ cụ thể: Chúng ta có rất nhiều than, nhưng đã phải nhập khẩu từ rất sớm, như vậy thì có thể nói đây là một sự phát triển không tối ưu, đó là xuất phát từ việc không minh bạch trong phát triển. Nếu tham gia EITI sớm thì Việt Nam có thể đẩy lùi nhu cầu nhập khẩu than sang tới sau năm 2020, nhưng đến năm 2013 đã nhập khẩu than rồi và tính tới năm nay, số lượng nhập khẩu đã lên tới 10 triệu tấn than.
Chính phủ Việt Nam cũng đã tiếp cận và xem xét tham gia sáng kiến EITI từ năm 2007. Tuy nhiên, sau gần 10 năm xem xét, Việt Nam vẫn chưa có tuyên bố rõ ràng về việc tham gia EITI. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc giao Bộ Công Thương - cơ quan chủ quản của nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn như PVN, TKV… chủ trì đang khiến quá trình tham gia bị “trì hoãn” vô thời hạn.
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đặt câu hỏi: Tại sao Việt Nam lưỡng lự tham gia vào EITI trong khi các nước Châu Phi, Trung Đông đã tham gia lâu rồi? Dường như, Việt Nam chọn sai cơ quan chủ trì, hiện Bộ Công Thương được giao chủ trì đánh giá, tiếp thu ý kiến và tham vấn Chính phủ. Tuy nhiên, khi hành xử, Bộ này lại cân nhắc lợi ích giữa quản lý Nhà nước với quan hệ với các tập đoàn lớn. Đồng quan điểm, bà Trần Thanh Thủy đại diện Liên minh Khoáng sản Việt Nam cho rằng: Bảo vệ “lợi ích nhóm” là nguyên nhân chính khiến tiến trình bị gián đoạn. Nếu như Myanmar chỉ mất đúng 2 năm để giải quyết vấn đề thì Việt Nam đã mất gần 10 năm. Để đẩy nhanh tiến trình, vấn đề về năng lực kỹ thuật, nguồn lực kĩ thuật không phải là rào cản chính mà là quyết tâm chính trị.
Nhiều chuyên gia cho rằng: Cần đưa vấn đề nghiên cứu, tham vấn Chính phủ về Bộ Tài Nguyên - Môi trường, Bộ Tài chính, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội hoặc lập một Ủy ban tổng hợp thì tiến trình Việt Nam gia nhập EITI sẽ nhanh hơn.
Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 22/7/2016 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Chính phủ trong năm 2016 về Đề án tham gia EITI. Cũng tại Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 5/8/2016 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2016, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ về khả năng Việt Nam tham gia Sáng kiến minh bạch ngành khai khoáng trong tháng 8/2016.
HOÀNG LONG