Băn khoăn về nguồn vốn xây dựng cao tốc Bắc - Nam

(BKTO) - Việc Chính phủ trình Quốc hội chủ trương đầu tư một số đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam nhánh phía Đông giai đoạn 2017-2020 đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Chủ trương này nhận được nhiều ý kiến tán thành nhưng cũng có không ít sự phản biện. Đặc biệt là việc huy động vốn như thế nào để tránh tình trạng khi khởi động dự án lại thiếu vốn, kéo dài, đội vốn gây lãng phí.



Tính cấp bách của Dự án

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), chi phí logistics của Việt Nam vẫn rất cao do giao thông chưa kết nối tốt, từ đường bộ đến đường sắt đều chưa đủ năng lực cho vận tải container. Mặt khác, Quốc lộ 1 dù mới được nâng cấp, mở rộng nhưng xe đi qua các đô thị chỉ chạy được 40 - 50 km/h. Tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1 còn ở mức cao. Nếu đầu tư được hệ thống cao tốc theo đúng quy hoạch, những bất cập này sẽ được giải quyết.

Bộ GTVT đã nghiên cứu xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam từ năm 1997-1998. Đến năm 2016, Bộ đã rà soát lại tổng thể và phân kỳ theo Nghị quyết số 13-NQ/TW, làm cấp bách trước một số đoạn. Căn cứ nhu cầu vận tải và quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, để đảm bảo hiệu quả đầu tư, khả năng cân đối nguồn lực, Chính phủ dự kiến lộ trình đầu tư Dự án theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2017-2020); giai đoạn 2 (2021-2025); giai đoạn 3 (sau năm 2025). Trong đó, phạm vi đầu tư giai đoạn 1 (dài 713km), với nhu cầu vốn cần hơn 118.000 tỷ đồng.

Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT Phạm Hữu Sơn cho biết, một số đoạn tuyến có lưu lượng xe rất cao, đó là đoạn Hà Nội - Vinh, TP. HCM - Nha Trang và TP.HCM - Cần Thơ. Đây là 3 đoạn tuyến có số lượng xe và lưu lượng hàng hoá lớn nhất. Nghiên cứu cũng chỉ ra sau năm 2020, 3 đoạn tuyến này không đáp ứng nổi nên phải đề xuất thực hiện ngay giai đoạn 1.

Nói về tính cấp thiết của Dự án, Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - cho rằng, Dự án cao tốc Bắc - Nam rất cần thiết vì tuyến Quốc lộ 1 vừa là đường dân sinh vừa là quốc lộ. Không những vậy, nhu cầu liên kết với ASEAN, Trung Quốc, “nhất đới, nhất lộ” toàn châu Á khiến việc xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam là con đường duy nhất kết nối với toàn khu vực.

Nguồn vốn liệu có khả thi?

Tại buổi tọa đàm “Xây dựng cao tốc Bắc - Nam nhánh Đông từ chủ trương, chính sách đến hiện thực” do Báo Giao thông tổ chức mới đây, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng, đây là dự án lớn, tác động tới sự phát triển kinh tế của đất nước, lẽ ra phải làm từ lâu. Tuy nhiên, ngành giao thông còn nhiều dự án cần ưu tiên mà thực tế hiện nay chưa tận dụng được như đường sắt, hàng không, đường thủy.

Đưa ra bài học thực tiễn, ông Thiên dẫn chứng, Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, trước đây khi đầu tư chúng ta kỳ vọng sẽ giúp cả vùng dọc tuyến “bùng dậy”. Tuy nhiên, khi đưa vào khai thác, hiệu quả tài chính, xã hội chưa được như mong muốn. Do đó, việc đầu tư Dự án cao tốc Bắc - Nam cần phải tính toán được mối quan hệ giữa xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đường bộ, hàng không. Đồng thời, trước khi triển khai dự án cần làm rõ vấn đề về quy hoạch, tính toán huy động vốn, giảm phí cho DN và hiệu quả phương án tài chính cho nhà đầu tư.

Các chuyên gia cũng khẳng định xây dựng cao tốc Bắc - Nam là cần thiết, tuy nhiên Bộ GTVT sẽ huy động vốn như thế nào để tránh tình trạng khi khởi động dự án rồi lại thiếu vốn, kéo dài, đội vốn gây lãng phí đang là vấn đề đặt ra.

Trả lời về nguồn lực để đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam, Vụ trưởng Vụ Hợp tác công-tư (Bộ GTVT) Nguyễn Danh Huy cho biết, Bộ đã phân kỳ đầu tư ưu tiên dựa trên lưu lượng xe cho từng giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 cần hơn 118.000 tỷ đồng để đầu tư. Hiện tại, đã có 55.000 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ để lập dự án khả thi, giải phóng mặt bằng, thiết kế kỹ thuật, lập hồ sơ mời thầu; 63.000 tỷ đồng còn lại huy động nguồn lực tư nhân. Theo quy định mức vốn chủ sở hữu đối với nhà đầu tư khi tham gia dự án đã được nâng từ 10% lên 15%. Vì thế, sẽ có khoảng 13.000 tỷ đồng trên tổng số 63.000 tỷ đồng là vốn của nhà đầu tư.

Số vốn còn lại khoảng 50.000 tỷ đồng sẽ được huy động từ các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, số vốn này không phải huy động cùng một lúc mà dự kiến chia ra 4 năm, mỗi năm huy động 12.000 tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng trong nước, con số này chưa đến 1% tổng huy động của toàn hệ thống ngân hàng. Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, mức này là hợp lý, ngân hàng trong nước có đủ khả năng để huy động nguồn vốn.

LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 45 ra ngày 09-11-2017
Cùng chuyên mục
  • Ba trụ cột cho tăng trưởng kinh doanh
    7 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Các CEO Việt Nam đang kỳ vọng vào những cơ hội tăng trưởng kinh doanh trong tương lai khi Việt Nam được dự báo là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, thậm chí còn có thể lọt top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2050. Đây là nhận định trong Báo cáo phân tích triển vọng phát triển kinh doanh tại Việt Nam vừa được PwC công bố, bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng.
  • Công khai, minh bạch để phòng, chống tham nhũng hiệu quả
    7 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Dù được đánh giá là có nhiều chuyển biến tích cực song các đại biểu Quốc hội không khỏi lo lắng khi nạn tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, việc thực hiện biện pháp pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức, tài sản thu hồi do tham nhũng còn quá khiêm tốn…
  • Tăng chế tài xử phạt  để dẹp nạn phân bón giả
    7 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Lượng phân bón trong nước đang được lưu hành rất lớn với nhiều chủng loại, mẫu mã khác nhau. Tuy nhiên, việc quản lý còn nhiều bất cập, lỏng lẻo khiến phân bón giả, kém chất lượng và không rõ nguồn gốc xuất hiện tràn lan trên thị trường. Yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay là phải tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các loại sản phẩm này.
  • Xử lý những ngân hàng yếu kém:  Phá sản là lựa chọn cuối cùng
    7 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Giai đoạn 2011-2015, mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những chỉ đạo quyết liệt trong việc thực hiện tái cơ cấu ngân hàng, song không ít ngân hàng yếu kém vẫn chưa được xử lý một cách triệt để. Nhằm khắc phục thực trạng này, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) đã đưa ra 5 biện pháp tái cơ cấu, trong đó có các quy định về phá sản ngân hàng yếu kém.
  • Gỡ rào cản chính sách,  tạo động lực cho tăng trưởng
    7 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Theo các chuyên gia, để thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, cần thiết phải tháo gỡ những rào cản, nút thắt chính sách, tạo động lực cho các thành phần cùng hợp sức phát triển kinh tế. Muốn vậy, chính sách tỷ giá phải linh hoạt nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam; tiếp tục cổ phần hóa (CPH), thoái vốn nhà nước tại DN, nâng cao hiệu quả chi NSNN; phát huy vai trò khu vực tư nhân, giảm dần chi phí logistic...
Băn khoăn về nguồn vốn xây dựng cao tốc Bắc - Nam