Công khai, minh bạch để phòng, chống tham nhũng hiệu quả

(BKTO) - Dù được đánh giá là có nhiều chuyển biến tích cực song các đại biểu Quốc hội không khỏi lo lắng khi nạn tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, việc thực hiện biện pháp pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức, tài sản thu hồi do tham nhũng còn quá khiêm tốn…



Chống tham nhũngchưa thực sự đột phá

Báo cáo trước Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2017, tân Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá, công tác PCTN tuy tạo được sự thay đổi tích cực nhưng vẫn chưa thực sự mang tính đột phá. Tham nhũng nhìn chung vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công; việc PCTN tại các Bộ, ngành, địa phương còn yếu, chưa đồng đều và vẫn còn những hạn chế, yếu kém.

Thảo luận về báo cáo của Chính phủ, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc xử lý tham nhũng chưa nghiêm minh. Đó là có tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm; có hiện tượng chạy tội, chuyển tội; nhiều nơi công tác PCTN còn hình thức. Mới chỉ phát hiện, xử lý các vụ tham nhũng nhỏ ở cấp xã, huyện, hoặc những vụ đặc biệt nghiêm trọng được xã hội quan tâm, còn cấp tỉnh rất ít.
Đại biểu Quốc hội Trương Phi Hùng (Long An) đề nghị cần nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với công tác PCTN. Ảnh: TTXVN

Đặc biệt, những bất cập, hạn chế trong thu hồi tài sản khi xử lý các vụ án tham nhũng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nêu rõ: Khi xử lý những vụ án tham nhũng, cho dù cơ quan điều tra, viện kiểm sát có làm tốt công tác điều tra, truy tố đến đâu, tòa án có tuyên những bản án nghiêm khắc đến đâu mà lại không thu hồi được tài sản tham nhũng thì việc xử lý coi như chưa triệt để, không đạt được mục tiêu của Đảng và Nhà nước đề ra.

Đại biểu Hoa cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên là do người phạm tội tham nhũng thường có vị trí, kiến thức nên che giấu rất tinh vi, tẩu tán tài sản, thậm chí tiêu xài hoang phí... “Thu hồi tài sản tham nhũng là thước đo hiệu quả của công tác PCTN. Chính vì vậy, các cơ quan thanh tra, điều tra, viện kiểm sát, tòa án cần có sự quyết tâm hơn nữa, chủ động hơn nữa trong công tác này…” - đại biểu Hoa kiến nghị.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho rằng, thu hồi tài sản do tham nhũng mà có là mục tiêu chính trong đấu tranh chống loại tội phạm này. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ chỉ có một dòng nhạt nhoà “thu hồi có chuyển biến tích cực nhưng tỷ lệ còn thấp” và không đưa ra giải pháp cụ thể nào cho vấn đề này.

Theo đại biểu Hiển, theo dõi một số vụ án lớn thì số tiền thu về cho ngân sách quốc gia "còn thất vọng hơn nhiều". Như vụ cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại Tập đoàn Vinashin, theo quyết định thi hành án, Phạm Thanh Bình và Trần Văn Liêm phải bồi thường thiệt hại gần 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến tháng 7/2017 vẫn chưa thi hành được khoản nào. Trong vụ Vinalines, Dương Chí Dũng phải bồi thường 110 tỷ đồng, nhưng báo chí phản ánh đến nay mới thi hành được hơn 21 tỷ đồng.

Dẫn báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật PCTN cho thấy 92% số tiền tham nhũng bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được, đại biểu Hiển cho rằng, việc thu hồi tài sản là quá thấp so với những thiệt hại rất lớn mà nạn tham nhũng gây ra cho ngân khố quốc gia.

Tăng cường thanh tra, kiểm toán và công khai, minh bạch

Để nâng cao hiệu quả PCTN, nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình cho rằng, trong các biện pháp phòng ngừa tham nhũng thì công khai, minh bạch là “giải pháp của mọi giải pháp”. Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An), số lượng phát hiện cán bộ kê khai tài sản không đúng, không trung thực còn quá ít so với thực trạng. Qua đó cho thấy biện pháp này còn mang tính hình thức, hiệu quả thấp.

Đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) và đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cũng có chung nhận xét, công khai, minh bạch và kiểm soát tài sản thu nhập của đối tượng kê khai chính là biện pháp vừa phòng ngừa tham nhũng vừa giúp phát hiện xử lý những cá nhân có hành vi tham nhũng và thu hồi tài sản bị tham nhũng. Song việc kê khai chỉ hình thức, chủ yếu dựa vào ý thức tự giác người kê khai, không ai kiểm tra, xác định, thẩm định, do đó rất khó phát giác những tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng. Đại biểu Trương Thị Yến Linh cho rằng, công khai, minh bạch phải toàn diện, trong đó ngoài việc công khai, minh bạch việc kê khai tài sản thu nhập cần công khai, minh bạch về kết quả thanh, kiểm tra và xử lý tham nhũng.

Đề cập đến vai trò của công tác thanh tra, kiểm toán trong phát hiện, phòng ngừa tham nhũng, đại biểu Trương Phi Hùng (Long An) đề nghị, cần tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật về công tác thanh tra, kiểm toán; có biện pháp cần thiết để hạn chế các đối tượng có dấu hiệu tham nhũng đối phó khi bị thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Đặc biệt, cùng với việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán các đối tượng nhạy cảm có thể xảy ra tham nhũng, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm của cơ quan này đối với công tác PCTN.

NGUYỄN HỒNG
Theo Báo Kiểm toán số 45 ra ngày 09-11-2017
Cùng chuyên mục
  • Tăng chế tài xử phạt  để dẹp nạn phân bón giả
    7 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Lượng phân bón trong nước đang được lưu hành rất lớn với nhiều chủng loại, mẫu mã khác nhau. Tuy nhiên, việc quản lý còn nhiều bất cập, lỏng lẻo khiến phân bón giả, kém chất lượng và không rõ nguồn gốc xuất hiện tràn lan trên thị trường. Yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay là phải tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các loại sản phẩm này.
  • Xử lý những ngân hàng yếu kém:  Phá sản là lựa chọn cuối cùng
    7 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Giai đoạn 2011-2015, mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những chỉ đạo quyết liệt trong việc thực hiện tái cơ cấu ngân hàng, song không ít ngân hàng yếu kém vẫn chưa được xử lý một cách triệt để. Nhằm khắc phục thực trạng này, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) đã đưa ra 5 biện pháp tái cơ cấu, trong đó có các quy định về phá sản ngân hàng yếu kém.
  • Gỡ rào cản chính sách,  tạo động lực cho tăng trưởng
    7 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Theo các chuyên gia, để thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, cần thiết phải tháo gỡ những rào cản, nút thắt chính sách, tạo động lực cho các thành phần cùng hợp sức phát triển kinh tế. Muốn vậy, chính sách tỷ giá phải linh hoạt nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam; tiếp tục cổ phần hóa (CPH), thoái vốn nhà nước tại DN, nâng cao hiệu quả chi NSNN; phát huy vai trò khu vực tư nhân, giảm dần chi phí logistic...
  • Dự toán ngân sách năm 2018:  Những băn khoăn từ giới chuyên gia
    7 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Ngày 26/10/2017, Dự thảo Dự toán ngân sách năm 2018 đã được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính. Khác với mọi năm, Dự thảo năm nay được công bố sớm, trước khi Quốc hội thảo luận và thông qua. Đây được xem là một nỗ lực lớn của Chính phủ trong việc thực hiện cam kết tăng cường minh bạch ngân sách.
  • Sẽ huy động từ thuế, phí đạt tới 22% GDP trở lên mà chưa cần phải điều chỉnh tăng thuế suất
    7 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Tại sao tăng trưởng kinh tế đạt nhưng thu ngân sách ở cả 3 khối DNNN, đầu tư nước ngoài và ngoài quốc doanh đều không đạt? Tại sao mức huy động thuế, phí trên GDP nhiều năm không đạt chỉ tiêu đại hội Đảng đề ra, thậm chí rất thấp như 2018 dự toán còn thấp hơn năm 2017. Tồn tại trên thuộc về công tác chỉ đạo thực hiện hay do chính sách tài khóa và trực tiếp là chính sách thu?
Công khai, minh bạch để phòng, chống tham nhũng hiệu quả